Thủ tướng Phạm Minh Chính: ĐHQG-HCM cần đào tạo ‘đúng và trúng’
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) cần đào tạo đúng và trúng, tập trung vào những ngành xã hội đang cần.
Ngày 16/11, sau khi tham dự Lễ Khai khóa 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với cán bộ chủ chốt của Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM). Buổi làm việc còn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG-HCM - Vũ Hải Quân và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
5 kiến nghị của Đại học Quốc gia TP.HCM
Tại buổi làm việc, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG-HCM nêu 5 kiến nghị.
Thứ nhất, Giám đốc ĐHQG-HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét sớm phê duyệt Đề án "Phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á" sau khi ĐHQG-HCM đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Đầu tháng 8/2023, ĐHQG-HCM đã hoàn thành dự thảo Đề án này và đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đây là định hướng quan trọng để ĐHQG-HCM tiếp tục sứ mệnh của mình là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương giao Đại học này xây dựng và thực hiện: Đề án thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành; Các chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, Công nghệ Sinh học, Trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á; Chương trình phát triển ĐHQG-HCM thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với Vùng và khu vực châu Á.
Thứ ba, ĐHQG-HCM kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương ủy quyền cho Giám đốc Đại học này thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý của mình. Theo đó, ĐHQG-HCM chịu trách nhiệm về việc thực hiện thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, ĐHQG-HCM muốn được giao phối hợp với TPHCM, tỉnh Bình Dương lập dự toán điều chỉnh tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng của Đại học này giai đoạn 2021-2025, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Thứ năm, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, thẩm định về số lượng, phương thức và ngân sách đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu; ngân sách đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu, nhất là các ngành trọng điểm như: công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và các ngành khoa học cơ bản khác. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT sớm trình hồ sơ để Thủ tướng ban hành quyết định thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, là trường đại học thành viên thứ 8 của Đại học Quốc gia TPHCM.
Phương án giải quyết kiến nghị chậm nhất vào tháng 6/2024
Sau khi nghe các kiến nghị của ĐHQG-HCM, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã bày tỏ sự ủng hộ và đưa ra ý kiến giải đáp một số vấn đề cụ thể. Về kiến nghị thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, sau khi ĐHQG-HCM trình hồ sơ thành lập, Bộ GD&ĐT đã thành lập hội đồng thẩm định liên bộ. Theo ghi nhận của hội đồng, hồ sơ đã đạt một số yêu cầu cơ bản, tuy nhiên vẫn còn một số yêu cầu cần phải hoàn thiện. Tương tự, về việc thành lập trường đại học ở Bến Tre, hồ sơ thành lập cũng cần hoàn thiện. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị Đại học Quốc gia TPHCM sớm hoàn thiện hồ sơ để thẩm định.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện ĐHQG-HCM còn có một thỏa thuận với tỉnh Bình Phước về việc thành lập một trường đại học hoặc phân hiệu trên cơ sở Trường Cao đẳng Bình Phước. Vì vậy, ĐHQG-HCM lưu ý không thể cùng một lúc làm nhiều hướng, cần chuẩn bị lộ trình từng bước để không ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín. Về Nghị định dành cho 2 ĐHGQ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện dự thảo được chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định lần thứ hai để sẽ trình Thủ tướng.
Sau khi lắng nghe kiến nghị của ĐHQG-HCM và các ý kiến của tất cả bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu kết luận buổi làm việc. Thủ tướng lưu ý, công tác đào tạo là việc chính của trường đại học. ĐHQG-HCM cần căn cứ vào quy hoạch phát triển của đất nước, của ngành, của vùng và TPHCM để xây dựng kế hoạch cho phù hợp, đào tạo bám sát vào nhu cầu phát triển của đất nước, của vùng, đào tạo “trúng và đúng” với nhu cầu, tập trung vào các ngành đang cần.
Thủ tướng cho biết, công tác nghiên cứu khoa học cũng là một chức năng của ĐHQG-HCM, cần phải căn cứ vào vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và theo chức năng, nhiệm vụ để nghiên cứu theo xu thế thời đại, có tính dự báo. ĐHQG cần cần sử dụng hiệu quả nguồn lực con người (đội ngũ giảng viên, các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, các nhà nghiên cứu khoa học; đội ngũ sinh viên), cần quản trị hệ thống đào tạo cho phù hợp, hiệu quả; thương mại hóa sản phẩm và xây dựng cơ chế hoạt động phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đề nghị TP.HCM và tỉnh Bình Dương phải bàn giao 100% mặt bằng sạch cho ĐHQG-HCM, các vấn đề phát sinh cần báo cáo với Thủ tướng. Các kiến nghị của ĐHQG-HCM với các bộ, ngành liên quan thì các bộ, ngành phải giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền trước tháng 6/2024.