Những mô hình trồng rau hữu cơ độc đáo tại Thành phố Hồ Chí Minh

ĐĂNG TRÌNH| 07/12/2020 17:12

KHPTO - Hai đơn vị, hai cách làm, hai cách vận hành tuy là khác nhau nhưng ở họ có cùng chung một mục đích là cung cấp cho khách hàng, cho người tiêu dùng tại TP.HCM những sản phẩm rau hữu cơ an toàn. Trong đó, sản phẩm ớt hữu cơ của một đơn vị đã ký được hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Mô hình trồng rau hữu cơ ít vốn trên đất nhiễm phèn

Vốn là vùng đất bị nhiễm phèn nặng, nước ngập quanh năm nên việc canh tác nông nghiệp của người dân ở xã Phạm Văn Hai của huyện Bình Chánh, TP.HCM, gặp rất nhiều khó khăn và không mang lại hiệu quả kinh tế. Giờ đây, nông nghiệp nơi đây đã khởi sắc, đã có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Trường Thịnh (TP. HCM) đã tạo dấu ấn đặc biệt cho hoạt động nông nghiệp của xã này, và cho nhiều hộ nông dân trong xã.

Thành lập từ năm 2016, HTX Trường Thịnh đã mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp ở vùng đất này. Sau nhiều năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm, HTX này đã phát triển thành công mô hình trồng rau hữu cơ, đồng thời mở rộng sản xuất, liên kết nhiều hộ nông dân tham gia cùng làm ăn tập thể với chi phí đầu tư từ 60 - 70 triệu đồng cho mỗi 1.000 m2, gồm: đất nhân tạo từ nguồn hữu cơ, nhà màng, cây giống...

Ông Võ Thành Dũng - phó giám đốc HTX Trường Thịnh, cho biết: Năm 2016, HTX đã trồng thử nghiệm rau hữu cơ trên khoảng 2.000 m2 đất nền được trải bạt nhựa (đất nhân tạo). Rau được trồng trong nhà màng nên có thể phòng trừ sâu bệnh gây hại, và không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu. Hơn nữa, mô hình canh tác này có thể dùng những phế thải nông nghiệp (như cỏ dại, lục bình, rác thải hữu cơ...) nên sẽ góp phần

vào việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt. Vì vậy, mô hình trồng rau hữu cơ này giúp nông dân tiết kiệm được tối đa chi phí.

Vừa với vai trò là phó giám đốc HTX Trường Thịnh, vừa là kỹ sư nông nghiệp lâu năm, ông Dũng luôn trăn trở về việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, và tạo ra được nông sản sạch cho người tiêu dùng. Ông đã tham khảo hàng loạt mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả ở nước ngoài và chọn lọc để ứng dụng sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu, nhằm giúp nông dân nghèo tiếp cận được phương thức sản xuất hiện đại, hiệu quả. Ông đã thành công. Với mô hình trồng rau hữu cơ mà ông Dũng tự thiết kế, các nhà nông ở xã Phạm Văn Hai chỉ cần vài chục triệu đồng là đã có thể đầu tư.

Theo ông Vũ Xuân Liêu - giám đốc HTX Trường Thịnh, khi mô hình trồng rau hữu cơ đi vào hoạt động, HTX sẽ cung ứng toàn bộ giống, phân bón, kỹ thuật sản xuất rau củ quả hữu cơ cho các thành viên HTX và tổ hợp tác. Đồng thời, HTX cũng ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm để thành viên yên tâm sản xuất. Hộ nông dân khi tham gia HTX sẽ được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ đúng quy trình, đảm bảo chất lượng đầu ra. Thu nhập của các thành viên HTX khoảng từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc cung cấp rau hữu cơ tại các phiên chợ nông sản sạch, một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP.HCM và đặt hàng từ một số doanh nghiệp, HTX Trường Thịnh đã ký được hợp đồng cung cấp ớt chỉ thiên cho đối tác ở Nhật Bản - thị trường khó tính trong việc chọn sản phẩm đáp ứng được đầy đủ những tiêu chuẩn về chất lượng. Mới nhất là hợp đồng cung cấp 10 tấn ớt hữu cơ hồi tháng 10/2020 sang thị trường Nhật Bản với giá 45.000 đồng/kg, mức giá này cao gấp từ 2 - 3 lần so với ớt chỉ thiên thông thường.

Mô hình cho thuê trồng rau hữu cơ

Với hình thức mua sắm trọn gói mỗi tháng khoảng từ 800.000 đồng, 1,5 hoặc 1,8 hoặc 2,3 triệu đồng, người tiêu dùng sẽ được cung cấp từ 8 đến tất cả loại rau củ quả có trong vườn với khối lượng từ 1 - 3,5 kg (tùy thuộc vào số tiền đóng vào) đến tận tay, mỗi tuần nhận 2 lần rau (vào thứ ba và thứ sáu). Đây là vườn rau thông minh (hay còn gọi là vườn rau 4.0) của chị Đinh Thị Thu Hằng - sáng lập, kiêm giám đốc Công ty TNHH Vườn rau nhà mình.

Không chỉ cho thuê đất trồng rau, mô hình này còn cung cấp luôn việc chăm sóc rau từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch cho khách hàng. Khách hàng giám sát mọi hoạt động trên vườn rau qua một ứng dụng trên smartphone, xem hình ảnh từ camera của vườn rau chỉ với một cú bấm chuột trên máy tính hoặc một cái chạm màn hình smartphone, cũng như tìm hiểu về quy trình từ trồng đến chăm sóc rau hữu cơ. Tất nhiên, khách hàng vẫn có thể đến trực tiếp vườn rau để trải nghiệm quy trình trồng rau hữu cơ dưới sự hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật.

Ước tính đã có hàng trăm khách hàng và nhiều nhà hàng chọn rau cho bữa ăn của gia đình, thực khách theo mô hình này trong suốt nhiều năm qua.

Để đảm bảo rau được trồng theo phương pháp hữu cơ, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao vào quá trình canh tác, trong đó có các thiết bị kiểm tra tình trạng đất, nước, không khí, tưới nước chính xác kèm bón phân tự động... Với giải pháp này, người quản lý vườn chỉ cần một chiếc máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet là biết được khu vườn cây nào cần bón phân gì với số lượng bao nhiêu, khu vực nào cần tưới nước... Hơn nữa, giải pháp này cũng giúp tự động ghi lại nhật ký canh tác, cũng như dữ liệu để truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua việc quét mã QR (QR code).

Vườn rau nhà mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mô hình trồng rau hữu cơ độc đáo tại Thành phố Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO