Cẩn thận khi bơm mực cho máy in 4 chức năng

THANH PHƯƠNG - thanhphuong10.1988@gmail.com| 27/07/2013 09:25

Máy in 4 chức năng (scan, photo, in mà u, in trắng đen) hiện nay đang được ưa chuộng để dùng trong gia đình vì đáp ứng các yêu cầu đa dạng của người dùng. Tuy nhiên, hạn chế của dòng máy in này là mực chính hãng để nạp mới khá mắc, bởi thế, nhiều người chọn giải pháp nạp “mực ngoài” (mực mua ngoài thị trường).

- Mực nạp làm hư kim phun?

Phần lớn các máy in 4 chức năng đều sử dụng công nghệ in phun, trên các trang web hoặc diễn đàn về máy in hoặc cách nạp mực vào máy in thường có ý kiến nói rằng mực nạp ngoài sẽ làm hư kim phun của máy. Ý kiến này làm “chùn tay” nhiều người sử dụng máy in phun. Sự thực không phải hoàn toàn như vậy. Kim phun của máy in không hề tồn tại, mà chỉ có kim phun ngay trên mặt của bình mực (kim phun của bình mực). Khi in, bộ phận truyền động sẽ di chuyển qua lại, phần mềm của máy in sẽ thực hiện việc điều khiển hộp mực (gắn trên bộ phận truyền động) và khi đến những chỗ cần in nó sẽ tác động lực để đẩy mực ra khỏi kim phun (trên bình mực) ngay trên những vị trí cần in trên giấy. Như vậy, thực tế thì khi nạp mực ngoài, nếu như chất lượng mực xấu có thể làm hư kim phun thì chỉ có thể hư kim phun trên bình mực, còn kim phun máy in không thể hư do nó không hề tồn tại. Trong trường hợp bạn mua bình mực mới chính hãng để dùng thì bình mực cũ sẽ không còn được sử dụng đến nữa. Như thế, thay vì vứt bỏ bình mực cũ, hãy nạp thêm một vài lần mực nữa để giúp tiết kiệm chi phí sử dụng máy in.

- Nạp mực phải có “nghề”?

Khi lên Internet tìm hiểu về cách nạp mực, bạn thường gặp nhiều lời khuyên dạng như “đừng tự ý nạp mực vì nếu không có “nghề” thì sẽ làm hư kim phun”, hoặc “không có kỹ năng thì bình mực nạp chỉ dùng được 2 - 3 lần, còn biết cách nạp, sẽ dùng được tới 10 lần”, v.v... Tất cả những thông tin dạng này không ngoài mục đích ngăn bạn tự ý nạp mực cho máy in và phải mang ra... tiệm. Một bình mực chính hãng sau khi sử dụng hết mực, bạn có thể nạp thêm một số lần nhất định và tùy theo chất lượng của mực nạp (chứ không phải kỹ năng nạp mực) mà kim phun của bình mực sẽ bị phá hủy dần dần và hư hỏng đến mức không thể in được. Khi ấy, bạn cần mua một bình mực chính hãng khác. Nguyên nhân làm hư kim phun trên bình mực có thể là rất khác nhau như chất lượng mực in không tốt, lẫn nhiều tạp chất, bị vón cục, bị phân lớp, dung môi trong mực có tính ăn mòn cao... nhưng tuyệt nhiên không bao giờ có nguyên nhân nào liên quan đến “tay nghề” của người nạp mực. Theo khảo sát của chúng tôi, mực nạp ngoài hiện nay có khá nhiều nhãn hiệu, trong đó giá cả dao động từ 60 - 80 ngàn cho loại mực đen và 80 - 100 ngàn cho mực màu. Một hộp mực như thế, nếu nạp khéo, bạn có thể nạp được 5 lần, còn nạp không khéo thì nạp được 3 - 4 lần. Còn nếu mang ra tiệm, tùy theo máy in mà giá dịch vụ dao động từ 50 - 100 ngàn cho một lần nạp.

Về phương pháp nạp mực vào máy, trong các hộp mực ngoài mà bạn mua đều có sẵn các hướng dẫn chi tiết bằng đủ các thứ tiếng, do đó, bạn không phải lo lắng về việc mình không biết làm như thế nào. Tùy theo từng loại hộp mực mà cách bơm có khác nhau nhưng nhìn chung có thể tóm lược lại thành các bước như sau:

- Bước 1: bạn gỡ hộp mực chính hãng (đã hết mực) trong máy in ra, lưu ý không được để để bản mạch đồng trên hộp mực chạm vào bất kỳ vật gì xung quanh để tránh làm trầy nó.

- Bước 2: dùng tay sờ nhẹ vào phần nắp phía trên bình mực để tìm các lỗ tròn, đây là những vị trí mà bạn sẽ dùng để bơm mực bổ sung vào phía trong bình mực.

- Bước 3: bạn mở hộp mực ngoài mới mua, bên trong có nhiều linh kiện khác nhau nhưng luôn luôn có 2 ống xi-lanh loại 25 ml chứa đầy mực và một xi-lanh nhỏ loại 3ml, kèm theo một kim tiêm loại to.

- Bước 4: bạn lấy kim khâu quần áo hoặc bất kỳ vật nhọn kích thước nhỏ, dùng kim này đâm vào các lỗ bên trên bình mực chính hãng. Sau khi tạo lỗ xong, bạn gắn kim tiêm đầu to vào trong xi lanh chứa sẵn mực rồi bơm vào các lỗ. Khi bơm, hãy thực hiện đều tay, khi mực trào ra ngoài thì dừng lại một lát để mực rút xuống rồi lại bơm tiếp. Sau khi bơm đầy (mực trào ra ngoài và không thể rút được) thì bạn ngừng bơm và bơm tiếp vào trong các lỗ còn lại. Đã có nhiều trường hợp người sử dụng sơ ý chỉ bơm vào một lỗ nên không thể in được. Lưu ý là khi tạo lỗ trên bình mực chính hãng trước khi bơm, bạn không nên sử dụng loại kim tiêm đầu to có sẵn vì rất khó đâm xuyên qua lớp plastic chắn trên các lỗ này, một số trường hợp đâm mạnh có thể làm toác miếng plastic này khiến mực dễ bị trào ra khi in.

Với các bình mực màu, cách thực hiện cũng tương tự, nhưng bạn cần tìm chính xác vị trí của từng khoang màu mực. Cách thực hiện đơn giản nhất là bạn dùng đầu kim tiêm đâm vào trong các lỗ rồi quét lên trên giấy để xem màu mực chứa trong các lỗ ấy, sau khi đã xác định được loại mực, bạn bơm mực cùng màu vào. Nếu bơm sai màu mực, kết quả bản in sẽ bị lệch đi rất nhiều.

- Khắc phục một số lỗi kỹ thuật:

Khi nạp mực, chắn chắn sẽ có lần bạn mắc phải một số lỗi nhất định. Sau đây là một số lỗi cơ bản do người làm hoặc do máy và cách khắc phục.

- Máy báo hết mực: sau khi nạp mực đầy và gắn bình mực vào, máy in nhận diện rằng đó là bình mực đã... hết. Lúc này, tùy theo loại máy, một số sẽ cho phép bạn vẫn có thể tiếp tục in với bình mực đầy cho dù máy in báo là đã hết mực. Trường hợp này, bạn không cần phải sửa chữa gì, nhưng bạn sẽ không biết chính xác lúc nào thì hết mực, nên cần phải theo dõi thường xuyên để khi hết thì hãy nạp thêm mực mới. Trường hợp thứ hai, bình mực nạp đầy, máy in báo mực đã đầy nhưng không cho in, nguyên nhân của hiện tượng này là do một số bình mực có gắn “chip nhớ”, khi hết mực, thông tin lưu trong chip và máy in đọc được các thông tin này sẽ không cho in tiếp. Muốn khắc phục, bạn ra ngoài các địa điểm bán mực hỏi mua chip reset lại bình mực là xong. Trường hợp thứ ba, máy in nhận diện bình mực đầy (hoặc không đầy) nhưng không cho in, lúc này, bạn cắm điện cho máy in, khởi động máy rồi chờ 3 phút để nó kích hoạt các cơ cấu truyền động, sau đó gỡ bình mực ra, rút nguồn máy in, chờ 3 phút và cắm nguồn điện, khởi động lại máy và đưa bình mực vào lại. Máy sẽ nhận diện được bình mực đầy và cho phép in.

- Mực bị trào: sau khi bơm mực đầy, bạn dùng giấy thấm lau các bản mạch đồng cho sạch mực trào ra. Lưu ý là khi bơm mực, bạn không nên bơm quá đầy (đến mức trào ra khỏi bình) mà chỉ bơm đến mức vừa đủ (dùng đầu kim tiêm để kiểm tra, tốt nhất nên cách mặt bình mực khoảng 3mm). Nếu bơm quá đầy, khi bình mực chuyển động trên cơ cấu truyền động, mực bên trong sẽ bị lắc và tràn ra ngoài. 99% người mới nạp mực lần đầu đều bị tình trạng này. Khi mực bị tràn ra, không nên hút lại để sử dụng mà phải thấm sạch rồi vất bỏ.

- Tráng bình mực: sau 2 lần nạp mực, để tăng tuổi thọ cho kim phun, bạn nên tráng bình để loại bỏ cặn bẩn. Trước tiên, hãy bọc bình mực vào trong bịch nilon rồi cho vào nước sôi 80°C trong khoảng 5 phút để làm ấm mực cặn. Tiếp đó dùng kim tiêm rút nước sôi 80°C bơm vào trong các bình mực cho đến khi đầy rồi lại rút nước ra. Thực hiện lặp lại cho đến khi nước rút ra không còn màu gì nữa là bạn đã tráng sạch bình. Bơm thêm nước một lần nữa rồi đặt bình mực lên giấy thấm để nước được rút ra theo kim phun. Sau 2 phút, bạn dùng kim tiêm rút sạch nước trong bình mực rồi nạp mực khác vào.

- Nạp sai mực màu: khi nạp sai mực màu, bản in sẽ bị lệch. Để khắc phục, bạn đánh dấu các khoang màu mực trên bình mực, sau đó dùng kim tiêm rút hết mực ra ngoài, thực hiện lại thao tác súc bình rồi bơm lại mực mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn thận khi bơm mực cho máy in 4 chức năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO