Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam có nhiều ý kiến trái chiều

​​​​​​​Công Chương| 03/03/2023 14:11

Sau khi công bố tốp 100 trường đại học trong nước năm 2023, Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam (Viet Nam’s University Rankings - VNUR) đã nhận nhiều ý kiến trái chiều về thứ hạng và cách thu thập thông tin.

Đẳng cấp không đồng cùng thứ hạng

Theo thông tin từ ban tổ chức, VNUR ra đời sau hơn 2 năm nhóm nghiên cứu làm việc trong khuôn khổ hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận. Đây là bảng xếp hạng các trường đại học của Việt Nam đầu tiên được công bố trong lãnh thổ Việt Nam.

Bảng xếp hạng năm 2023 đã tiến hành rà soát tất cả 237 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thông qua việc xử lý dữ liệu thông tin lớn. Tổng cộng có 191 trường có đầy đủ số liệu để thực hiện xếp hạng.

Trong lần đầu công bố này có 10 cơ sở giáo dục đại học đạt số điểm đánh giá cao nhất lần lượt gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế. Chiếm ưu thế trong tốp 10 này là các Đại học bao gồm bên trong có nhiều trường Đại học. Điều này cũng có ý kiến cho rằng xếp hạng các Đại học chung với trường ĐH là không tương thích hạng cân với nhau.

Tốp 10 trường đại học đầu bảng do VNUR xếp hạng.

VNUR đánh giá trên tổng điểm 100, chia cho 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí quan trọng, đảm bảo sự đối sánh toàn diện và cân bằng nhất. Trong đó,  Sáu tiêu chuẩn dùng để xếp hạng với các tỉ trọng cụ thể gồm: Chất lượng được công nhận (30%), dạy học (25%), công bố bài báo khoa học (20%), nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế (10%), chất lượng người học (10%), cơ sở vật chất (5%).

Kết quả, tuổi đời trung bình của trường đại học để lọt vào top 100 là 34 năm, trường công lập chiếm đa số với tỷ lệ là 84%, trong khi đó các trường tư thục chỉ có tỷ lệ 16%. Các trường đại học có thứ hạng cao tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng (49%) và Đông Nam Bộ (31%). Ngoài ra, các trường đại học đa ngành có tỷ lệ áp đảo, song hầu hết trường đại học nhóm Sức khỏe có mặt trong top 100.

Tuy nhiên một điểm đáng chú ý là có một số trường đại học có tuổi đời thấp nhưng có thứ hạng cao như: Trường ĐH Thủ Dầu Một (13 năm, thứ hạng 15), Trường ĐH Thủ đô Hà Nội (8 năm, thứ hạng 34), Trường ĐH Phenikaa (4 năm, thứ hạng 41), Học viện Tòa án (7 năm, thứ hạng 93). Trong khi đó, một số trường có tuổi đời cao, song dường như có thứ hạng chưa tương xứng như: Trường ĐH Y Hà Nội (77 năm, thứ hạng 29), Trường đại học Y Dược TP.HCM (75 năm, thứ hạng 49), Trường ĐH Hải Phòng (63 năm, thứ hạng 78), Trường ĐH Lâm nghiệp (53 năm, thứ hạng 90).

Hiện nay, Luật Giáo dục Đại học mặc dù khuyến khích xếp hạng Đại học nhưng việc này phải được thực hiện bởi một tổ chức độc lập được công nhận. Bảng xếp hạng Đại học vừa công bố hoàn toàn không hợp pháp với pháp luật hiện hành của Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường ĐH nhất là trong công tác tuyển sinh...” - PGS.TS. Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Thu thập thông tin độc lập

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng), thành viên nhóm thực hiện Bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR), cho biết các thành viên đã bắt đầu ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu xây dựng Bảng xếp hạng cho đại học Việt Nam từ cuối năm 2020 và thu thập dữ liệu, xây dựng Bộ tiêu chuẩn vào đầu năm 2021. Để có được kết quả như hiện tại, VNUR đã tổ chức rất nhiều cuộc thảo luận nội bộ, thảo luận có mời chuyên gia và một hội thảo khoa học có sự tham gia của gần 30 chuyên gia trong lĩnh vực này từ các cơ quan và trường đại học.

