Đời sống

Giảm nghèo bền vững cần lấy yếu tố thực chất làm đầu

Hồng Ân 20/07/2023 - 20:00

Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết nêu quan điểm giảm nghèo cần “lấy yếu tố thực chất làm đầu”, “không chạy theo thành tích” trong đợt giám sát tại Quận 11, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ trong 2 ngày 18, 19/7 vừa qua.

Đây là hoạt động của Đoàn ĐBQH TP.HCM nhằm triển khai giám sát việc thực hiện Nghị quyết 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023.

Quận 11: Có 3/16 phường hoàn thành giảm nghèo bền vững

Theo Chủ tịch UBND Quận 11 Nguyễn Trần Bình, qua 2 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, toàn Quận có 256 hộ nghèo và 442 hộ cận nghèo vượt chuẩn ra khỏi chương trình, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm từ 2,77% xuống còn 1,78% (tốc độ giảm 0,99%).

h-ong-binh-q11.jpg
Chủ tịch UBND Quận 11 Nguyễn Trần Bình báo cáo về các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn Quận 11.

“Tập trung các hoạt động triển khai cho yếu tố “bền vững”, đến nay, ghi nhận toàn Quận có 3/16 phường hoàn thành chương trình giảm nghèo bền vững của TP giai đoạn 2021 – 2025, đặc biệt Phường 15 đã hoàn thành mục tiêu “Phường không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo” theo chuẩn nghèo TP. Dự kiến năm 2023, Quận thực hiện giảm 0,52% hộ nghèo và 0,44% hộ cận nghèo, đến cuối năm hộ nghèo còn 0,18% và hộ cận nghèo còn 0,99%”, ông Bình cho biết.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quận 11 cũng chia sẻ, việc xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm là nhu cầu căn cơ để giải quyết việc thoát nghèo một cách bền vững đã được Ban giảm nghèo 16 phường có quan tâm thực hiện nhưng thật sự chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Việc phối hợp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn mang tính thời vụ, chưa đảm bảo chỉ số thiếu hụt về bảo hiểm xã hội cho người lao động trong hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Nhân sự thực hiện công tác giảm nghèo tại 16 phường có nhiều thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác nắm bắt, quản lý hộ, trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo”, ông Bình cho hay và chỉ ra, một số tổ trưởng tổ tự quản phải kiêm nhiệm rất nhiều công tác như: Ban điều hành khu phố, tổ dân phố và phụ trách là thành viên Ban Giảm nghèo bền vững của phường, dẫn đến việc chưa tập trung nhiều trong việc họp tổ, một số thành viên đi làm cả ngày, việc tham dự họp của hộ dân vẫn còn ít; đa phần thành viên tham gia dự họp là người cao tuổi (chủ hộ) dẫn đến tiếp thu các chính sách hỗ trợ giảm nghèo còn hạn chế, chưa truyền đạt hết ý nghĩa của các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho gia đình v.v…

Củ Chi: Nỗ lực phấn đấu đến 2025 không còn hộ nghèo

Phó Chủ tịch huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết, thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện tại thời điểm ngày 1/1/2023 có 2.276 hộ nghèo với 7.214 nhân khẩu; 2.543 hộ cận nghèo với 9.404 nhân khẩu; 1 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách có công.

h-ong-duc-cc.jpg
Phó Chủ tịch huyện Củ Chi Lê Đình Đức cam kết phấn đấu thị trấn Củ Chi, xã Thái Mỹ không còn hộ nghèo vào năm 2025.

“Năm 2023, Củ Chi phấn đấu thực hiện giảm 0,77% tỷ lệ hộ nghèo (ước khoảng 1.020 hộ nghèo) và giảm 0,72% tỷ lệ hộ cận nghèo (ước khoảng 950 hộ cận nghèo); không để hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công tái nghèo, tái cận nghèo. Đồng thời, Huyện cũng phấn đấu đến cuối giai đoạn thị trấn Củ Chi, xã Thái Mỹ không còn hộ nghèo và khuyến khích các xã còn lại phấn đấu không còn hộ nghèo”, ông Đức báo cáo.

Phó Chủ tịch huyện Củ Chi cũng cho hay, về xây dựng nông thôn mới, qua gần 3 năm triển khai thực hiện chương trình, diện mạo của Huyện đã có sự thay đổi mạnh mẽ, phát triển vượt bậc theo hướng đô thị văn minh, hiện đại. Dự kiến cấp huyện phấn đấu đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 vào cuối năm 2024; cấp xã có ít nhất 50% số xã (10 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2025.

Ông Đức cũng bày tỏ, việc tính toán mức thu nhập bình quân và xác định các chiều dịch vụ xã hội cơ bản của một số hộ nghèo, hộ cận nghèo, cũng như tỷ lệ kéo giảm các chỉ số thiếu hụt về trình độ giáo dục - đào tạo của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, nhà ở, bảo hiểm xã hội còn gặp khó khăn.

“Ngoài ra, tốc độ gia tăng dân số cơ học khá nhanh, ảnh hưởng nhất định đến việc duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt được về xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tư kết nối hạ tầng kỹ thuật tại các dự án chậm triển khai đã ảnh hưởng đến phát triển kết nối hạ tầng kỹ thuật chung của huyện, như quy hoạch kéo dài, chậm triển khai tại các dự án thuộc Khu đô thị Tây Bắc TP…”, ông Đức nói.

Cần Giờ: Thách thức lớn kéo giảm hộ nghèo, cận nghèo

Báo cáo cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện Cần Giờ có 6.263 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm 32,54% so với hộ dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng, dự kiến cuối năm 2023, toàn huyện thực hiện giảm 33 hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống (còn 90 hộ, chiếm 0,47% tổng số hộ dân); giảm 1.430 hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 36 triệu đồng/ người/năm trở xuống (còn 2.254 hộ, chiếm 11,71% số hộ dân); giảm 1.145 hộ cận nghèo có thu nhập bình quân trên 36 - 46 triệu đồng/người/năm (còn 2.903 hộ, chiếm 15,08% tổng số hộ dân).

h-ong-hong-cg.jpg
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng nêu nhiều thách thức kéo giảm các chỉ số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Tuy nhiên, ông Hồng cũng cho biết, bên cạnh sự tích cực hưởng ứng của hộ nghèo, hộ cận nghèo tự giác chung tay cùng chính quyền để chí thú lao động, vẫn còn tình trạng thành viên hộ nghèo trong độ tuổi lao động đủ sức khỏe, chưa có tinh thần tự giác, cần cù lao động để nâng thu nhập mà còn trông chờ vào sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội; tâm lý ngán ngại đi tìm việc làm xa ngoài địa bàn huyện.

“Việc giảm các chiều thiếu hụt xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo về các chỉ số đào tạo nghề, trình độ giáo dục người lớn, bảo hiểm xã hội, nhà ở còn gặp nhiều khó khăn”, ông Hồng đánh giá.

Về xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch huyện Cần Giờ cho biết, qua 2,5 năm triển khai thực hiện, diện mạo của Huyện đã có sự thay đổi, huyện đã tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tập trung rà soát, đề xuất danh mục đầu tư công trình cơ sở hạ tầng với 418 dự án/ tổng mức đầu tư 10.705,542 tỷ đồng.

Dù vậy, do TP mới ban hành bộ tiêu chí huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vào ngày 16/6/2023 nên huyện đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND xã, thị trấn và các phòng ban chuyên môn triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn.

“Danh mục đầu tư các công trình phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Huyện giai đoạn 2021-2025 chưa được phê duyệt; gây ra nhiều khó khăn, áp lực thời gian về đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành các công trình khi được phê duyệt. Đồng thời, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chưa có nhiều chính sách thu hút người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... tích cực tham gia”, ông Hồng thông tin.

Chương trình mục tiêu quốc gia: Cần thực chất, tránh chạy theo thành tích

Quá trình giám sát, đoàn ĐBQH TP.HCM và các sở ban ngành TP tham gia đã cập nhật những thông tin liên quan và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, sâu sát về hoạt động của các địa phương.

h-ba-tuyet-dbqh.jpg
Phó trường Đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết mong rằng các địa phương triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đi vào thực chất, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.

Nhận định về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Phó trường Đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết nhận định, UBND các quận, huyện cần “lấy yếu tố thực chất là yếu tố đầu tiên, không chạy theo thành tích”; không chỉ quan tâm các hộ nghèo, cận nghèo, mà cần phải rà soát và có giải pháp để hỗ trợ các hộ vừa thoát nghèo một cách bền vững.

Bên cạnh đó, Đại biểu cho rằng các địa phương cần làm rõ các mô hình thành công khi thực hiện các chương trình và có giải pháp nhân rộng ra, đồng thời, các đề xuất, kiến nghị cần cụ thể, sát thực với thực tiễn, làm sao để đạt được kết quả cuối cùng và quan trọng nhất là nâng cao thứ nhập, đời sống người dân.

Đại biểu cũng nhấn mạnh cần chủ động khai thác hết nguồn lực để hỗ trợ cho hộ nghèo với chính sách linh hoạt; việc học cho các trẻ em, học sinh, sinh viên cần được quan tâm hơn; duy trì BHYT, duy trì vốn vay để giảm nghèo bền vững; nắm sát tình hình và hỗ trợ kịp thời các hộ dân khó khăn để họ không rơi vào diện hộ nghèo, tái nghèo, v.v…

Đợt này, trọng tâm của Đoàn giám sát gồm về mục tiêu, nguyên tắc, nội dung, nguồn lực, địa bàn; chỉ đạo, điều hành, quản lý, cơ chế phối hợp, lồng ghép đối với các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương; việc xây dựng, ban hành và nội dung các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách, lồng ghép phối hợp để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương; đánh giá kết quả đạt được giữa kỳ, những vướng mắc và nguyên nhân hạn chế trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm các thành phần dự án, tiểu dự án chính sách…

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH TP xem xét, đánh giá việc triển khai, thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia và trên cơ sở đó, có các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với các cơ quan chức năng.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM, trong năm 2022, TP giảm số lượng hộ nghèo xuống hơn 16.100 hộ (giảm 0,64%) và giảm số lượng hộ cận nghèo xuống hơn 9.700 hộ (giảm 0,38%). Kết thúc năm, tổng số hộ nghèo trên địa bàn TP còn hơn 21.300 hộ (chiếm 0,84%) và tổng số hộ cận nghèo là 18.068 hộ (chiếm 0,71% tổng số hộ dân TP).

Vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,35%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,2%/năm. Đến cuối năm 2025, TP.HCM hy vọng sẽ không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia và chỉ còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn của TP. Tổng kinh phí thực hiện chương trình được dự kiến là 15.144 tỷ đồng, trong đó có bổ sung mới 7.873 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025.

Trong năm 2023, TP sẽ cố gắng giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố xuống 0,38% và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo xuống 0,28% trong giai đoạn 2021-2025.

TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, bao gồm: chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho vay vốn; chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm; chính sách hỗ trợ dinh dưỡng và sức khỏe; chính sách bảo hiểm y tế và xã hội; hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng khó khăn như học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số và trẻ em mẫu giáo; chính sách hỗ trợ nhà ở.

Ngoài ra, TP.HCM còn có nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội khác như: trợ cấp khó khăn, hỗ trợ hỏa táng phí, cung cấp nguồn nước sinh hoạt an toàn, hỗ trợ tiền điện, chăm lo Tết cho hộ nghèo và hộ cận nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo bền vững cần lấy yếu tố thực chất làm đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO