TP.HCM chú trọng khu vực công trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

TUYẾT MAI - MAI DUNG| 14/03/2023 12:18

Khởi động giải thưởng I-Star năm 2023

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Sở KH&CN) vừa tổ chức Hội nghị nhằm tổng kết hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Sở KH&CN trong năm 2022 và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST (SpeedUp) giai đoạn 2017 – 2022. Đồng thời, Sở cũng đề ra định hướng triển khai nội dung hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của Sở trong năm nay.

Nỗ lực chuyển đổi số, chiếm 62% thương vụ triệu đô

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, việc ĐMST, chuyển đổi số là cần thiết hơn bao giờ hết. Tại TP.HCM, thị trường khu vực công được đánh giá là tiềm năng và rất lớn. Chính vì vậy, từ năm ngoái UBND TP ban hành kế hoạch thúc đẩy ĐMST trong khu vực công. Qua đây, ông cũng hy vọng có thêm nhiều vườn ươm và các đơn vị tăng cường đẩy mạnh các cuộc thi tìm kiếm, giải quyết các vấn đề của thị trường trong khu vực công. Đồng thời, qua đó cũng lan tỏa tinh thần giúp các đơn vị khởi nghiệp có những nhìn nhận đúng về nhu cầu, thị trường, công nghệ, đổi mới, chuyển đổi số.

Bà Phan Thị Quý Trúc, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, trong năm 2022 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực không ngừng của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST tại TP.HCM, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số nhằm vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Theo thống kê của Crunchbase (nền tảng tìm kiếm thông tin về kinh doanh và startups) năm 2022, Việt Nam có 110 thương vụ đầu tư mạo hiểm, có 71 thương vụ công bố với tổng giá trị là 727,5 triệu USD. Chỉ tính riêng tại TP.HCM đã có 69 thương vụ, có 45 thương vụ công bố với tổng giá trị là 591 triệu USD chiếm 80% số vốn của cả nước và 62% số thương vụ của cả nước.

Trong năm vừa qua, tại TP.HCM có 5 dự án ươm tạo, 2 khóa huấn luyện đã hỗ trợ gần 2.000 học viên và 158 dự án khởi nghiệp ĐMST. Trong khối nhà nước tổ chức 15 cuộc thi khởi nghiệp ĐMST thu hút 2.100 dự án tham gia, trong đó 250 dự án được đưa vào các chương trình ươm tạo.

Với chương trình SpeedUp giai đoạn 2017 – 2022, tổng số vốn huy động được từ các Quỹ đầu tư khoảng 20 tỷ đồng gấp 5,7 lần so với phần kinh phí hỗ trợ trước đó của Chương trình Speedup khoảng 3,5 tỷ đồng. Trong đó, có 5 dự án nộp một phần lợi nhuận thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, sản xuất với tổng số tiền là 49 triệu đồng.

Trong năm 2023, Sở cũng sẽ đề xuất các chính sách thúc đẩy phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho TP.HCM, cũng như tham mưu mô hình và đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST TP.HCM cùng nền tảng trực tuyến thúc đẩy ĐMST - H.OIP.

Sở cũng chú trọng việc thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công – Govtech và phát triển các mô hình thương mại hóa trong trường đại học; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST.

Khởi động giải thưởng I-Star năm 2023

Cùng ngày, giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (I-Star năm 2023) cũng đã chính thức được phát động. Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của Thành phố.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức I-Star 2023, I-Star là một trong những sự kiện luôn được cộng đồng đổi mới sáng tạo mong chờ. Qua 5 năm tổ chức từ năm 2018 đến năm 2022, I-Star đã thu hút 1.429 hồ sơ của 4 nhóm đối tượng tham gia, trong đó 53 hồ sơ đã được trao giải.

Tôn vinh Top 10 và trao giải thưởng I-Star 2022 ở nhóm đối tượng 3. Ảnh: K.H

Riêng năm 2022, giải thưởng đã nhận được 370 hồ sơ đăng ký dự thi của các cá nhân, tổ chức, trong đó hơn 60% các dự án tham gia tập trung cho chuyển đổi số trong mọi ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, có rất nhiều dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, nông nghiệp… có tính ứng dụng cao, sẵn sàng chuyển giao cho các cơ quan, doanh nghiệp để triển khai vào thực tiễn. Thành công của Giải thưởng I-star cho thấy ý tưởng đổi mới sáng tạo có thể đến từ bất cứ nơi đâu, không chỉ trong khu vực doanh nghiệp, trường, viện mà kể cả ở các em học sinh, cộng đồng dân cư đều có thể có những mô hình đổi mới sáng tạo hết sức thiết thực.

Cũng theo ông Dũng, trong năm nay, giải thưởng I-Star tiếp tục nhấn mạnh đến các giải pháp chuyển đổi số trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Ban tổ chức cũng đồng thời kỳ vọng sẽ nhận được nhiều bài dự thi giúp giải quyết các vấn đề mà TP.HCM đang rất quan tâm như: xây dựng hạ tầng số để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, cải cách hành chính và quản trị đô thị hiện đại, y tế và giáo dục thông minh, các giải pháp công nghệ cho thành phố thông minh, giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo) v.v…

Đối tượng tham dự giải thưởng I-Star 2023 gồm 4 nhóm gồm: Các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Các giải pháp đổi mới sáng tạo; Các tác phẩm báo chí truyền thông về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có đóng góp tích cực cho cộng đồng. Trên cơ sở kết quả bình chọn của cộng đồng tính đến hết ngày 31/8/2023, Ban tổ chức xem xét và lựa chọn 40 hồ sơ có lượt bình chọn cao nhất vào vòng chung kết để tôn vinh và trao giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM chú trọng khu vực công trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO