Thực tiễn mới 'gọi mời' báo chí khai phá
Năm 2023 được xem là thời điểm bản lề trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Điều này mở ra nhiều cơ hội và đề tài thực tiễn hấp dẫn, giúp cho báo chí có thể sáng tạo và sản xuất các tác phẩm chất lượng.
Nội dung trên được nêu trong “Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương tổ chức ngày 2/6.
Phát biểu mở đầu sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, qua thống kê, từ 1/11/2022 đến 1/6/2023, các báo, tạp chí điện tử đã có 26.623 tác phẩm viết về chủ đề xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2022.
Đây là lần thứ ba hội nghị được tổ chức. Năm nay, với điểm cầu chính là Trụ sở Ban Tổ chức Trung ương và tại 63 điểm cầu Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, hội nghị có sự tham gia của gần 1.900 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của cả nước và các cán bộ, lãnh đạo làm công tác thông tin, tuyên truyền của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Theo đó, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về nội dung này trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đồng thời mở rộng phạm vi, tầm ảnh hưởng sâu rộng của giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng”, hội nghị đã bổ sung kiến thức, cập nhật những quan điểm mới, những vấn đề lớn đáng quan tâm trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng bồi dưỡng các kỹ năng lựa chọn đề tài, khai thác, xử lý thông tin, truyền đạt kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm báo chí từ các báo cáo viên có kinh nghiệm lâu năm trong công tác xây dựng Đảng.
Báo chí cần kết hợp giữa “xây” và "chống" , thực hiện tốt phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, qua đó tạo hiệu ứng tác động lan tỏa trong các cơ quan báo chí và toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm
Báo cáo tại hội nghị, PGS TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân đánh giá, thể loại báo chí chính luận được xem là vũ khí cần thiết, sắc bén trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tình hình viết chính luận trong những năm qua có bước phát triển đáng ghi nhận, nhất là qua các giải thi báo chí toàn quốc.
“Tuy vậy, số bài chưa tương xứng với thực tiễn phong phú, đa dạng và phức tạp của tình hình mới. Rất nhiều vấn đề đang nảy sinh và có xu hướng phát triển theo hướng không thuận đã được đề cập, nhưng nhiều bài lý giải chưa sâu, thiếu chặt chẽ, thiếu thuyết phục”, PGS TS Nguyễn Hồng Vinh nhận xét.
Trao đổi về những nội dung mới trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã nhấn mạnh năm thành tố của chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đó là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN.
Giới thiệu chủ đề, đề tài báo chí trong tình hình mới, ThS Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập tạp chí Xây dựng Đảng đã đưa ra đặc điểm ba bối cảnh của năm 2023. Thứ nhất, năm 2023 là năm bản lề đẩy nhanh kết quả thực hiện, tạo đà hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tiếp đến, năm 2023 là năm thứ ba tích cực đồng bộ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cuối cùng, năm nay cũng là năm tập trung triển khai thực hiện nhiều quy định, kết luận Trung ương mới ban hành.
“Từ đó, báo chí có thể xác định, lựa chọn rất nhiều nội dung thực tiễn mới để sáng tạo, xây dựng các tác phẩm chất lượng, có tác động sâu sắc, lan tỏa”, ThS Ngô Minh Tuấn bày tỏ.
Cũng tại hội nghị, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Tổng biên tập tạp chí Nhiếp ảnh đã chia sẻ những kỹ năng sáng tạo tác phẩm ảnh báo chí. Theo ông, một hình ảnh báo chí tốt có sáu đặc trưng, bao gồm: sống động, phù hợp với phong cách tờ báo, thông tin phong phú (hình ảnh không đơn thuần mang tính minh hoạ), chất lượng thẩm mỹ (bố cục, đường nét, ánh sáng, cảm xúc), chất lượng kỹ thuật, và tính độc quyền (mang tính tìm tòi, ngay cả với những chủ đề thông thường).
Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh đến đạo đức nghề nghiệp của phóng viên ảnh. Ông cho rằng phóng viên ảnh không chỉ là nhân chứng thông qua hình ảnh để miêu tả chính xác bản chất của sự kiện, mà còn cần phải hoà nhập đám đông để tác nghiệp, đồng thời tôn trọng và không can thiệp vào sự kiện.
Ngoài ra, hội nghị cũng giới thiệu các mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng tại các tỉnh, thành trên cả nước và giao lưu với các tác giả đoạt giải cao giải “Búa liềm vàng” trong những năm qua.
Nói về vị trí, vai trò của nhân dân, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhắc lại, cần tiếp tục cụ thể hóa thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và yêu cầu “cán bộ phải gần dân, sát dân, trọng dân, tin dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”.