TP.HCM: Tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa
UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025.
Ngày 1/10, chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 10/2023 với chủ đề "Công tác bảo vệ môi trường - Vấn đề rác thải nhựa" đã được HĐND TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông và Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) phối hợp tổ chức.
Tham gia chương trình có Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, cùng nhiều lãnh đạo sở, ban, ngành liên quan tới chủ đề.
Thống kê cho thấy, rác thải nhựa chiếm hơn 23% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại TP HCM. Trong khoảng 9.000 tấn rác phát sinh hằng ngày thì có 1.800 tấn rác thải nhựa, tuy nhiên chỉ 200 tấn được thu hồi, tái chế.
Chợ truyền thống là nơi chiếm hơn 60% lượng rác thải nhựa khó phân hủy của toàn thành phố. Đây là thách thức không nhỏ, bởi các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường không đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhựa dùng một lần.

Đối với các hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn thành phố, tính tới cuối năm 2022, các đơn vị đã cơ bản cắt giảm túi ni-lông khó phân hủy, chuyển sang dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM, trong năm 2022, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Phấn đấu tới năm 2025, giảm sử dụng 85% sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy.
Dự kiến trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc nộp thuế của các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy.
Trong khi đó, TP.HCM tiếp tục thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và hướng dẫn chuyên ngành của Bộ TN-MT trong phát triển hạ tầng kỹ thuật và phương tiện chuyên dùng. Nhờ đó, tổ chức thu gom riêng biệt chất thải nhựa và vận chuyển trực tiếp đến cơ sở tái chế hoặc vận chuyển đến các trạm trung chuyển để xử lý theo đúng quy định.