TP.HCM mở rộng cơ sở y tế tham gia khám sức khỏe người cao tuổi
Chủ trương trên nhằm nâng cao tỷ lệ khám sức khỏe đối với người cao tuổi, xây dựng mô hình khám bệnh người cao tuổi để từ đó có những biện pháp điều trị và chăm sóc kịp thời
Theo đó, UBND Thành phố chấp thuận chủ trương cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân có giấy phép hoạt động, có nhân sự tham gia tập huấn và được Sở Y tế công bố đủ điều kiện khám (trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa) tham gia chương trình khám sức khỏe của thành phố theo đề xuất của Sở Y tế.
Theo đó, Sở Y tế hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn Thành phố năm 2025; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn, cập nhật dữ liệu sức khỏe của người cao tuổi vào Hệ thống quản lý sức khỏe cộng đồng; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động khám, tầm soát bệnh mạn tính không lây ở người cao tuổi tại các địa phương để đánh giá tiến độ và hiệu quả của chương trình.
Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cập nhật, thống nhất số liệu dân số người cao tuổi tại các địa phương; thực hiện các giải pháp, kỹ thuật triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo tuân thủ kiến trúc chính quyền điện tử; tích hợp và liên thông dữ liệu về kho dữ liệu dùng chung của thành phố; tuyên truyền rộng rãi đến người dân việc khám, tầm soát bệnh mạn tính không lây người cao tuổi để vận động người dân phối hợp tham gia.
UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện tổ chức các hoạt động để đảm bảo mọi người cao tuổi trên địa bàn được khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm theo hướng dẫn của Sở Y tế; xây dựng Kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm năm 2025 theo hướng dẫn của Sở Y tế; tăng cường vận động, thuyết phục người cao tuổi đến các điểm khám sức khỏe theo phân bố để được khám, tầm soát.
Bên cạnh đó, Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV, đặc biệt trong nhóm đối tượng tiêm chích ma túy, phụ nữ hành nghề mại dâm, tình dục đồng giới nam, thanh thiếu niên, phụ nữ cũng như các nhóm dân cư dễ bị ảnh hưởng bởi HIV; UBND Thành phố ban hành Quyết định phê duyệt việc tiếp nhận khoản viện trợ dự án Dự phòng, chăm sóc điều trị HIV/AIDS giai đoạn từ năm 2025 – 2028.
Theo đó, Dự án sẽ tiếp cận, tư vấn, giới thiệu chuyển gửi xét nghiệm HIV và tăng tỷ lệ thực hiện xét nghiệm HIV tại phòng khám và hỗ trợ kết nối điều trị ARV cho khách hàng dương tính; duy trì theo dõi tất cả các ca HIV dương tính, đảm bảo được điều trị ARV, tuân thủ điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; xét nghiệm và điều trị các bệnh lây qua đường tình dục; cải thiện truyền thông kỹ thuật số để khuyến khích khả năng hiển thị dịch vụ HIV dựa vào cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông tạo cầu như tổ chức các sự kiện truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng trung học, cộng đồng; xây dựng quảng bá phát triển các kênh truyền thông online…
UBND Thành phố ban hành Quyết định Phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hiệp hội Y học TP.HCM gồm 8 chương và 28 điều.
Theo đó, Hiệp hội Y học TP.HCM (Hiệp hội) là tổ chức xã hội nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam, sinh sống và làm việc tại TP.HCM, làm công tác nghiên cứu khoa học hay chuyên môn nghiệp vụ ngành y trên địa bàn Thành phố, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiệp hội hoạt động trong phạm vi TP.HCM về lĩnh vực y tế; chịu sự quản lý nhà nước của UBND Thành phố, sự quản lý của Sở Y tế Thành phố, và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực Hiệp hội hoạt động theo quy định pháp luật.
Hiệp hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hiệp hội. Trụ sở của Hiệp hội đặt tại số 59B đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.