Y học

Ký kết Quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thanh Vinh 16/05/2024 - 08:20

Ngày 15/5/2024, Sở Y tế TP.HCM và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM đã chính thức ký kết Quy chế phối hợp hoạt động.

y1.jpg
Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (15/5/2024)

Chắc chắn rằng việc chủ động ký kết quy chế phối hợp của 02 Sở sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan đến sức khoẻ của người dân, nhất là người lao động, người có công, người thuộc diện chính sách, diện bảo trợ xã hội, đồng thời sẽ giúp kiểm soát tốt hơn, chủ động hơn những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sức khoẻ người dân.

Những nội dung chính của Quy chế phối hợp như sau:

Về nguyên tắc phối hợp: (1) Đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (2) Các hoạt động phối hợp phải được triển khai thực hiện đồng bộ, thường xuyên, kịp thời và hiệu quả; (3) Đề cao tinh thần trách nhiệm, tôn trọng, đoàn kết, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của mỗi bên và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, hoạt động chung của mỗi Sở; (4) Đảm bảo việc cung cấp thông tin và thực hiện tốt chế độ bảo mật thông tin theo quy định; (5) Phối hợp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan; (6) Đảm bảo tuân thủ thời hạn xử lý, trả lời ý kiến theo yêu cầu, phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, không đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau.

Về phương thức phối hợp: (1) Trao đổi ý kiến trực tiếp, cung cấp thông tin bằng văn bản, thư điện tử giữa các phòng chức năng của 02 Sở với nhau; (2) Phối hợp tổ chức các cuộc họp liên ngành định kỳ, đột xuất; tổ chức hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết; (3) Phối hợp tổ chức công tác kiểm tra của các đoàn công tác liên ngành theo quy định; (4) Cử nhân sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ có liên quan giữa 02 Sở theo quy định: Khi phát sinh công việc cần phối hợp, bên yêu cầu được phối hợp có văn bản gửi bên phối hợp đề nghị cử nhân sự tham gia phối hợp trước ít nhất 03 ngày làm việc. Hai Sở chịu trách nhiệm cử nhân sự theo đúng yêu cầu để đảm bảo chất lượng cuộc họp; (5) Đối với các trường hợp đột xuất cần sự phối hợp của hai Sở để giải quyết công việc cấp bách, lãnh đạo hai bên có thể trao đổi trực tiếp, qua điện thoại, email công vụ… nhưng sau đó phải thực hiện bằng văn bản; (6) Các hình thức phối hợp khác trên cơ sở thống nhất giữa lãnh đạo hai Sở.

Về nội dung phối hợp: Sở Y tế và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp trong các lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ người dân và người lao động, bao gồm: (1) An toàn, vệ sinh lao động; (2) Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới; (3) Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; (4) Phòng, chống tệ nạn xã hội; (5) Giáo dục nghề nghiệp, nhất là tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp do Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý; (6) Các hoạt động liên quan đến Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025; (7) Các hoạt động thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội, nhất là công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, quản lý người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần.

Ngoài ra, 02 Sở cũng thống nhất đưa vào quy chế phối hợp trong việc tham mưu lãnh đạo Thành phố: Phát triển hệ thống chăm sóc và điều trị người bệnh tâm thần (kế hoạch di dời và xây dựng mới Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) và xây dựng mới Bệnh viện Tâm Thần (thuộc Sở Y tế)); Xây dựng cơ chế chính sách, chế độ thu hút đội ngũ y, bác sĩ về làm việc tại các đơn vị bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Triển khai các cơ sở chăm sóc người cao tuổi (Dưỡng lão),…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký kết Quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO