Thời gian qua, dư luận có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính nên đưa hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng (game online) khỏi danh mục các mặt hàng bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt trong dự thảo tờ trình Chính phủ. Thậm chí, cả Bộ TT&TT và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng ủng hộ quan điểm này và gửi văn bản tới Bộ Tài chính để xem xét, đánh giá lại.
Bộ Tài chính thực hiện lấy ý kiến và thu về kết quả gồm: 90 ý kiến nhất trí với đề xuất của Bộ và chỉ 10 ý kiến đề nghị cho rằng cần có nghiên cứu, đánh giá tác động thêm, bổ sung tính thuyết phục hơn hoặc không đưa game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong báo cáo tiếp thu của mình, Bộ Tài chính cho biết doanh thu của ngành game online đã tăng trưởng trong 3 năm: 7.581 tỷ đồng trong năm 2019, 11.486 tỷ đồng trong năm 2020 và dự kiến 12.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Studio phát triển game của một nhà phát hành nổi tiếng tại Việt Nam. Ảnh:Quỳnh Trần/Vnxpress
Đồng thời, Bộ Y tế và Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết game online có tác động tiêu cực đến người chơi, đặc biệt là thanh thiếu niên. Cụ thể những tác động gồm: Sức khỏe thể chất (thừa cân, béo phì; thị lực; cơ xương khớp) và sức khỏe tâm thần (tác động đến sự phát triển tư duy; rối loạn tâm thần; trầm cảm; gây nghiện; ảnh hưởng đến hệ thần kinh làm trẻ suy giảm sự tập trung và khả năng học tập...)
Bộ Tài chính cho rằng, việc đưa hoạt động kinh doanh game online vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết, giúp định hướng tiêu dùng, cũng như mở rộng nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước. Do vậy, Bộ Tài chính quyết giữ nguyên đề xuất.
Trước quan điểm của Bộ Tài chính, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc công ty VNG cho rằng, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game sẽ làm cho sự phát triển của toàn ngành ở Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng với mục tiêu "tăng ngân sách cho nhà nước" thì đã có nhiều bằng chứng từ các doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt không hẳn sẽ tăng được nguồn thu ngân sách do những tác động tiêu cực mà chính sách này mang lại.
Bên cạnh đó, với mục tiêu làm giảm tác hại của game online, người chơi có thể tiêu dùng sản phẩm game xuyên biên giới mà không cần ra khỏi nhà, không giống như rượu bia và thuốc lá, những sản phẩm buộc phải mua bởi các công ty trong nước.