Tài chính Xanh góp phần vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
Ngày 20/8, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế ứng dụng, trực thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng phối hợp với Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Tài chính Xanh góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến 2030, tầm nhìn 2050”.
Hội thảo thu hút gần 300 đại biểu tham gia, bao gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, cùng các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chuyên gia quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nghiêm Quý Hào – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế ứng dụng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng., Trưởng Ban tổ chức hội thảo cho biết, tăng trưởng Xanh là một phương thức quan trọng thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội.
Trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm mục tiêu đạt net-zero vào năm 2050, việc huy động nguồn lực nói chung, huy động nguồn vốn tài chính xanh là một khâu then chốt, thiết yếu trong việc xây dựng một chiến lược tài chính xanh phục vụ phát triển bền vững.
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, để thực hiện được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP 26, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022 - 2040, tương đương khoảng 6,8% GDP/năm. Trong đó 65% nhu cầu này sẽ phải được huy động ngoài khu vực công. Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường năm 2017 của Chính phủ, để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, các bộ, ngành cần 853 tỷ đồng, nhưng do điều kiện ngân sách có hạn nên chỉ phân bổ khoảng 469 tỷ đồng (mới đáp ứng được 55% nhu cầu).
“Việt Nam đã có những bước tiến đầu tiên trong việc phát triển khung pháp lý cho tài chính xanh, bao gồm việc khuyến khích phát hành trái phiếu xanh và xây dựng các quỹ đầu tư xanh. Tuy nhiên, một danh mục phân loại xanh chính thức vẫn chưa được hoàn thiện. Điều này dẫn đến sự thiếu nhất quán trong việc xác định các dự án và hoạt động xanh, gây khó khăn cho việc huy động vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước”. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tại hội thảo.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đã tập trung thảo luận, kiến nghị về các giải pháp phát triển Tài chính Xanh ở Việt Nam. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cần tập trung vào các giải pháp như: Hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh; Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí về dự án xanh, công trình xanh, công sở xanh; cần hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia vào quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, trái phiếu xanh...
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, về tiêu chí môi trường đối với các dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, dự kiến đề xuất tổng số có 80 dự án trong Danh mục phân loại xanh, bảo đảm bao quát khá toàn diện các hoạt động kinh tế có liên quan, hài hòa với danh mục của Châu Âu, ASEAN, CBI, Trung Quốc… và phân thành các nhóm chính tương ứng như sau: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên nước...