Công nghệ

Lần đầu tiên 4 doanh nghiệp Việt hợp tác tự chủ sản xuất thiết bị mạng

Bình Minh 02/11/2023 09:55

Các công ty này hướng việc sản xuất các sản phẩm thiết bị mạng "Make in Viet Nam", mang thương hiệu "MK Networks". Dự kiến, những sản phẩm đầu tiên sẽ ra mắt thị trường vào năm 2024.

Ngày 1/11, các doanh nghiệp công nghệ Việt gồm MK Hi-Tek, Công ty cổ phần An ninh mạng SCS - SafeGate, Công ty cổ phần công nghệ Pavana và Công ty cổ phần công nghệ Vissoft, cho biết đã cùng bắt tay hợp tác sản xuất các thiết bị mạng "Make in Viet Nam" mang thương hiệu MK Networks.

Cả 4 doanh nghiệp đều có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất thiết bị phần cứng, phát triển phần mềm, giải pháp về an ninh mạng và cung cấp hệ sinh thái toàn diện về an ninh bảo mật. Nhóm doanh nghiệp này cho biết sẽ tự chủ từ khâu nghiên cứu, sản xuất phần cứng cho tới phát triển giải pháp phần mềm.

Các sản phẩm thiết bị mạng mang thương hiệu MK Networks gồm có thiết bị mạng lớp truy cập, thiết bị mạng lớp core, hệ thống mã hoá kênh truyền, hệ thống bảo mật dữ liệu một chiều… Tất cả sản phẩm đều sẽ được ứng dụng các công nghệ mới nhất.

Các thiết bị mạng mới sẽ ứng dụng mô hình quản lý thông minh "Cloud-Native" cho phép quản trị mạng có thể quản lý và thiết lập cấu hình cho nhiều thiết bị một cách tập trung. Việc này giúp các cơ quan, đơn vị thuận tiện trong vận hành cũng như quản trị hệ thống, khác với mô hình quản lý phân tán như hiện nay.

tbm.png
Mục tiêu là đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, các thiết bị mạng mới còn được tích hợp thêm nhiều tính năng nâng cao nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; tiết kiệm chi phí và nguồn lực cho các chủ quản của hệ thống thông tin.

Theo Chủ tịch MK Group Nguyễn Trọng Khang cho biết mục tiêu của "liên minh" với các sản phẩm MK Networks là hướng tới việc các doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, đồng thời góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng vào 2030.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trọng Khang không giấu tham vọng cạnh tranh, dần thay thế các sản phẩm thiết bị mạng, an ninh mạng nước ngoài ở thị trường Việt Nam.

Theo số liệu của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), doanh thu tháng 10 của lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 480 tỷ đồng, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài trong tháng 10/2023 đạt 45%. Điều này cho thấy cơ hội thị trường rộng mở với các công ty tham gia vào lĩnh vực này.

Đồng thời, trong “Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030” phê duyệt tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, khẳng định rõ quan điểm “phải phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ Make in Viet Nam và đội ngũ chuyên gia xuất sắc để trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng”.

Mục tiêu là đến năm 2025, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%; tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt từ 20%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên 4 doanh nghiệp Việt hợp tác tự chủ sản xuất thiết bị mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO