Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo: Cần giữ chân người tài trong khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy
TP.HCM lên kế hoạch tiến hành khảo sát với khoảng 4.000 công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị dự kiến phải sắp xếp lại bộ máy.
Ngày 3/1, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức tọa đàm "Tham vấn chuyên gia bộ công cụ khảo sát thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền TP.HCM" với sự tham gia của các học giả trong và ngoài nước.
Bộ công cụ khảo sát nhằm thu thập các thông tin về quan điểm, ý kiến của đội ngũ công chức, viên chức đối với việc triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền TP.HCM.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, việc giữ chân người tài, khuyến khích những nhân tài vượt trội là điều quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển mới.
Theo ông Vũ, TP.HCM có điều kiện thuận lợi khi trước đó thành phố đã tổ chức khảo sát với quy mô khoảng 13.000 phiếu đối với công chức trên địa bàn TP.HCM. Khảo sát đã thu thập thông tin về quan điểm, cảm nhận và thái độ của đội ngũ công chức, viên chức đối với nền công vụ TP.HCM.
Ông Vũ cho biết, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cùng Sở Nội vụ TP.HCM sẽ thực hiện khảo sát với các nhóm đối tượng bị tác động để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của công chức và viên chức về chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
"Việc khảo sát nhằm hướng đến mục tiêu thu thập thông tin chi tiết để có thể đánh giá hiệu quả và điều chỉnh các chính sách phù hợp, đồng thời đảm bảo cả hệ thống tham gia vào quá trình cải cách", ông Vũ nhấn mạnh.
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana (Mỹ) - nhấn mạnh rằng việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng sâu rộng đến cả hệ thống chính quyền TP.HCM. Việc khảo sát này không chỉ nhằm thu thập ý kiến mà còn là cơ hội để thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của công chức, viên chức trong quá trình cải cách. Tuy nhiên, khi thực hiện khảo sát xong phải đánh giá được hiệu quả của bộ máy hiện nay như thế nào.
Còn theo TS. Huỳnh Thế Du - Đại học Indiana (Mỹ), khảo sát này là cơ sở quan trọng để trả lời ba câu hỏi then chốt: "Cắt giảm ở đâu? Cắt ai? Cắt như thế nào?". Nếu được thực hiện đúng và trúng những câu hỏi này sẽ tạo ra sự đồng thuận trong toàn bộ hệ thống, từ đó giúp việc sắp xếp bộ máy được triển khai một cách hiệu quả và công bằng.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Võ Trí Hảo - Cố vấn cao cấp IICL - Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM (UEL) - chia sẻ rằng việc khảo sát với sự tham gia của công chức, viên chức sẽ tạo ra sự đồng thuận lớn và giúp tăng cường hiệu quả của quá trình cải cách.
Ông Hảo đề xuất phân loại đối tượng tham gia khảo sát thành hai nhóm. Trong đó, một nhóm là những người sẽ rời khỏi bộ máy và một nhóm là những người sẽ ở lại. Từ đó, Thành phố có thể xây dựng các chính sách phù hợp cho từng nhóm đối tượng.
Bà Nguyễn Hồng Vân - Trưởng phòng Công chức viên chức, Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết việc sắp xếp bộ máy tinh gọn là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Song song với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thì phải sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Để giải quyết nhanh và kịp thời vấn đề sắp xếp, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các sở, ngành thực hiện công tác sắp xếp các đơn vị, tổ chức bộ máy trước tháng 3/2025. Đối với đội ngũ công chức, viên chức không thể thực hiện sắp xếp cơ học mà còn phụ thuộc vào trình độ, nguyện vọng và sắp xếp theo lộ trình.
Cũng theo bà Vân, để hỗ trợ người nghỉ việc sau quá trình sắp xếp, Sở Nội vụ sẽ trình các chính sách hỗ trợ, đồng thời tiếp tục tham mưu các chính sách phù hợp trong lộ trình sắp xếp sắp tới.
Đặc biệt, bà Vân đề xuất nên có những câu hỏi khảo sát nhằm phân loại người tài, để tránh việc mất đi nhân sự có năng lực trong quá trình tinh gọn bộ máy.