Chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương tác động nhiều đến các nước trong và ngoài khu vực
Theo Tiến sĩ Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á – Thái Bình Dương ảnh hưởng nhiều đến các nước bên trong và ngoài khu vực trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, môi trường...
Sáng 19/10, tại Trường Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra khai mạc Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á – Thái Bình Dương - Ảnh hưởng đối với chính sách của các đối tác kinh tế bên trong và bên ngoài khu vực trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, môi trường”
Hội thảo do Trường Đại học Luật TP.HCM và Đại học Tours (Pháp) phối hợp tổ chức với sự tham gia của hơn 20 chuyên gia quốc tế và hơn 250 các chuyên gia, giảng viên, học viên, sinh viên trong nước tham gia theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương nắm giữ vị trí địa - chính trị chiến lược, vì vậy, từ vài thập kỷ nay, châu Á – Thái Bình Dương trở thành điểm đích của chiến lược xoay trục của nhiều quốc gia lớn nhỏ trên thế giới. Các chiến lược này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, mà còn được thiết kế dựa trên những tính toán ở nhiều phương diện khác, trong đó có ngoại giao, chính trị.
Chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương, với nhiều khía cạnh, phương diện như vậy, đã, đang và sẽ chi phối, ảnh hưởng đến chính sách và luật của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Đặc biệt, để thực thi chiến lược đó, một mạng lưới dày đặc và rộng lớn các hiệp định tự do hóa thương mại, bảo hộ đầu tư được ký kết giữa các đối tác trong khu vực với nhau, giữa các đối tác trong khu vực với các đối tác bên ngoài khu vực. Trong mạng lưới đó, có những hiệp định quan trọng mang tính chất toàn cầu nhưng cũng có nhiều hiệp định song phương với quy mô tương đối nhỏ.
"Là những chuyên gia về luật, kinh tế, chính sách công, những nhà ngoại giao, chính trị, nhiệm vụ của chúng ta là phải nhìn thấu mạng lưới dày đặc ấy, nắm được điểm mấu chốt, quy luật, đặc trưng của các hiệp định. Chúng ta cũng phải trả lời được câu hỏi quan trọng là: Các hiệp định ấy và việc thực thi hiệp định đóng góp thế nào cho mục tiêu bảo đảm an ninh, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế, gìn giữ môi trường, bảo vệ quyền con người ở tầm mức quốc gia, khu vực và thế giới, bảo đảm công bằng, hỗ trợ những quốc gia đang phát triển?" - Tiến sĩ Lê Trường Sơn nhấn mạnh.
Đồng thời, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM đưa ra đề nghị, làm thế nào để các hiệp định ấy không chỉ là những tờ giấy dày đặc những câu chữ phức tạp mà ít người biết đến; để việc thực thi hiệp định đi sâu vào đời sống, hiệp định được áp dụng hiệu quả nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, bảo vệ quyền của những con người yếu thế? Bởi, suy cho cùng, hiệp định chỉ là công cụ do con người chúng ta tạo ra và nó phải góp phần làm cho thế giới của chúng ta phát triển theo hướng tốt đẹp hơn.
“Để giải quyết những câu hỏi đó, chúng ta cần những chuỗi hội thảo, chứ không phải chỉ một hội thảo và với năng lượng dồi dào của địa thế nơi tổ chức, với trí tuệ và nhiệt tình của các nhà khoa học, sự chung tay của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong và ngoài nước, sự đồng lòng hỗ trợ của các cấp chính quyền - cơ quan nhà nước – tổ chức quốc tế - cộng đồng doanh nhân – và ê kip làm việc của Trường Đại học Luật TP.HCM, chúng ta sẽ giải quyết được phần nào đề bài đặt ra cho hội thảo” - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/10, với 8 phiên trình bày, thảo luận của các học giả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và cố vấn pháp lý phân tích về các vấn đề pháp lý – kinh tế liên quan đến ảnh hưởng của sức hút từ châu Á - Thái Bình Dương đến chính sách kinh tế được thiết lập trong khu vực, chính sách kinh tế và luật của các cường quốc trước ảnh hưởng của sức hút từ châu Á - Thái Bình Dương và chiến lược kinh tế của các cường quốc châu Á – Thái Bình Dương trên các lục địa khác...