Đời sống

Nhà nghiên cứu tuổi bách niên ra mắt tự truyện “Đi qua trăm năm”

Quỳnh My - Tả Pháp 01/03/2024 - 16:40

Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa xuất bản tự truyện “Đi qua trăm năm” của nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đình Tư. Tác phẩm đưa bạn đọc đi xuyên qua hai thế kỷ của cuộc đời thăng trầm một con người, từ cậu bé xuất thân từ làng quê Thanh Chi (Thanh Chương, Nghệ An) đến nhà nghiên cứu bình dân ở tuổi bách niên.

cu-tu-10a.jpg
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Viết tự truyện từ sự khích lệ của Bí thư Thành ủy TP.HCM

Với tự truyện cuộc đời “Đi qua trăm năm”, bạn đọc sẽ hiểu thêm về vùng đất Thanh Chương xứ Nghệ. Nơi đó cậu bé Nguyễn Đình Tư đã trải qua thời thơ ấu sống động, vẹn nguyên ký ức đến hôm nay. Quê hương đã giữ lại trong tâm khảm ông về hình dáng và tình cảm của người cha mẫu mực, người mẹ ruột yêu thương chẳng may qua đời sớm, người mẹ kế vì chồng, vì thương mấy đứa con chồng mà chịu thương chịu khó. Từ cậu học sinh giỏi trở thành chàng thanh niên tập tành đường chính trị, những thay đổi thời cuộc trong dòng chảy lịch sử đã đưa Nguyễn Đình Tư xuôi về Nam, gặp những khúc quanh cuộc đời, rồi bước vào nghiệp cầm bút 80 năm qua. Sách dày 384 trang gồm 11 chương: Quê hương – Ký ức vẹn nguyên, Ít mảnh sử làng xã vùng đất Thanh Chương, Một thuở ấu thơ, Thời học sinh và chí lập thân, Một người cha gương mẫu, Tập tành đường chính trị, Cuộc sống gia đình, Dập dềnh sóng biển xuôi Nam, Theo thời tìm kế mưu sinh, Những khúc quanh cuộc đời, Nghiệp cầm bút, Phụ lục những hình ảnh lưu giữ quá khứ và hiện tại.

cu-tu-9.jpg
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tại buổi giao lưu với đọc giả và giới thiệu tự truyện “Đi qua trăm năm” tại sân khấu chính Đường Sách TP.HCM, ngày 24/2/2024.

Tự truyện “Đi qua trăm năm” ban đầu chỉ là ấp ủ trong tâm trí của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ông định hoàn thành thêm nhiều dự án đã lên kế hoạch từ trước rồi mới viết về cuộc đời mình. Vào ngày 16/7/2022, trong lần đầu Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đến thăm tác giả cao niên mẫn tuệ và hồn hậu hiếm có của vùng đất Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Được dịp nghe ông kể câu chuyện cuộc đời, ông Nguyễn Văn Nên lập tức khích lệ động viên ông Nguyễn Đình Tư ưu tiên viết tự truyện trước: “Con đặt hàng cụ viết trước tự truyện Một kiếp người của cụ đi; mấy công trình nghiên cứu chậm lại một chút cũng được”. Được lời như mở tấm lòng, “ông Bụt” 103 tuổi của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh dồn hết động lực và trí nhớ ngồi gõ máy vi tính trong 6 tháng tiếp theo kể chuyện đời mình. “Đi qua trăm năm” hoàn thành đúng hẹn và ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2024.

cu-tu-6.jpg
PGS.TS Trần Hoàng Ngân trao hoa chúc mừng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tại buổi giao lưu với đọc giả và giới thiệu tự truyện “Đi qua trăm năm” tại sân khấu chính Đường Sách TP.HCM, ngày 24/2/2024.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tâm sự về lý do vì sao bây giờ mới viết tự truyện: “Tôi năm nay 103 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, nhất là đối với dòng họ của tôi. May nhờ tổ ấm phúc nhà, nhờ mười phương chư Phật gia hộ nên tôi vẫn được khỏe mạnh, vẫn tự đi lại bình thường mà không cần dùng gậy hay cần người dìu. Tinh thần tôi vẫn minh mẫn, trí nhớ tôi vẫn còn tốt, có thể đánh vi tính, xem sách báo không cần phải đeo kính. Tôi đã sống qua hai thế kỷ XX và XXI, trải qua nào thời vua quan nhà Nguyễn, thực dân Pháp, phát xít Nhật, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

bi-thu-thanh-uy-160722-1ss.gif
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong một dịp đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tại tư gia.

Nhìn lại quãng đời đã qua với nhiều kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm trong cuộc sống, chứng kiến nhiều biến chuyển của thời cuộc, của vận mệnh quốc gia, của đời sống xã hội, tôi thấy đáng ghi lại để cho con cháu biết về quê hương, về các bậc tiền bối, để rút ra những kinh nghiệm về cuộc sống, biết cái gì nên tránh cái gì nên làm, cái gì nhất thời, cái gì là vĩnh cửu. Tôi thì không có tài cán gì, cũng không có tư tưởng gì cao siêu, chỉ có một cuộc sống bình thường như mọi người, với những thất bại, những sai lầm trong cuộc sống dẫn tới có lúc đen tối nhất, tưởng không có lối thoát. Nhưng với ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ, không thất vọng, không bi quan, tôi đã vượt qua được hoàn cảnh để thực hiện lý tưởng cuộc sống… Đời tôi cũng có những khuyết điểm, thất bại mà cũng có những thành công đáng ghi nhớ để con cháu biết lấy làm bài học kinh nghiệm trong việc đối nhân xử thế”.

“Tác phẩm Đi qua trăm năm ra mắt như một món quà mừng đại thọ tuổi 104 mà NXB Tổng hợp TP trang trọng trao tặng cụ Nguyễn Đình Tư - người của trăm năm. Với tự truyện cuộc đời qua 11 phần và phần phụ lục hình ảnh, bạn đọc sẽ hiểu thêm về vùng đất Thanh Chương xứ Nghệ. Nơi đó cậu bé Nguyễn Đình Tư đã trải qua thời thơ ấu sống động, vẹn nguyên ký ức đến hôm nay. Nơi đó đã giữ trong tâm khảm ông về hình dáng và tình cảm của người cha mẫu mực, người mẹ ruột yêu thương chẳng may qua đời sớm, người mẹ kế vì chồng, vì thương mấy đứa con chồng mà chịu thương chịu khó. Từ cậu học sinh học giỏi trở thành chàng thanh niên tập tành đường chính trị, những đổi thay thời cuộc trong dòng chảy lịch sử đã đưa Nguyễn Đình Tư xuôi về Nam, gặp những khúc quanh cuộc đời, rồi bước vào nghiệp cầm bút 80 năm qua, kể từ lúc truyện dài đầu tiên “Nguyễn Xí” đăng trên báo Truyền Bá số 85, ra ngày 10/6/1943...” -

Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM, nguyên Giám Đốc – Tổng Biên Tập NXB Tổng hợp TP.HCM) .

Đam mê sử Việt bởi ý chí quật cường của dân tộc

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết ông đam mê với sử Việt bởi một lý do: “Đất nước Việt là một dân tộc tuy nhỏ, ít người, đất hẹp nhưng ý chí quật cường có thể xem là số một”.

cu-tu-7.jpg
Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM, nguyên Giám Đốc – Tổng Biên Tập NXB Tổng hợp TP.HCM) tặng hoa chúc mừng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tại buổi giao lưu với đọc giả và giới thiệu tự truyện “Đi qua trăm năm” tại sân khấu chính Đường Sách TP.HCM, ngày 24/2/2024.

Sinh năm 1920 tại Nghệ An, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư từng là cộng tác viên của Báo Độc Lập, rồi làm làm việc tại Ty điền địa ở Phú Yên, tham gia viết bài về Phú Yên cho các tạp chí Bách Khoa, Phổ Thông. Năm 1969, ông làm việc tại Nha Điền địa (Bộ Canh nông) đến ngày miền Nam được giải phóng. Năm 1996, ông là Ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường TP.HCM, đồng thời tham gia biên soạn nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn – TP.HCM, từ điển địa danh và địa chí các tỉnh.

Cụ Nguyễn Đình Tư cho biết, thời gian đầu ông viết về thể loại địa chí. Tuy nhiên, dự định đang ấp ủ đành phải gác lại vì thời cuộc. Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông chưa thực hiện được ý định đó, vì còn bận viết bộ sách địa phương chí dưới nhan đề Giang sơn Việt Nam đã xuất bản được ba tập: Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận. Công việc biên khảo ấy đang tiến hành dở dang thì thời cuộc thay đổi, ông không còn đủ điều kiện tiếp tục được nữa.

cu-tu-3.jpg
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư ký tặng sách tại buổi giao lưu với đọc giả và giới thiệu tự truyện “Đi qua trăm năm” tại sân khấu chính Đường Sách TP.HCM, ngày 24/2/2024.

Khoảng giữa năm 1978, do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, ông ra ngoài sửa xe đạp mưu sinh ở tuổi 60, với nghề “mới” này, ông tranh thủ những lúc không có khách đến sửa xe, đem cái “dự định” trước kia ra thực hiện. Ông lại lặn ngụp trong những tài liệu chính sử và lần theo dấu khuyết sử trong những sách sử ông từng đọc còn ghi chép rất đơn sơ, khiếm khuyết, ít tài liệu. Giữa lúc thời buổi khó khăn mưu sinh, không còn thời gian đi trung tâm lưu trữ hay thư viện nữa. Hầu hết sách cũ tư liệu cũng đã bán đi lấy tiền mua gạo sống qua ngày.

Tại buổi giao lưu, nhiều người không khỏi bùi ngùi và thán phục khi nghe kể câu chuyện cậu học trò Nguyễn Đình Tư và hành trang đi học gian nan, gập ghềnh, ngắt quãng. Càng khó khăn bao nhiêu, ông càng bền chí lấy sự học làm mục đính chính của cuộc đời, dù được đến trường hay tự học.

Ông cho biết, tình yêu sử Việt hình thành trong người từ lúc mới học tiểu học. Điều này khởi nguồn từ những quyển sách được đọc từ anh trai về những nhân vật lịch sử nổi trội nước Việt, từ đó, ông lấy làm tự hào về lịch sử của một dân tộc kiên cường. Bản thân là người trải qua bao giai đoạn thăng trầm lịch sử, tình yêu với sử Việt, ham đọc sách luôn được ông nuôi dưỡng theo năm tháng, lấy đó làm sở thích và công việc sưu tầm - sáng tác đến nay.

“Nhờ thói quen đọc sách, sưu tầm soạn thảo tư liệu, thể dục đều đặn, sinh hoạt hằng ngày hợp lý cũng là bí quyết rèn luyện tinh thần minh mẫn và trí nhớ tốt của người bước vào độ tuổi 100 như tôi. Tôi luôn tự hào vì lịch sử nước Việt vô cùng hào hùng - vẻ vang dù phải trải qua bao nhiêu thời gian thăng trầm” - cụ Tư chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được độc giả biết đến như một nhà văn với bộ tiểu thuyết dã sử 6 tập Loạn 12 sứ quân - viết bên vệ đường cổng xe lửa Phú Nhuận trong những năm đầu sau ngày giải phóng và bày thùng đồ nghề bơm sửa xe đạp. Ông đặc biệt trở thành nhà biên khảo bình dân nổi tiếng trong nhiều năm mang cơm và trải chiếu nghỉ trưa ở hành lang Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, đợi tới giờ mở cửa phục vụ bạn đọc và miệt mài nghiên cứu nguồn tài liệu gốc về lịch sử, văn hóa, địa lý vùng đất Nam bộ.

Đến những dòng cuối cùng của tự truyện, bạn đọc vẫn cảm nhận được ăm ắp tình cảm của ông Nguyễn Đình Tư: “Tập tự truyện này đã khép lại trang sau cùng. Những gì bạn đọc đã lướt qua đều thấy cuộc đời của tôi đã trải qua những gì khổ cực nhất, vất vả nhất, buồn tủi nhất. Giai đoạn này chiếm đến hai phần ba năm tháng, rồi sau đó tôi mới được hưởng những gì gọi là vinh dự vào cuối đời. Quả thật không khác gì một câu chuyện cổ tích ngày xưa. Và lời cuối trước khi khép lại tự truyện này, tôi vẫn còn dự định trong những ngày cuối đời sẽ viết tiếp 10 đầu sách nữa, nếu sức khỏe cho phép”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nghiên cứu tuổi bách niên ra mắt tự truyện “Đi qua trăm năm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO