Y học

Phẫu thuật cắt mí, những điều cần biết

TS.BS Nguyễn Thanh Bình, Phụ trách Điều hành khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương 28/11/2023 - 12:45

Phẫu thuật cắt mí giúp định hình và làm săn chắc vùng quanh mắt; loại bỏ phần mỡ tích tụ quanh mắt, các bọng dưới mắt khiến cho vùng mắt trông sưng húp; điều trị sụp mí mắt dưới và loại bỏ vùng da chùng quanh mí mắt làm giảm khả năng nhìn của bạn.

Mục tiêu của phẫu thuật cắt mí

Trong phẫu thuật cắt mí, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường ở mí mắt trên hoặc mí mắt dưới để định hình lại vùng da quanh mắt, loại bỏ phần mỡ tích tụ quanh mắt, các bọng dưới mắt khiến cho vùng mắt trông sưng húp, điều trị sụp mí mắt dưới và loại bỏ vùng da chùng quanh mí mắt làm giảm khả năng nhìn của bạn.

Với mí trên, đường rạch thường được tạo xung quanh nếp gấp tự nhiên của mí mắt. Điều này cho phép bác sĩ phẫu thuật loại bỏ hoặc định vị lại mỡ thừa, điều chỉnh lại cơ và loại bỏ da thừa.

phau-thuat-cat-mi.jpg
Một ca chuẩn bị phẫu thuật cắt mí mắt dưới tại khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Khi phẫu thuật mí mắt dưới, bác sĩ phẫu thuật có thể rạch một đường bên dưới lông mi. Da thừa được loại bỏ và chất béo được loại bỏ hoặc phân phối lại. Một vết rạch xuyên kết mạc cũng có thể được thực hiện ở mặt trong của mí mắt dưới. Bằng cách này, mỡ thừa được loại bỏ hoặc phân bổ lại nhưng không có da bị loại bỏ.

Phẫu thuật viên sẽ giải thích chọn lựa gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ với an thần tĩnh mạch, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ phẫu thuật. Phẫu thuật cắt mí thường được thực hiện như là một kỹ thuật ở bệnh nhân ngoại trú.

Trước khi được thực hiện phẫu thuật này, nên tham khảo ý kiến bác sĩ và thảo luận về nhu cầu làm đẹp của bản thân, tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh lý, các thuốc đang sử dụng hay phẫu thuật trước đây.

Phẫu thuật viên sẽ khám mắt, đánh giá độ lỏng lẻo của da, khám sức cơ vùng quanh mắt. Bạn cũng cần làm thêm các xét nghiệm máu và khám sức khỏe để đảm bảo rằng bạn có đủ sức khỏe để tiến hành phẫu thuật.

Khi nào không nên thực hiện phẫu thuật cắt mí?

Bạn không nên thực hiện phẫu thuật này nếu: Các bệnh lý mạn tính kiểm soát không tốt như đái tháo đường; mắt khô; đã từng phẫu thuật mắt trước đây; viêm nhiễm vùng da quanh mắt như vẩy nến, chàm da… hoặc các vấn đề tâm lý khác.

Phẫu thuật cắt mí có những nguy cơ gì?

Một vài biến chứng có thể có khi thực hiện phẫu thuật này bao gồm: Thay đổi cảm giác hoặc tê quanh mắt; khô mắt; nhạy cảm với ánh sáng chói, kể cả ánh nắng mặt trời; trượt mí mắt dưới ra ngoài; sụp mi; khó nhắm mắt; thay đổi thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Các điều cần lưu ý khác khi phẫu thuật cắt mí

Tránh cháy nắng vùng da quanh mắt ít nhất hai tuần trước khi phẫu thuật. Bác sĩ có thể đưa ra các lời khuyên về loại kem chống nắng nên thoa quanh mắt.

Ngừng hút thuốc lá ít nhất hai tuần trước khi phẫu thuật. Hút thuốc có thể gây co mạch máu, giảm khả năng cung cấp máu và oxy của cơ thể, làm chậm quá trình lành vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Đôi mắt của bạn có thể hơi mờ trong vài ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật cắt mí mắt, đặc biệt nếu bác sĩ phẫu thuật cho bạn thuốc mỡ để bôi mắt.

Trong quá trình phẫu thuật

Phẫu thuật cắt mí được thực hiện ít nhất trong 2 giờ. Nếu gây mê toàn thân, bạn sẽ mất nhận thức cũng như cảm giác trong thời gian phẫu thuật. Bạn sẽ được tiêm thuốc an thần đường tĩnh mạch hoặc hít thuốc gây mê từ mask.

cat-mat-anh-minh-hoa.jpeg
Phẫu thuật cắt mí giúp định hình và làm săn chắc vùng quanh mắt; loại bỏ phần mỡ tích tụ quanh mắt, các bọng dưới mắt; điều trị sụp mí mắt dưới và loại bỏ vùng da chùng quanh mí mắt làm giảm khả năng nhìn. Ảnh minh họa

Gây tê cục bộ bằng thuốc tiêm tĩnh mạch làm mất cảm giác vùng phẫu thuật giúp bạn không có cảm giác đau. Bạn có thể hơi buồn ngủ nhưng vẫn nhận biết được trong quá trình tiến hành.

Phẫu thuật mí trên

Khi thực hiện phẫu thuật cắt mí trên, bác sĩ sẽ đánh dấu vùng da cần cắt bằng bút phẫu thuật. Điều này có thể xảy ra trước khi gây mê. Da được xử lý và sát khuẩn. Vết rạch được thực hiện dọc theo đường vẽ bằng lưỡi dao hoặc tia. Mỡ thừa hoặc da thừa được loại bỏ hoặc được điều chỉnh.

Phẫu thuật mí dưới

Phẫu thuật mi dưới có thể được thực hiện mặt trong mi dưới (xuyên qua kết mạc) hay trên đường nếp sát mi dưới. Đường rạch sẽ được đánh dấu bằng bút phẫu thuật và vùng da liên quan sẽ được khử trùng.

Xuyên qua kết mạc: Một dụng cụ được sử dụng để mi dưới xuống. Một đường rạch được thực hiện thông qua các cơ thu nhỏ kết mạc và mi dưới ở mặt trong. Các vết mổ được đóng lại bằng chỉ khâu tan.

Đường nếp sát mi dưới: Một đường rạch nhỏ từ 1 đến 2 milimét (mm) bên dưới đường nếp mi dưới. Một lượng nhỏ da thừa có thể được loại bỏ. Các túi mỡ được thu nhỏ hoặc định vị lại giống như đường rạch xuyên kết mạc. Vết rạch dưới mí mắt thường có thể được đóng lại bằng chỉ khâu hoặc keo dán da.

Chăm sóc mắt và da trong quá trình hồi phục

Quá trình phục hồi hoàn toàn dự kiến ​​sẽ mất từ ​​10 đến 14 ngày. Cũng giống như bất kỳ phẫu thuật nào, phẫu thuật thẩm mỹ này cũng có thể có các tác dụng phụ, hầu hết là nhẹ và tạm thời.

Bao gồm:

  • Đau: Có thể bị đau trong vài ngày đầu sau phẫu thuật và sẽ giảm dần sau đó
  • Sưng hoặc bầm trong / xung quanh mí mắt, có thể kéo dài từ một đến hai tuần
  • Cảm giác căng mí mắt
  • Khô, ngứa hoặc cảm giác xốn mắt
  • Cảm giác mau mỏi mắt hơn bình thường trong vài tuần đầu.

Gặp bác sĩ nếu bạn cảm thấy bất kỳ điều gì bất thường hoặc không mong muốn. Đặc biệt, thông báo cho bác sĩ ngay khi có bất kỳ điều nào sau đây, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc một biến chứng khác:

  • Sưng và bầm tím tăng dần;
  • Đỏ xung quanh vết mổ;
  • Đau dữ dội;
  • Sốt;
  • Chảy dịch vàng hoặc xanh từ vết mổ;
  • Chảy máu không thể kiểm soát.

Bác sĩ có thể hướng dẫn vệ sinh các vết mổ bên ngoài hai lần một ngày bằng dung dịch nước muối và bôi thuốc mỡ tra mắt lên mí mắt. Bạn cũng có thể chườm lạnh lên mắt một ngày sau khi phẫu thuật để giúp giảm sưng và bầm tím.

Để giữ vùng phẫu thuật sạch sẽ, giảm nguy cơ nhiễm trùng:

  • Không nên trang điểm trong thời gian chờ vết mổ lành.
  • Tránh dụi mắt.
  • Không đi bơi.
  • Đeo kính mắt thay vì dùng kính áp tròng trong vòng hai tuần sau khi phẫu thuật. Đeo kính râm bất cứ khi nào bạn ra ngoài sẽ giúp đôi mắt giảm nhạy cảm với ánh sáng và thoa kem chống nắng trên mặt có thể bảo vệ làn da đang lành. Sau khoảng 1 tuần bạn cần tái khám để cắt chỉ vết mổ.
  • Lên kế hoạch nghỉ ngơi nếu có thể. Nếu công việc của bạn yêu cầu bạn phải hoạt động thể chất, bạn càng nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu bạn liên tục làm việc trên máy tính, bạn có thể cân nhắc giảm giờ làm và tăng ca sau khi bạn khỏe hơn. Một vài ngày đầu sau phẫu thuật, bạn nên có người giúp đỡ ở nhà. Nên nằm đầu cao 45 độ trên nhiều chiếc gối hoặc nằm trên ghế tựa có thể giúp giảm sưng nề vùng mắt.
  • Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ về việc giới hạn vận động, tránh các việc sau: Nâng vật nặng, vận động gắng sức hoặc tập thể dục nặng trong ít nhất hai tuần; cúi đầu thấp trong vòng 4 tuần
  • Chống nắng không chỉ hữu ích trong việc phục hồi mà nó cũng rất quan trọng sau đó. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hoặc sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên để bảo vệ da và duy trì kết quả phẫu thuật.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phẫu thuật cắt mí, những điều cần biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO