Người dân được khai thác nhiều thông tin trên cổng dữ liệu của TP.HCM
Người dân TP.HCM được tự do khai thác, sử dụng 13 nhóm dữ liệu trên địa bàn Thành phố: Giáo dục; công nghệ thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; tài chính; văn hóa - du lịch…
Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ký quyết định ban hành Danh mục dữ liệu mở của TP.HCM.
Theo đó, danh mục dữ liệu mở được công bố trên Cổng thông tin dữ liệu TP.HCM, tại địa chỉ http://data.hochiminhcity.gov.vn để các cá nhân, tổ chức tự do khai thác, sử dụng. Từ ngày 18/6/2024, người dân có thể truy cập vào địa chỉ trên để khai thác, sử dụng dữ liệu.
Danh mục gồm 111 dữ liệu thuộc 13 nhóm chủ đề: giáo dục; công nghệ thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; khoa học; kinh tế; lao động; nông nghiệp; tài chính; văn hóa - du lịch; xã hội; xây dựng; y tế, sức khỏe; tư pháp.
Đối với lĩnh vực giáo dục, người dân có thể tra cứu dữ liệu về danh sách các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM: danh sách Khối mầm non; danh sách trường tiểu học; danh sách trường THCS; danh sách trường THPT công lập…
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, người dân có thể tra cứu danh sách văn phòng đại diện cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác tại TP.HCM; danh sách phóng viên tộờng trú hoạt động độc lập trên địa bàn Thành phố...
Ở lĩnh vực giao thông là dữ liệu vị trí các camera giám sát giao thông; dữ liệu các điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn; dữ liệu các điểm trông giữ xe và giá dịch vụ trên địa bàn...
Với lĩnh vực kinh tế là những dữ liệu về danh sách các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện dụng trên địa bàn; dữ liệu về dự án đầu tư công…
Lĩnh vực văn hóa - du lịch là những dữ liệu các khu, điểm dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí trên địa bàn; dữ liệu các địa điểm du lịch lịch sử - văn hóa trên địa bàn…
Lĩnh vực xây dựng là dữ liệu các dự án nhà ở thương mại...
Lĩnh vực y tế gồm dữ liệu về các cơ sở khám chữa bệnh; các cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP), chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền Bộ Y tế; dữ liệu về giá thuốc được cấp phép lưu hành…
Và đối với lĩnh vực tư pháp, người dân có thể tra cứu dữ liệu về các tổ chức hành nghề luật sư…
Việc công bố danh mục dữ liệu mở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các ứng dụng dựa trên dữ liệu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Đồng thời, cũng góp phần tăng cường sự minh bạch và tham gia của cộng đồng vào quá trình quản lý đô thị.
TP.HCM đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng và cập nhật danh mục dữ liệu, nhằm cung cấp cho người dân và các tổ chức một nguồn thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật nhất.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải vừa có văn bản chỉ đạo về việc tích hợp dữ liệu Hệ thống giải quyết khiếu nại, tố cáo vào Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải chấp thuận đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông về tích hợp dữ liệu của Hệ thống giải quyết khiếu nại, tố cáo vào Hệ thống quản trị thực thi Thành phố.
Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố chủ trì phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện các giải pháp kỹ thuật cho việc triển khai tích hợp dữ liệu.
Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, đôn đốc triển khai việc tích hợp, góp ý nội dung giao diện trang Dashboard tổng quan của Hệ thống giải quyết khiếu nại, tố cáo trên Hệ thống quản trị thực thi Thành phố; đảm bảo trực quan hóa dữ liệu và đảm bảo độ chính xác và chi tiết trong việc xử lý khiếu nại, tố cáo của địa phương, đơn vị.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải yêu cầu thời gian hoàn thành việc tích hợp dữ liệu của Hệ thống giải quyết khiếu nại, tố cáo vào Hệ thống quản trị thực thi Thành phố trước tháng 9/2024.