Người dân không nên mua điện thoại 4G trên mạng
Lợi dụng nhu cầu đổi điện thoại từ 2G sang 4G của người dân, nhiều kẻ xấu đã trục lợi bằng máy 2G "đội lốt" 4G, với giá từ 200 - 500.000 đồng.
Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cảnh báo việc lừa đảo bán máy "giả 4G" đang xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, internet.
Theo đó, từ ngày 16/9, mạng 2G sẽ không còn được cung cấp cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G only), trừ một số trường hợp phục vụ cho các mục đích đặc biệt tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và nhà giàn DK. Do đó, nhiều người dân, chủ yếu là người lớn tuổi đang dùng điện thoại 'cục gạch' buộc phải chuyển sang dùng máy 4G.
Lợi dụng nhu cầu này, nhiều kẻ gian chào bán "máy 4G giá rẻ". Những nhóm này thường hoạt động trên mạng xã hội, thông qua các bài đăng để chào bán và tìm khách hàng, với những lời giới thiệu như "3G hay 4G đều xài thoải mái", "điện thoại 4G giá rẻ", với mức giá từ 200 - 500.000 đồng.
Theo Cục An toàn thông tin, do việc mua bán diễn ra online, nhắm tới người có tuổi, họ khó phân biệt được điện thoại 4G thật hay giả. Kẻ gian sau khi lừa bán thành công sẽ chặn tài khoản người mua hoặc xóa tài khoản của chính mình, khiến không thể yêu cầu đổi trả.
"Nhiều người ham rẻ, thiếu kiến thức đã đặt mua điện thoại của các đối tượng lừa đảo, đến khi nhận máy, lắp SIM mới phát hiện mua phải điện thoại 2G đã quá muộn", Cục khuyến cáo.
Để tránh tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên mua mặt hàng trôi nổi trên mạng xã hội. Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, cần báo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ và ngăn chặn.
Ngoài ra, người dùng nên lựa chọn mua tại các hệ thống, cửa hàng uy tín thay vì các mặt hàng trôi nổi dù trên internet, như Thế Giới Di Động, FPT Shop, CelphoneS...