Hậu Covid-19, xót cảnh 'con thơ mất mẹ, gà trống chật vật nuôi con'
“Dù con biết con không còn cơ hội để đưa tấm thư này vào tay mẹ nữa… Con vẫn mong khi con đem vào chùa cho mẹ, mẹ sẽ vui. Con mong mẹ sống thanh thản và luôn hạnh phúc. Con nhớ mẹ!”. Đó là nỗi lòng bao chất chứa của bé Huyền Anh khi viết cho người mẹ đã mất vì Covid-19 của mình.
Chị em con... thành trẻ mồ côi!
Năm 2021, Việt Nam đã ghi nhận 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 và lần thứ 4, lây lan trong cộng đồng. Đợt dịch thứ tư xuất hiện từ giữa năm 2021 với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và xâm nhập sâu trong cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có mật độ dân cư cao làm số mắc tăng nhanh.

Đợt dịch thứ tư, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9/2021, được xem là giai đoạn cực kỳ khó khăn với TP.HCM. TP.HCM ghi nhận dịch bắt đầu bùng phát từ ngày 26/5/2021; sau đó số mắc tăng nhanh với hơn 20 chuỗi lây nhiễm trên toàn địa bàn Thành phố.
Đến 31/5/2021, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg trên toàn địa bàn và một số khu vực theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Trong hơn 1 tháng giãn cách xã hội, dịch bệnh vẫn gia tăng và lan rộng, số mắc hằng ngày tăng liên tục, đến ngày 5/7/2021 đã vượt 1.000 ca mắc mới mỗi ngày. Đến ngày 9/7/2021, Thành phố quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg trên toàn địa bàn.

Vào thời điểm đó, Huyền Anh (7 tuổi) chỉ còn nhớ bóng dáng người mẹ tỉ mẩn chọn cho mình những bộ quần áo và chưa kịp hiểu tại sao mẹ lại đi mãi không về khi đi sinh em bé. Đến nay, cô bé Huyền Anh đã học lớp 5 còn em gái Mộc Anh gần 4 tuổi.
“Chắc giờ mẹ đang ở trên đó với hai em trai rồi. Mẹ có vui khi thấy các em ở đó không? Em con còn chưa biết mặt mẹ nữa”, rơm rớm nước mắt, cô bé bày tỏ nỗi nhớ mẹ.

Dù Covid-19 đã dần xa mờ, nhưng hình ảnh bé Huyền Anh 11 tuổi chỉ có thể vào chùa thắp nhang cho mẹ mà trên bàn thờ chỉ có bài vị tên mẹ, sao mà thương quá phận mồ côi!
Cuộc mưu sinh ngày càng khó!
“Hồi vợ tôi còn sống, cô ấy chăm chỉ, bươn chải, nấu ăn bỏ mối cho các văn phòng, nên cuộc sống của chúng tôi cũng đỡ vất vả. Cô ấy ra đi quá đột ngột, không lời báo trước, để lại ngổn ngang, nhiều mất mát cho cả ba cha con tôi”, anh Tăng Nguyễn Duy An, cha của hai cô bé Huyền Anh và Mộc Anh, tâm sự.

Bốn năm sau dịch Covid-19, nhà 5 người của anh Tăng Nguyễn Duy An sống nhờ vào tiền chạy shipper của anh và lương giữ xe của cha anh, khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Một ngày của anh Duy An bắt đầu từ lúc 5h, tranh thủ chạy vài chuyến chở hàng, chở trái cây cho mối quen, sau đó 6h30 anh về nhà, đưa con lớn đi học; anh làm shipper đến 4h30 chiều, đến trường đón con, cho con ăn uống, học bài, sau đó anh lại chở khách đến nửa đêm. Mờ sáng cuối tuần thứ bảy, chủ nhật, anh lại phụ chạy bàn cho quán hủ tiếu - mì.

“Cha tôi năm nay cũng 74 tuổi rồi, không thể làm được việc nặng, chỉ có thể xin một chân giữ xe; phụ tôi đóng tiền nhà trọ, còn mẹ tôi năm 63 tuổi, hai năm trước bị gãy chân do tai nạn, tình trạng sức khỏe không tốt, nên chỉ quanh quẩn ở nhà, đi chợ, nấu cơm và chăm con gái út của tôi,” anh Anh cho biết.
Tiền nhà và các chi phí điện, nước đã chiếm gần phân nửa, còn lại là tiền học cho con và tiền ăn hằng tháng; chưa kể những lúc “trái gió trở trời” của cha mẹ và con gái.

“Nhiều lúc, tôi vừa đưa cho mẹ 200.000 đồng đi chợ cho hai ngày, hôm sau mẹ bảo tôi đưa thêm tiền chợ vì vừa mua cho con gái lớn của tôi hai bộ quần áo hay mua thêm chút sữa cho con gái nhỏ. Áo quần của con gái lớn chật hết rồi, còn đứa nhỏ cần nhiều dinh dưỡng để lớn. Tôi ứa nước mắt, nghẹn ngào, cảm thấy thất bại khi chăm sóc mẹ lẫn con gái đều không được tốt”, anh Duy An chia sẻ.
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Kim Phượng, sinh non khi thai được 7 tháng do mắc Covid-19. Vì sinh non, nên Mộc Anh thường xuyên bị viêm phổi, bị chậm phát triển, chậm nói.
“Con gái nhỏ đủ tuổi đi mẫu giáo, nhưng tôi sợ đi học được tháng này, tháng sau liệu rằng mình sẽ lo đủ học phí đóng cho con sao? Chưa kể, đôi ba tháng, bé lại nhập viện để điều trị viêm phổi, mỗi đợt chừng 3 - 4 ngày với chi phí thở khí dung mỗi ngày hết 200.000 đồng, chưa kể các khoản khác.
Do di chứng sinh non, nên con gái út còn được chẩn đoán chậm phát triển, chậm nói. Hằng tháng, tôi vẫn phải đưa con đi tập vật lý trị liệu để giúp bé phát triển tốt hơn”, anh Duy An nói.

Bên cạnh sự hỗ trợ, quan tâm của nhiều cơ quan chính quyền, đoàn thể cùng các nhà hảo tâm, anh Duy An cũng cố gắng để xoay xở đủ chi phí nuôi sống cả gia đình… nhưng cảnh nhà ngày càng chật vật. Cha mẹ của Duy An ngày càng lớn tuổi, nhiều bệnh tật; hai con gái ngày càng lớn lại thiếu vắng bàn tay chăm sóc của một người mẹ.
Bà Đặng Thị Bích Thu, Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 3, Quận Gò Vấp, chia sẻ, hai chị em Huyền Anh - Mộc Anh nằm trong danh sách trẻ em có cha, mẹ, người giám hộ mất do dịch Covid-19 trên địa bàn phường 3 và được hỗ trợ.
Mẹ của hai trẻ là chị Nguyễn Thị Kim Phượng, tử vong vì Covid-19 ngày 22/8/2021, trong khi sinh con thứ hai. Hai trẻ hiện sống chung với cha, anh Tăng Nguyễn Duy An và ông bà nội. Cả gia đình 5 người của anh Duy An sống ở nhà thuê có diện tích 14m2. Anh An là lao động tự do, thu nhập không ổn định.
“Chúng tôi luôn nỗ lực tìm mọi cách hỗ trợ các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt này, như động viên tinh thần trẻ, hỗ trợ dụng cụ học tập, học bổng, quà tặng cho trẻ... nhân dịp sinh nhật trẻ hoặc vào các ngày lễ tết... Chúng tôi cũng hy vọng cộng đồng cùng chung tay, đồng hành cùng trẻ không để các trẻ tủi thân”, bà Bích Thu bày tỏ.
Tạp chí Khoa học phổ thông xin gửi lời kêu gọi đến bạn đọc cùng chung tay hỗ trợ gia đình anh Tăng Nguyễn Duy An thông qua: Tên tài khoản: Tạp chí Khoa học phổ thông - Số tài khoản: 3023727979 - Vietcombank Nam Sài Gòn - Nội dung: Hỗ trợ gia đình anh Duy An.
Hoặc tài khoản của Tăng Nguyễn Duy An - STK: 16127127 - Ngân hàng ACB.