Tạo tiềm năng to lớn để phát triển bền vững
Là một nhà khoa học, ông đặc biệt quan tâm đến nền kinh tế xanh, một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Vì vậy, chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới phát triển kinh tế xanh là hướng tiếp cận mới. Thực tiễn tại các nước cũng cho thấy việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn, đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”.
Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn. Để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam có những khó khăn, thách thức rất lớn vì trình độ phát triển nói chung còn thấp, bị tụt hậu so với nhiều nước. Công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu còn phổ biến, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao, hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp; công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển; trình độ phát triển khoa học công nghệ, nhất là R&D và chuyển giao công nghệ, còn thấp. Các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực về đổi mới công nghệ và tính cạnh tranh của công nghệ xanh trong nước cũng như trên trường quốc tế.
TS. Phạm Viết Thuận cho rằng, tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học, thực hiện chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn lực chất lượng cao, kết hợp giữa nội lực với mở rộng hợp tác quốc tế, hình thành nguồn lực tổng thể cho phát triển.
Chương trình hành động gắn liền với thực tiễn
TS. Phạm Viết Thuận nói: “Xét về bản thân, tôi được đào tạo các chương trình quản lý nhà nước và được rèn luyện trong quân đội, có tinh thần và ý chí cao, học tập và nghiên cứu theo thực tiễn, luôn lắng nghe và giải quyết các vấn đề một cách thấu đáo, hợp tình hợp lý và mang tính khoa học, phù hợp với quy định của pháp luật. Luôn gắn trách nhiệm với công việc, đạo đức với nghề nghiệp; luôn cập nhật các thông tin, quy định của pháp luật đối với đời sống xã hội. Do đó, chương trình hành động của tôi gắn liền với thực tiễn trong lĩnh vực tôi đang công tác, nó có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đây cũng là mục tiêu phát triển trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020”.
Là một nhà khoa học có khá nhiều nghiên cứu về môi trường, như: dự án khu xử lý rác công nghiệp A2 Mỹ Xuân - Bà Rịa Vũng Tàu, dự án khu xử lý chất thải công nghiệp, dự án xử lý chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại, dự án khu chôn lấp chất thải An Toàn (10 ha), tham gia quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố... TS. Phạm Viết Thuận cho biết, ông sẽ phản biện hơn nữa chương trình bảo vệ môi trường quốc gia, trên cơ sở nghiên cứu phân tích đánh giá về các chỉ tiêu, chỉ số, kinh phí. Từ đó sẽ có nhiều phương pháp đánh giá khoa học đối với việc bảo vệ môi trường thành phố nói riêng và khu vực nói chung, trong đó vấn đề giám sát cộng đồng còn rất xa vời với thực tế, chưa thể hiện được cộng đồng cùng chung tay phát triển và bảo vệ môi trường.
Qua việc làm đồng chủ nghiệm khi nghiên cứu đề tài khoa học “Xây dựng hệ số K sử dụng đất tại Thành phố Hồ Chí Minh”, ông cho biết, nếu trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM, ông sẽ kiến nghị các cơ quan hữu quan xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà đất, trong đó việc xây dựng hệ số K và bảng giá đất phải sát với giá thị trường, dần dần đưa hệ số K = 0 (hiện nay K = 2.0), minh bạch bảng giá đất trên toàn địa bàn thành phố trong vòng 5 năm tới.
Nếu được cử tri tín nhiệm, TS. Phạm Viết Thuận khẳng định: “Tôi sẽ có điều kiện hơn để quan tâm và đóng góp vào việc thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố trong những năm tới. Chú trọng và kiến nghị với Hội đồng nhân dân thành phố khi quyết nghị về ngân sách, tăng cường vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, chương trình bảo vệ môi trường thật sự hiệu quả trên cơ sở đánh giá khoa học; xác định thêm trách nhiệm của lãnh đạo sở, ngành, nhằm giảm bức xúc của người dân trong lĩnh vực xây dựng nhà, đất...”.