Trên vườn điều, mối là loài côn trùng chứa đựng mối nguy “thường trực” và tiềm ẩn. Một số vườn điều trong 3 năm sau trồng bị chết nhiều là do bị mối ăn mất rễ và hút hết dịch cây. Những vườn điều thời kỳ cho trái mà nhiều mối thường giảm năng suất!. Vào thời điểm dông gió lớn, khi một cây, cành bị bẻ gãy thường thấy bọng thân cây và hiện diện rất nhiều mối bên trong. Những vườn điều lớn tuổi, cây thưa, khi bị mối tấn công gió lớn dễ gãy và thường để lại những khoảng trống về mật độ và mất đi vĩnh viễn một phần sản lượng.
Các loài mối thường gặp trên vườn điều gồm mối đất (territidae), tạo bọng rỗng dưới đất rồi dùng bã gỗ nhuyễn trộn nước miếng làm hệ thống đường hầm, xây tổ. Mối sữa (coptotermes formosanus shir) có tổ nằm sâu dưới đất và đắp đường mui trên cây, làm tổ trên thân cây. Mối gỗ (cryptotermes) làm tổ và sinh sống trong vật liệu gỗ.
Nhìn chung, các loài mối thuộc nhóm côn trùng miệng nhai, ăn xác thực vật hoai mục, bán hoai mục như thân, lá cây khô, rễ cây chết. Trong trường mối chỉ đắp hầm để di chuyển bên ngoài thân cây, tưởng như vô hại trong khi chúng lại ăn phần lõi gỗ khô trong thân cây một cách từ từ, bắt đầu từ vị trí hoại tử đầu đoạn cành bị xén, vết thương trên thân cây. Nhất loạt vào mùa khô mối cắn rễ, vỏ thân cây để hút nước, nhựa cây dùng cho sinh hoạt”.
Môi trường sống của mối ở nơi không có ánh sáng. Mối đã xây nhiều “thành phố” ngầm và tối trong đất. Chỉ đêm đến và khi có điều kiện thích hợp mới lên khỏi mặt đất ban ngày dưới đống lá, đống củi cành hay cây to gãy đổ...”. Chúng cũng thích đắp những đường hầm (mui) kín đáo từ đất và đắp những ổ to đùng, đen sì trên thân cành cây. Bạn thử lấy đoạn cây gạt, phá một đoạn đường hầm này, chỗ đường hầm bị phá vẫn nguyên trạng từ sáng đến tối, nhưng sáng hôm sau đã được mối đắp mới lại.
Loài mối có tốc độ nhân mật số và nhân đàn rất nhanh rất nhanh. Giai đoạn đầu mùa mưa đồng thời là mùa giao hoan của mối. Mối có cánh chui ra khỏi tổ cất cánh lần đầu nhập cuộc tìm kiếm bạn tình. Sau khi bị rơi trở lại mặt đất chúng cặp đôi (bị rụng cánh) và xong việc giao hoan là một gia đình mối mới, một tổ mối mới được thiết lập với biên chế gồm một mối chúa chuyên đẻ, một số mối vua (mối đực) chuyên cận kề mối chúa; một nhóm mối lính hàm lớn và khỏe, cú táp siêu thanh (70,4 m/s – tính trên khoảng mở kẹp hàm 1,76 mm, chúng còn có tuyến hàm tiết ra dịch nhũ trắng làm tê liệt đối phương) với chức năng tấn công kẻ lạ mặt; mối thợ chiếm 70-80% trong đàn mối, gánh vác mọi công việc như hút nước, làm đường, xây tổ, chuyển trứng, mớm nuôi mối lính và mối non.
Vài năm đầu mối chúa đẻ từ vài chục đến cỡ trăm trứng mỗi ngày. Càng lớn mối chúa đẻ nhiều đến cấp số nhân. Một mối chúa trên 5 năm tuổi mỗi ngày có thể cho ra đời vài trăm, thậm chí vài ngàn trứng. Thành ra một tổ mối lớn có thể là tập đoàn lớn về quân số, ở một thời điểm có đến vài triệu cá thể, có mặt khắp mọi nơi trên vườn, sức phá hoại sức khỏe cây trồng mỗi ngày càng thêm nặng.
Việc diệt mối lâu nay đã nhận được nhiều khuyến cáo, tuy nhiên diệt mối dứt điểm bằng phương pháp vi sinh, thông qua gây nhiễm độc một số mối rồi tự chúng gây độc lẫn nhau mà chết đến con cuối cùng của đàn, được cho là hiệu quả, bền vững và phù hợp với tiếu chí an toàn thực phẩm.
Công việc cụ thể diệt mối bằng phương pháp vi sinh là đặt bả mồi có chứa độc chất (với mối) vào nơi có ổ mối. Từ đây các cá thể mối bảo vệ, mối thợ... ăn phải bả, nhiễm độc và sau đó truyền cho các con mối khác bằng cách bôi nước miếng chứa chất độc hoặc “dính” chất độc từ mối đã trúng độc.
Vào tháng thu hoạch hạt điều, khi lá khô trên vườn bị gom đốt, dấu vết mối bị xóa hết thì rất khó phát hiện vì mối ẩn mình trong hang ổ dưới mặt đất.
Nhưng cuối mùa thu hoạch điều năm nay lại có nhiều hơn những trận mưa trái mùa. Đây là lúc phát hiện dễ dàng hơn về sự hiện diện của ổ mối để đặt bả tiêu diệt mối. Những ổ mối trên cây có đường nối xuống đất và những ụn/gò mối chắc chắn là hang ổ của chúng. Tổ mối mới được phát hiện nhờ những ụ đất mới được đùn lên. Dấu hiệu khác là mật số mối hiện diện dưới những cây, cành, đống lá khô đang mục. Trên các gốc cây, mối mang đất trộn với nước bọt lên đắp, tạo ra những đường hầm màu đất mới. Vào ban đêm trời tối mối hoạt động mạnh; trên vườn khi còn đầy lá khô có thể nhận biết tiếng mối nhai gỗ, nhai lá rào rào khá rõ. Soi đèn pin, lật đống lá có thể bắt gặp hàng đàn mối.
Tiêu diệt các tổ mối bằng phương pháp sinh học rất đơn giản thông qua việc đặt gói/hộp mồi như giấy báo, cartol, dăm bào, vụn cây không có dầu khô... (càng cũ càng hít mối tới ăn) đã trộn thuốc diệt mối, trong đó thành phần natri florua silicat (Na2SiF3), axit boric (HBO5), đồng sunfat (CuSO4) và bọc kín lại bằng carton.
Sau khi những cá thể mối ăn cartol, giấy, dăm bào, mảnh cây khô, gổ mục, cỏ rác có trộn thuốc, bốn năm ngày sau đó mối ăn bả sẽ bị hư đường ruột mà chết. Do tập tính thu gom xác đồng bọn bằng cách dùng hàm kẹp xác mang về “nghĩa trang”, mối khỏe lại bị nhiễm thuốc mà chết. Cứ như thế đàn mối sẽ chết một cách kế tiếp cho đến cá thể cuối cùng và mục đích loại bỏ nguyên tổ mối được thực hiện.
Cách đặt bả vô cùng đơn giản, có thể dùng cuốc, thuổng tạo hang, lỗ tại khu vực nghi có ổ mối, đưa vào và lấp kín, thậm chí bạn dùng mũi khoan tạo lỗ đưa bả vào bọng cây có chứa ổ mối mà không phải cưa bỏ cây.
Các chuyên gia khoa học về lĩnh vực côn trùng diệt mối khuyên rằng để đạt mức chi phí thấp nhất trong việc diệt mối, nên dùng phương pháp sinh học. Để diệt một ổ mối chỉ cần dùng một liều rất nhỏ thuốc và chỉ một bả mồi. Tuy nhiên nhiều “thành phố” mối – một bầy, có mối chúa đng sung sức (tuổi 5-10) to bằng ngón tay cái, có độ lớn hệ thống hang động bằng nửa quả đồi, có “dân số” triệu triệu cá thể mối, nên đặt bả mồi lớn và số bả cần thiết giúp lây lan ra hết bầy mối.