TP.HCM: Hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn, trả lãi vay hậu Covid-19

VỸ PHƯỢNG| 26/06/2020 01:34

KHPTO - Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI) phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM vừa tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hậu Covid-19”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận phương thức hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 655, cũng như huy động vốn từ các quỹ đầu tư.

Tháo gỡ điểm nghẽn trong tiếp cận vốn

Phát biểu tại hội thảo, TS. Đinh Minh Hiệp - Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao cho rằng, thời gian qua, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI) có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp ươm tạo tiếp cận vốn vay để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, với Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của BSSC, có 10 doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn gần 10 tỷ đồng; AHBI kết nối 5 doanh nghiệp với nhà đầu tư Tech Planter thông qua dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mạng lưới ươm tạo doanh nghiệp ASEAN”; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - SpeedUp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; kết quả, đã tư vấn, hỗ trợ cho 9 dự án với số tiền đầu tư 9,6 tỷ đồng. Đồng thời, AHBI đang tiếp tục tư vấn, hỗ trợ 11 dự án khác tiếp cận nguồn vốn SpeedUp với số tiền đầu tư là 12,6 tỷ đồng.

TS. Đinh Minh Hiệp khẳng định, những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh khiến doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn về vốn. Hội thảo được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp kịp thời tiếp cận, huy động vốn đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại hội thảo, báo cáo về kết quả triển khai Quyết định 655 ngày 12/2/2018 của UBND TP.HCM về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn huyện Củ Chi, ông Nguyễn Vương Châu - thuộc phòng kinh tế huyện Củ Chi cho biết, từ tháng 2/2018 đến nay UBND huyện Củ Chi đã giải quyết cho 673 phương án (trong đó có 5 doanh nghiệp thuộc Trung tâm ươm tạo NNCNC) với tổng vốn vay 704 tỷ đồng được hỗ trợ lãi suất.

Chia sẻ khó khăn trong triển khai Quyết định 655, ông Châu cho rằng: “Vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải chủ yếu là triển khai phương án sản xuất kinh doanh, nhất là trong đầu tư, xây dựng cơ bản, xây dựng nhà lưới, xưởng chế biến.

Khó khăn khác là muốn vay vốn, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp; tuy nhiên, khi có tài sản thế chấp thì lại bị định giá tài sản thấp hơn giá trị thật”.

Về định giá tài sản thấp hơn giá trị thật khiến nhiều phương án vay vốn khó khả thi, ông Nguyễn Đăng Âu - phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Củ Chi (TP.HCM), cho rằng: “Mặc dù, giá trị tài sản của các doanh nghiệp cao nhưng cơ chế định giá đều phải dựa vào quy định nhà nước, mà cụ thể là định giá theo bảng giá đất của UBND TP.HCM; do vậy, không được như thỏa đáng, mong muốn của các doanh nghiệp”.

Ông Âu cũng cho rằng, còn nguyên nhân khác là do doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện cần và đủ theo quy định của tổ chức tín dụng, hoặc nằm ngoài đối tượng hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 655. Về điều này, ngân hàng sẵn sàng chia sẻ và tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp sớm tiếp cận chính sách này; đồng thời, có những gói vay ưu đãi khác trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch bằng cơ chế nội bộ của ngân hàng để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đăng Âu (bìa trái) - phó giám đốc Agribank Củ Chi, giải đáp chính sách tín dụng.

Toàn cảnh hội thảo

Mở rộng kênh huy động vốn cho doanh nghiệp

Cũng tại hội thảo này, các doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận phương thức hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 655.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt, chia sẻ: “Quá trình làm thủ tục vay vốn, đơn vị gặp khó khăn do chính quyền địa phương yêu cầu phải có giấy xác nhận bảo vệ môi trường; trong khi thực tế, việc hoàn thiện loại thủ tục này không khả thi.

Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp đã được giải quyết khi đơn vị “cầu cứu” Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM”.

Một số doanh nghiệp khác chia sẻ về nhu cầu và mong muốn được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 655 nhưng chưa biết đơn vị mình có thuộc đối tượng được vay vốn, cũng như có phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp để tiếp cận các gói tín dụng này.

Qua phần giải đáp của Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM, Agribank Củ Chi, địa diện các doanh nghiệp tham gia hội thảo đã nắm vững được các điều khoản, quy định tại Quyết định 655 để định hướng cho việc huy động vốn, tiếp cận phương thức hỗ trợ lãi vay phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đại diện Công ty Thiên Nhiên Việt chia sẻ quá trình làm thủ tục vay vốn ưu đãi

Ông Cấn Sơn Trường - phó Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM giải đáp về chính sách hỗ trợ lãi vay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã được hướng dẫn cách tiếp cận Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư của Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC).

Với Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách), đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa có hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, tham gia chuỗi giá trị. Đối tượng này được vay 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh, mức vay tối đa lên tới 300 tỷ dồng, với lãi suất từ 4,16% - 6%/năm, thời hạn lên tới 7 năm. Ngân hàng cấp vốn là Bắc Á Bank.

Với quỹ đầu tư của Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương Giang - trưởng bộ phận quỹ cho biết, quỹ này hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp từ 18 - 38 tuổi. Nguồn vốn được vay cho một dự án không lớn; tuy nhiên, không cần đảm bảo tài sản thế chấp, mà chỉ cần có đơn vị đứng ra bảo lãnh đảm bảo trách nhiệm trả nợ.

TS. Nguyễn Hải An - giám đốc AHBI cho rằng: doanh nghiệp cần mạnh dạn tiếp cận vốn vay ưu đãi, huy động vốn từ quỹ đầu tư để phục vụ sản xuất kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn, trả lãi vay hậu Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO