Trái trâm nên thuốc

Y học - Ngày đăng : 10:09, 23/07/2015

Cây trâm có tên khoa học là Syzygium cumini, là loại cây gỗ lớn, cao đến khoảng 20 m, nhánh cây có màu trắng mốc nên có nơi còn gọi là trâm mốc. Cây có lá đơn, mọc đối, phiến nguyên hình bầu dục, đầu tù, gân phụ nhiều, cách nhau 4 - 6 mm. Hoa tạo thành chùm, kéo dài 5 cm, ở nách lá rụng, đài hình dĩa không răng, 4 - 5 cánh hoa, dính thành chóp và cùng rụng, bầu nhụy 2 buồng, cọng có đốt ở đáy. Trái to, tròn, dài bằng đốt ngón út, có màu tím đen khi chín, dài 13 - 15 mm, 1 hột.

Trâm thường mọc hoang trong rừng, rẫy, bờ ao... Mùa trâm chín, người ta hay vào rừng hái bán hoặc ăn. Khi mưa xuống, trâm thường lớn trái và mọng. Lúc chín muồi có vị ngọt ngon, chín vừa thì hơi chát.

Theo các thầy thuốc, trái trâm có vị ngọt chát, giàu vitamin C, giúp tiêu hóa tốt, hạ thấp đường huyết, trị tiêu chảy, giảm kích thích thần kinh dạ dày và thần kinh trung ương, hạn chế tiết dịch vị, chữa ợ chua, viêm dạ dày. Lá trâm mốc chứa nhiều tanin dễ tiêu và được dùng nấu nước uống như trà có lợi cho bệnh nhân tiểu đường.

MỸ NỮ