Chén rượu vui Xuân
Từ bao đời nay, chén rượu Xuân đã trở thành nét văn hóa của nhân loại nói chung và của người Việt Nam nói riêng
Ở Việt Nam, văn hóa uống rượu rất đa dạng và phong phú, mang đặc tính vùng miền rõ rệt, ví dụ người miền xuôi uống rượu bằng chén, người miền núi uống bằng bát.
Các loại rượu cũng khác nhau theo từng dân tộc, theo từng địa danh và hầu hết đều có những truyền thuyết để mô tả xuất xứ của loại rượu đó. Phong cách uống rượu cũng rất khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện sinh hoạt, sản xuất.
Tục uống rượu phát triển thành văn hóa với đặc thù vùng miền
Theo sử sách ghi lại, rượu xuất hiện ở Việt Nam từ buổi bình minh của đất nước. Sách Lĩnh Nam chích quái viết: “Buổi mới dựng nước, đồ ăn của dân chưa đủ. Lấy vỏ cây làm áo, dệt cói làm chiếu, lấy hèm làm rượu gạo, lất bột quang lang làm bánh, lấy thịt chim muông làm mắm, lấy gừng làm muối…”.
Trải qua quá trình lịch sử, tục uống rượu phát triển thành văn hóa với đặc thù các vùng miền khác nhau, phản ánh thói quen, phong tục, bản sắc của địa phương, góp phần tạo nên giá trị cho rượu.
Uống rượu có văn hóa và điều độ còn tốt cho sức khỏe. “Hải Thượng Lãn Ông” Lê Hữu Trác từng dạy rằng: “Bán dạ tam bôi tửu/Bình minh nhất trản trà/Nhật nhật ư như thử/Lương y bất đáo gia” (Tạm dịch: Buổi tối uống ba chén rượu/Sáng ra uống ấm trà/Ngày nào cũng như vậy/Thầy thuốc khỏi đến nhà).
Chính vì vậy ở góc độ giữ gìn sức khỏe, đầu xuân nhiệt độ dao động nhanh, không khí khô hanh, chức năng miễn dịch và phòng vệ của cơ thể suy giảm, uống rượu đúng cách có thể thúc đẩy tuần hoàn khí huyết, nâng khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, phải sử dụng có chừng mực, đúng cách để phát huy hết tác dụng của rượu thuốc và tránh gây hại cho cơ thể con người.
Bản thân rượu đã là thuốc, có công hiệu thông huyết mạch làm cho ruột và dạ dày nhuận lên, nhuận làn da, trừ hàn khí, tăng thế mạnh của thuốc.
Các vị thuốc y học cổ truyền phổ biến kết hợp với rượu
Thuốc bổ khí: Là những thuốc có tác dụng nâng cao sức lực, tăng cường chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Theo Y học cổ truyền, khí của Tỳ và Phế là 2 nguồn khí cơ bản quan trọng nhất trong cơ thể, do đó thuốc bổ khí chủ yếu là bổ 2 tạng này.
- Nhân sâm (Radix Ginseng): Chống mệt mỏi, tăng sức lao động trí óc và chân tay, tăng cường khả năng thực bào của hệ thống võng nội mô, tăng chuyển hóa lympho bào, tăng globulin IgM, qua đó tăng tính miễn dịch. Những bệnh nhân bị hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) sử dụng nhân sâm rất tốt
- Hoàng ky (Radix Astragali): Thúc đẩy quá trình chuyển hóa trong cơ thể, trong đó có quá trình chuyển hóa protid của huyết thanh và gan. Nước sắc hoàng kỳ làm tăng khả năng thực bào của hệ thống tế bào lưới, số lượng IgM, IgE và cAMP trong máu tăng. Thúc đẩy sự hình thành kháng thể và nâng cao tính miễn dịch thể dịch
- Sâm tam thất (Panax notoginseng): Chống mệt mỏi, tăng khả năng lao động, có tác dụng tăng miễn dịch của cơ thể
- Linh chi (Canoderma japonicum): Tăng cường miễn dịch cơ thể, ngoài ra còn có tác dụng ức chế tế bào ung thư.
Thuốc bổ dương: Làm tăng cường dương khí trong cơ thể, thúc đẩy chức năng khí hóa trong các phủ tạng. Các loại thuốc có tác dụng điều chỉnh chức năng vỏ thượng thận, tăng sản nhiệt, tăng cường chức năng sinh dục và tăng sức đề kháng của cơ thể.
- Dâm dương hoắc (Herba Epimedii): Có tác dụng điều tiết và tăng sức đề kháng của cơ thể đã bị suy giảm, có tác dụng kháng virus.
- Đỗ trọng (Cortex Eucommiae): Tăng cường miễn dịch cơ thể.
Thuốc bổ huyết: Dùng trị chứng huyết hư như sắc mặt nhợt, hoa mắt, chóng mặt, hay quên, hồi hộp, mất ngủ; còn dùng để cải thiện trạng thái dinh dưỡng của cơ thể. Huyết trong cơ thể có liên quan mật thiết đến 3 tạng là Tâm, Can và Tỳ.
- Đương qui (Radix Angelicae Sinensis): Làm tăng chức năng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể, tăng khả năng thực bào của đại thực bào, thúc đẩy sự chuyển dạng lympho bào.
- Hà thủ ô (Streptocaulon juventas): Có tác dụng tăng miễn dịch và ức chế tế bào ung thư.
- Câu kỷ tử (Fructus Lycii Chinensis) có tác dụng nâng cao khả năng thực bào của đại thực bào, tăng số lượng và hiệu giá của kháng thể. Ngoài ra còn có tác dụng ức chế tế bào ung thư.
Thuốc bổ âm: Là thuốc có tác dụng tư bổ âm dịch, sinh tân nhuận táo, trị táo bón. Các biểu hiện của âm hư là bệnh nhiễm khuẩn mạn tính, cơ thể suy mòn hư nhược, gầy yếu, da khô, lòng bàn tay chân nóng, cảm giác nóng trong người, hay sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, môi khô, lưỡi đỏ…
- Hoàng tinh (Rhizoma Polygonati): Thúc đẩy sự tổng hợp DNA, RNA và Protid. Polysaccarit của hoàng tinh làm tăng chuyển dạng lympho bào. Có tác dụng kháng khuẩn, đặc biệt đối với trực khuẩn lao, ức chế nhiều loại nấm gây bệnh, nên có tác dụng tốt đối với những bệnh nhân nhiễm HIV có kèm bệnh lao cơ hội.
- Nữ trinh tử (Fructus Ligustri Lucidi): Làm tăng chuyển dạng lympho bào và tăng bạch cầu.
- Miết giáp (Mai ba ba, Carapax Amydae sinensis): Có tác dụng ức chế sự tăng sinh của tổ chức liên kết, do đó có thể làm tiêu khối u, tăng protid huyết tương, nâng cao tính miễn dịch của cơ thể.
Rượu vang đỏ
Ngoài rượu thuốc, rượu vang cũng là một sự lựa chọn của các gia đình, đối tác, bạn bè vào các dịp lễ Tết. Rượu vang đỏ mang sắc đỏ tươi tắn tượng trưng cho sự may mắn tài lộc trong năm mới cùng với vẻ ngoài sang trọng và tinh tế.
Rượu vang đỏ tốt cho tim mạch vì nó chứa chất chống oxy hóa là polyphenol với khoảng 2000mg- 6000mg/1 lít rượu. Những polyphenol có hoạt tính sinh hoạt cao là flavonoid và resveratrol là những chất có tác dụng chống lại những gốc tự do và bảo vệ nội mạc động mạch, đồng thời những chất này cũng làm giãn mạch máu não để gây những ảnh hưởng tích cực lên lưu lượng máu và giảm thiểu nguy cơ tim mạch.
Resveratrol trong rượu vang đỏ có tác dụng giảm kích thước và tốc độ phân chia của LDL là một loại cholesterol xấu tích tụ trong mạch máu. Do đó, resveratrol cũng góp phần giảm cholesterol xấu, giảm khả năng xơ vữa động mạch.
Phytochemical trong rượu vang là chất có khả năng làm tăng lên HDL là một loại cholesterol tốt cho tim mạch chúng ta. HDL tăng lên sẽ giảm tình trạng xơ vữa động mạch xảy ra.
Chất flavonoid trong rượu vang đỏ có tác dụng ngăn ngừa quá trình hình thành những cục máu đông nên sẽ giảm được sự kết dính tiểu cầu – nguyên nhân hình thành huyết khối. Cơ chế này cũng làm giảm nguy cơ đột quỵ ở người. Tác dụng của chất này cũng tương tự như một loại thuốc chống đông được sử dụng trong điều trị tim mạch là Aspirin.
Nếu sử dụng hợp lý và đúng chỉ dẫn, rượu vang đỏ tốt cho tim mạch nhưng nếu quá liều sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch. Vì vậy cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng rượu vang, nhất là những đối tượng đang bị bệnh lý tim mạch.
Rượu bổ hay rượu chữa bệnh cần sử dụng có chừng mực, đúng liều lượng được hướng dẫn, không nên lạm dụng uống nhiều làm cho say xỉn. Thường mỗi ngày chỉ nên uống 30ml trước khi ăn hoặc trước khi đi ngủ. Như vậy, chén rượu ngày Xuân mang nhiều ý nghĩa của việc giao lưu, giao tình, giữa người với người làm hòa khí ngày xuân thêm phần đậm đà, tươi mới.
Lựa chọn rượu thuốc cần phải phù hợp với thể trạng bản thân. Người cao tuổi nên dùng rượu có tác dụng bổ cả khí và huyết. Y học cổ truyền cho rằng, người thân thể gầy yếu thường âm suy khí hư, dễ bị bốc hỏa, tổn tân dịch nên dùng rượu tư âm bổ huyết. Uống rượu, người trung niên và cao tuổi mới nên dùng vì khi còn trẻ uống rượu dễ làm tổn thương thận khí.