Trong đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP.HCM xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 đến 15%.
Cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư
Đánh giá về thực trạng logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam, cho biết, Chính phủ đã có định hướng phát triển đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản. Do đó việc phát triển ngành logistics cần đi đôi và song hành với sự phát triển của khu vực và đáp ứng cho hoạt động giao nhận vận chuyển xuyên suốt.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại TP.HCM và cả vùng Ðông Nam bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các DN.
Do vậy, để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch để thu hút sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics. Ngoài ra, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng đang là rào cản khiến cho hoạt động này chưa thật sự phát triển.
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện chiếm hơn 60 lượng hàng hóa XNK của cả nước thì đây là miền đất hứa cho phát triển logistics. Thời gian qua các cơ quan ban ngành đã tính cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc tồn đọng như kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, quy hoạch hệ thống cảng còn khá manh mún ảnh hưởng tới tốc độ phát triển logistics, một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn; thiếu cơ chế để tạo ra sự liên kết, kết nối thực chất giữa các địa phương… đã khiến DN logistics và DN XNK gặp khó khăn trong việc cắt giảm chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường thế giới.
Giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, với những lợi thế TP.HCM đang có là một thành phố lớn, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm các tỉnh phía Nam với cơ sở hạ tầng giao thông đa dạng… hoàn toàn có thể phát triển hoạt động dịch vụ logistics một cách tốt nhất, là động lực để thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm như vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và vùng kinh tế phía Nam phát triển.
“Xác định tầm quan trọng của công tác tạo thuận lợi thương mại đối với nền kinh tế cũng như quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, năm 2019, Cục Hải quan Thành phố chủ trì xây dựng và đưa vào thực hiện Đề án Tạo thuận lợi thương mại: thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái (Đề án 2318). Đây là một trong những chương trình đột phá của Cục Hải quan Thành phố nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan và góp phần phát triển hoạt động logistics tại thành phố”, ông Nghiệp nói.
Theo ông Đặng Vũ Thành, để logistics phía Nam phát triển cần tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch đảm bảo cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics được thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tăng cường mở rộng các tuyến đường thủy, nạo vét kênh rạch để giảm tải cho đường bộ, đón tàu lớn vào các khu vực làm hàng. Đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch các trung tâm logistics, cảng cạn kết nối vào thực tế để nhanh chóng hình thành khu vực vệ tính cho các cảng luân chuyển hàng hoá nhanh hơn.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực ngay từ bây giờ và có chiến lược đào tạo dài hạn trong tương lai theo chuẩn quốc tế.
“Với vai trò “nhạc trưởng” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, TP.HCM và các địa phương cần nhanh chóng “chuyển mình”, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược như đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng cảng hàng không, cảng biển, đường sắt; thực hiện giải pháp phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp chương trình chuyển đổi số để logistics thật sự phát huy thế mạnh, đóng góp lớn vào cơ cấu phát triển kinh tế cho vùng nói riêng và cả nước nói chung”, ông Đặng Vũ Thành nhấn mạnh.