Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” tháng 10/2024: Điều trị các bệnh lý đau ở người cao tuổi
Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” tháng 10/2024 sẽ tiếp tục được tổ chức với chủ đề “Điều trị các bệnh lý đau ở người cao tuổi” nhằm lan tỏa tri thức y khoa bổ ích, tư vấn phòng chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Chương trình do Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến - hưu trí Quận 10 tổ chức với sự đồng hành của Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM. Sự kiện sẽ được diễn ra vào lúc 08 giờ – 10 giờ sáng ngày 05/10/2024 (Thứ Bảy) tại hội trường Tòa nhà Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến, hưu trí Quận 10 (TT20 Tam Đảo, Phường 15, Quận 10, TP.HCM).
Người già thường gặp nhiều loại đau khác nhau
Tham gia chương trình, BS.CKI Bùi Đức Lượng - Khoa Điều trị Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn thuộc hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO sẽ báo cáo chủ đề “Điều trị các bệnh lý đau ở người cao tuổi”.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông trước chương trình, BS.CKI Bùi Đức Lượng cho biết, người già thường gặp nhiều loại đau khác nhau do quá trình lão hóa và các bệnh lý đi kèm. Trong đó, một số bệnh gây đau phổ biến: Viêm khớp - đây là tình trạng viêm tại các khớp, gây đau và cứng các khớp, trong đó, viêm khớp dạng thấp và viêm khớp do thoái hóa là hai bệnh phổ biến nhất; Loãng xương - bệnh làm giảm mật độ xương, dẫn đến đau nhức trong xương và tăng nguy cơ gãy xương; Đau cột sống cổ, thắt lưng mạn tính và đau thần kinh tọa thường do thoái hóa cột sống, đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm; Đau do thần kinh: có thể xảy ra do tổn thương, viêm dây thần kinh, thường gặp ở người bị tiểu đường.
BS.CKI Bùi Đức Lượng cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh lý đau ở người cao tuổi gồm: Lão hóa tự nhiên: thoái hóa khớp và xương là hiện tượng bình thường khi tuổi tác tăng cao; Chấn thương cũ: các tai nạn hoặc té ngã trong quá khứ có thể để lại di chứng đau kéo dài; Bệnh lý mãn tính: tiểu đường, bệnh tim mạch và các bệnh mãn tính khác có thể làm tăng nguy cơ đau.
Bên cạnh đó, thiếu vận động, giảm hoạt động thể chất do tuổi tác có thể làm yếu cơ, giảm sức bền và tăng đau nhức xương khớp ở người cao tuổi. Thói quen sinh hoạt không tốt, như: chế độ ăn uống không cân đối, hút thuốc và uống rượu cũng là yếu tố góp phần gây bệnh.
Điều trị và phòng tránh các bệnh lý đau ở người cao tuổi
Về cách điều trị bệnh, BS.CKI Bùi Đức Lượng cho biết, tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên môn chỉ định điều trị. Trong đó, có 3 phương pháp: dùng thuốc, vật lý trị liệu và điều trị can thiệp.
“Đối với dùng thuốc, bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen (+/- phối hợp với codein hay tramadol), kháng viêm NSAIDs, giãn cơ. Trong một số trường hợp, có thể cần dùng thêm thuốc an thần, chống trầm cảm 3 vòng, các thuốc giảm đau thần kinh. Quan trọng nhất vẫn là tìm và điều trị các nguyên nhân, bệnh nền gây đau. Đối với phương pháp vật lý trị liệu, các bài tập tăng cường cơ bắp và linh hoạt khớp có thể giúp tăng cường lưu thông máu, giảm đau. Sử dụng các thiết bị hỗ trợ như: siêu âm, sóng ngắn, sóng xung kích, điện trị liệu… trong từng trường hợp cụ thể.Ngoài ra, bệnh nhân có thể điều trị can thiệp: Tiêm corticosteroid giảm đau hoặc phẫu thuật có thể được xem xét trong trường hợp cần thiết”, BS.CKI Bùi Đức Lượng chia sẻ.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, BS.CKI Bùi Đức Lượng cũng khuyến cáo người cao tuổi cần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bản thân: Có chế độ ăn uống lành mạnh: bổ sung canxi và vitamin D để duy trì sức khỏe xương, đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh trái cây tăng sức đề kháng tránh các thức ăn không tốt: nhiều đầu mỡ, thức ăn nhanh, nhiều muối…; Tập luyện thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng phù hợp: các hoạt động như đi bộ, yoga, đạp xe và bơi lội tùy theo sức khỏe giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm đau; Thói quen sống tốt: ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng, lạc quan là cần thiết để duy trì sức khỏe, tuổi thọ; Kiểm tra sức khỏe định kỳ: giúp phát hiện và điều trị sớm các nguyên nhân gây đau, các bệnh lý nền kịp thời.
“Vui khỏe mỗi ngày” có chủ đề rất hữu ích, sát thực cho người cao tuổi
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông, bà Trần Nguyệt Ánh (70 tuổi) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến - hưu trí Quận 10 cho biết, chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” có chủ đề rất hữu ích, sát thực cho người cao tuổi. Quan tâm, theo dõi nhiều chương trình do Tạp chí Khoa học phổ thông tổ chức, bà Trần Nguyệt Ánh nhận định, “Vui khỏe mỗi ngày” lan tỏa nhiều kiến thức phòng chữa bệnh, rất tốt cho cộng đồng.
“Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến - hưu trí Quận 10 của chúng tôi quy tụ nhiều người cao tuổi là thương bệnh binh, những người đã từng tham gia kháng chiến và những người đã về hưu. Ở tuổi đã cao, chúng tôi thường mắc nhiều loại bệnh, trong đó hay bị đau cơ, đau đầu, đau xương khớp,… Nhiều khi, cơ thể bị đau nhức tứ tung mà không phân biệt được, không biết nguyên nhân vì sao. Câu lạc bộ chúng tôi thường tổ chức sinh hoạt tư vấn sức khỏe theo định kỳ nhưng lần này, được gặp bác sĩ chuyên khoa và được tư vấn trực tiếp nên chúng tôi cảm thấy rất háo hức mong đợi”, bà Trần Nguyệt Ánh chia sẻ.
Bà Trần Nguyệt Ánh cũng cho biết thêm, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến - hưu trí Quận 10 có rất đông hội viên nhưng hiện có trên 300 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Dự kiến, số hội viên này sẽ tham gia đông đủ chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” vào ngày 5/10.
Chương trình “Vui khỏe mỗi ngày với các bệnh lý thường gặp” là một sáng kiến vì sức khỏe cộng đồng do Tạp chí Khoa học phổ thông khởi xướng, được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần nhằm mục đích nâng cao kiến thức phòng tránh các bệnh lý thường gặp đối với người dân.