Y học

Người bệnh Gút chăm sóc khớp như thế nào trong kỳ nghỉ Tết?

An Hương 04/02/2024 - 09:01

Thực tế hằng năm, sau mỗi kỳ nghỉ Tết dài, Khoa Nội Cơ Xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy, thường tiếp nhận khá nhiều người bệnh Gút đến khám tại phòng khám hoặc nhập viện điều trị.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tết với thời gian nghỉ ngơi khá dài, thực sự luôn là dịp tốt để mọi người được xum vầy vui vẻ, thư giãn bên gia đình, bà con họ hàng, bạn bè và thưởng thức những món ăn ngon và các đặc sản cổ truyền ngày Tết.

“Điều quan trọng trước tiên, tiếp tục duy trì các thuốc điều trị đã được bác sĩ kê toa; đừng vì vui Tết mà bỏ thuốc luôn hoặc uống thuốc thất thường. Việc ngưng thuốc đột ngột, dù vào bất cứ thời điểm nào đều có nguy cơ làm cho bệnh bùng phát. Trước dịp Tết, người bệnh nên đi tái khám bác sĩ và nếu cần sẽ được cho xét nghiệm kiểm tra nồng độ axit uric máu, chức năng gan thận để thầy thuốc đánh giá và điều chỉnh thuốc nếu cần”, PGS.TS.BS Đình Khoa nói.

nguoi-benh-di-kham.jpg
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy, trước dịp Tết, người bệnh Gút nên đi tái khám bác sĩ và nếu cần sẽ được cho xét nghiệm kiểm tra nồng độ axit uric máu, chức năng gan thận để thầy thuốc đánh giá và điều chỉnh thuốc nếu cần.

Trong trường hợp chưa có thuốc gì mà khớp đau nhiều và chưa thể đi bệnh viện, có thể mua dùng tạm một loại thuốc kháng viêm không chứa steroid loại bán không cần kê toa với liều khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc, tất nhiên nếu không có vấn đề gì đặc biệt về dạ dày, bệnh thận, hay bệnh tim mạch. Tốt nhất, việc dùng bất kỳ thuốc gì cũng nên theo hướng dẫn của bác sĩ.

Người bị bệnh Gút và kể cả những người có tăng axit uric máu đơn thuần cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng, đặc biệt vào những dịp đặc biệt như lễ Tết.

Vì vậy, trong những ngày Tết, người bệnh hạn chế các thực phẩm giàu đạm như thịt đỏ (thịt bò, cừu, dê, thịt thú rừng,…), hải sản nhuyễn thể (tôm, cua, sò, một số loại cá như cá trích, cá đối, cá mòi…), nấm, đậu, rau mầm; tránh tuyệt đối thực phẩm là phủ tạng động vật như lòng heo, tiết canh, hột gà lộn, hột vịt lộn; hạn chế tối đa uống rượu bia và các loại đồ uống ngọt như nước siro, nước ngọt có gas.

Tất nhiên, nếu thấy cần thiết phải “cụng ly” để chúc mừng năm mới cùng gia đình, bè bạn cũng như cảm thấy được hưởng hương vị Tết một cách trọn vẹn hơn, việc nhâm nhi một chút xíu rượu vang cũng có thể chấp nhận được.

Người bị bệnh Gút cũng cần duy trì uống đầy đủ nước hằng ngày; tăng cường ăn rau xanh và các loại trái cây tươi, đặc biệt các loại rau quả giàu vitamin C và có thể uống sữa, ăn sữa chua bình thường; đồng thời duy trì kiểm soát bữa ăn của mình một cách hợp lý để không bị tăng cân sau mấy ngày Tết.

Trong thời gian chờ đợi đi khám bệnh, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp để tạm thời giúp giảm cơn đau khớp: nằm nghỉ tại giường, hạn chế tối đa cử động khớp, tránh đi lại tỳ đè lên khớp đau; tháo bỏ giầy dép, mặc quần áo rộng để tránh quần áo cọ xát vào khớp đau.

Khi nằm, người bệnh Gút nên kê khớp viêm cao hơn một chút so với mặt giường, ví dụ kê chân đau lên trên một cái gối; chườm lạnh bằng cách dùng đá lạnh đã được bọc trong khăn vải chườm nhẹ hoặc đắp lên quanh khớp bị sưng đau khoảng 20 - 30 phút/lần, vài lần mỗi ngày khi khớp vẫn còn đang sưng đau tấy đỏ nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người bệnh Gút chăm sóc khớp như thế nào trong kỳ nghỉ Tết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO