TP.HCM phải xây dựng mục tiêu trở thành một thành phố toàn cầu
Chiều 20/11, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp để góp ý cho dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho năm 2025, cũng như dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2026 – 2030.
Chủ trì và phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết cuộc họp sẽ thảo luận về ba nội dung chính nhằm hoàn thiện báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 để phục vụ cho báo cáo tổng kết năm 2024; thảo luận, góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2026 – 2030, phục vụ Đại hội Đảng bộ TP và tiểu ban văn kiện Đại hội.
Thảo luận góp ý cho mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Trình bày dự thảo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, trong năm 2024, kinh tế TP.HCM tiếp tục hồi phục tích cực và chuyển dịch theo hướng hiện đại với mức tăng trưởng khá. Thành phố đã triển khai kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chủ đề công tác năm 2024, cơ bản hoàn thành theo kế hoạch. Công tác chỉ đạo điều hành cũng được thực hiện tốt, các kế hoạch được xây dựng và triển khai phù hợp với quy định và thực tế địa phương; các cơ quan, đơn vị đã tập trung chỉ đạo, với nhiều tín hiệu tích cực từ bộ máy chính quyền TP.
Về chuyển đổi số, TP.HCM đã ban hành 8 kế hoạch triển khai Chuyển đổi số và Đô thị thông minh, thực hiện Đề án 06 và tổ chức Chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia tại TP.HCM năm 2024. Các sở, ban ngành và địa phương cũng đã triển khai kế hoạch chuyển đổi số theo định hướng chung.
Về thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, TP.HCM đã áp dụng 29 cơ chế đặc thù, trong đó 20 cơ chế đạt kết quả bước đầu, 9 cơ chế đang chuẩn bị thủ tục triển khai. Các vấn đề vướng mắc, nhất là trong doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, đã được tập trung tháo gỡ và có sự chuyển biến tích cực. Nhiều dự án trọng điểm quốc gia và các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng được đẩy nhanh tiến độ.
Năm 2025, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, TP.HCM đã đề xuất sử dụng 22 nhóm chỉ tiêu (gồm 31 chỉ tiêu thành phần) kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội và phân thành 5 nhóm, trong đó có nhóm chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa - xã hội, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, và đảm bảo an ninh. Một số chỉ tiêu cụ thể về kinh tế gồm GRDP tăng trưởng từ 8 - 8,5%, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%, kinh tế số đóng góp khoảng 25% vào GRDP, và GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung góp ý cho các dự thảo, phân tích kết quả đạt được, các vấn đề còn hạn chế trong năm 2024 và bàn bạc nhiệm vụ, giải pháp, cũng như các chỉ tiêu trong năm 2025 phù hợp với từng lĩnh vực, đơn vị phụ trách như kinh tế, giao thông, văn hóa, du lịch, v.v.
Tập trung rà soát và điều hành quyết liệt
Các ý kiến đóng góp của đại biểu được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu tổ biên soạn tiếp nhận, bổ sung vào dự thảo báo cáo và tiếp tục ghi nhận ý kiến đến ngày 22/11 để hoàn thiện dự thảo văn kiện.
Đề cập đến dự thảo kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu UBND TP tập trung điều hành để đạt được chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Với thời gian còn lại chưa đầy một tháng rưỡi, mỗi đồng chí cần rà soát và điều hành quyết liệt để đạt kết quả cao nhất. Cần triển khai mạnh mẽ các chỉ thị về tăng trưởng và các công văn nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ, đặc biệt là vấn đề đầu tư công và đầu tư nước ngoài. Tinh thần chỉ đạo phải quyết liệt, nỗ lực tối đa để đạt được kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị tập trung vào nhiệm vụ giải ngân đầu tư công. Qua rà soát, khả năng giải ngân dự kiến đạt 81%. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, các chủ đầu tư, ban quản lý quận, huyện và TP Thủ Đức phải tập trung cao độ để giải ngân đầu tư công đạt kết quả tốt nhất, vì điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng các chỉ tiêu khác.
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu tập trung cao vào nhiệm vụ cải cách hành chính và Đề án 06. Các sở, ngành cần nỗ lực thực hiện các công việc để cải thiện xếp loại của TP về cải cách hành chính và triển khai Đề án 06. Cần giải quyết các dự án còn dở dang theo công điện của Thủ tướng, với sự hỗ trợ của thường trực UBND để xây dựng danh mục các công việc, dự án cần được tập trung thực hiện.
Một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong năm 2024 mà đồng chí Phan Văn Mãi đề xuất bao gồm: hoàn thiện quy hoạch TP Thủ Đức, quy hoạch chung TP và chuẩn bị triển khai các kế hoạch ngay khi quy hoạch được duyệt; chú trọng vào đề án đường Vành đai 4, đường sắt đô thị, trung tâm tài chính quốc tế đã được phê duyệt, cảng quốc tế Cần Giờ, các dự án di dời nhà ven kênh, chung cư cũ, nhà ở cho công nhân…
Về nhiệm vụ năm 2025, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ, chuyển phần còn lại sang năm 2025 với tinh thần đạt được mục tiêu và kết quả cao nhất. Cần tập trung cho hai sự kiện lớn trong năm 2025 là kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và Đại hội Đảng các cấp. TP đã có chủ trương và chỉ thị từ Thành uỷ, các đơn vị phải có kế hoạch tập trung rà soát, chỉ đạo đạt kết quả cao nhất.
“Những nhiệm vụ năm 2025 sẽ là nền tảng dẫn dắt cho nhiệm kỳ sau. Các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 sẽ đầy thách thức, vì vậy cần tiếp cận với tinh thần hành động mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm: ‘Phải đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng, và cần những nỗ lực phi thường để thực hiện điều đó’,” đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Tập trung vào những việc cần làm
Về báo cáo kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2026 – 2030, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu đây phải là bản kế hoạch hành động, tập trung vào những việc cần làm, sử dụng nguồn lực và điều hành để đạt kết quả trong 5 năm. Mỗi đồng chí ở từng lĩnh vực phải xác định cơ chế, nguồn lực, giải pháp đột phá cần thiết. Sau khi văn kiện được thông qua, các kế hoạch phải được chuẩn bị sẵn sàng để triển khai ngay.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng gợi mở một số nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung như: tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, phát triển trung tâm dịch vụ lớn để trở thành trung tâm dịch vụ tầm ASEAN và quốc tế. TP.HCM phải xây dựng mục tiêu trở thành một TP toàn cầu, phải thể hiện trong văn kiện, với các tiêu chuẩn và chương trình thực hiện rõ ràng, gắn với việc phát triển đô thị sau năm 2030 và trở thành trung tâm văn hoá, giáo dục, thể thao của khu vực ASEAN. Vì vậy, mục tiêu và giải pháp phải mang tính đột phá.
Về tổ chức bộ máy, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị phải gắn với xu thế mới và thực tế của TP, xây dựng chính quyền số trên nền tảng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Bộ máy tổ chức cần đủ khả năng điều hành, tạo động lực cho đầu tư phát triển.
Liên quan đến dự án đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các cơ quan hoàn thiện hồ sơ và chủ trì tham mưu triển khai thủ tục dự án, với mốc thời gian khởi công vào quý 1/2026.