“Dự kiến của VNUR là công bố vào cuối năm 2022, tuy nhiên chúng tôi cần thêm thời gian để hoàn chỉnh website và các thủ tục pháp lý cần thiết khác nên đến ngày 16/2/2023 mới quyết định “bấm nút” công bố” - ThS.Nguyễn Vinh San thông tin.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM học thực hành.

Một điểm đáng chú ý là VNUR làm việc độc lập trong xác định dữ liệu chứ không mời các trường đại học nộp dữ liệu. Theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, các bảng xếp hạng quốc tế cũng có nhiều cách thức thu thập dữ liệu. Trong đó, sử dụng các kết quả khảo sát, báo cáo của các trường đại học được nhiều bảng xếp hạng lựa chọn.

Tuy nhiên, với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, sự chủ động của các trường tham gia xếp hạng là rất khiêm tốn, vì vậy sẽ rất khó để có thể đi đến đích thành công nếu chờ vào báo cáo của các trường.

“Do đó, việc tổ chức các hoạt động khảo sát đánh giá rất nhiều lĩnh vực cho gần 250 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cũng vượt quá sức của VNUR hiện tại. Nhóm quyết định lựa chọn độc lập thu thập dữ liệu từ các nguồn thông tin tin cậy (đề án tuyển sinh, báo cáo công khai của các trường; dữ liệu quản lý của các Bộ chủ quản và WOS).

Thuận lợi của phương pháp này là không phụ thuộc vào các trường, phù hợp với năng lực đội ngũ của nhóm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm dữ liệu đầy đủ, nhập liệu và xử lý dữ liệu thô, việc này chiếm rất nhiều thời gian của các thành viên (có những dữ liệu phải đếm bằng tay). Chúng tôi phải rà soát dữ liệu nhiều lần để đảm bảo thông tin là chính xác nhất có thể...” - ThS. Nguyễn Vinh San cho biết.

Ý kiến trái chiều về tính chính xác của thông tin

Sau khi VNUR công bố tốp 100 trường đại học trong nước năm 2023 đã nhận nhiều ý kiến trái chiều, đồng tình lẫn phản đối...

PGS.TS.Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho rằng  VNUR với tổng điểm 100 dành cho 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí, mục tiêu nhằm đảm bảo được sự đối sánh toàn diện và cân bằng nhất. Trong 6 tiêu chuẩn dùng để xếp hạng với các tỉ trọng cụ thể gồm: Chất lượng được công nhận chiếm tỷ trọng 30%, Dạy học 25%, Công bố bài báo khoa học 20%, Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế 10%, Chất lượng người học 10% và Cơ sở vật chất 5%.

PGS.TS.Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng.

Những tiêu chí này phản ánh chất lượng của một trường đại học, tuy nhiên câu hỏi lớn đặt ra là bộ tiêu chí này đã tối ưu chưa? Theo đánh giá cá nhân tôi thì hiện tại chưa có bộ tiêu chí nào khác của Việt Nam tốt hơn bộ tiêu chí này...” - PGS.TS.Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.

Trong khi đó, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng VNUR công bố xếp hạng đại học do một số ít người không trọng trách kiểm định chất lượng. Số liệu để so sánh chỉ dựa vào thông tin đăng trên website của các trường thường là chưa được cập nhật hoặc khai không đúng nên kết quả xếp hạng không đáng tin cậy.

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Điều đáng lo ngại là Bảng xếp hạng được tung ra đúng vào mùa tuyển sinh, gây bức xúc cho nhiều trường ĐH có chỉ số tốt nhưng thứ hạng không cao, ảnh hưởng đến việc chọn lựa trường để đăng ký xét tuyển của thí sinh. Có thể nói khi nhìn vào Bảng xếp hạng này với một số trường bị thị trường lao động và cả xã hội đánh giá thấp (thậm chí các công ty còn chê, không tuyển sinh viên tốt nghiệp) nhưng vẫn được xếp hạng cao nên dư luận có quyền nghi ngờ các tiêu cực phía sau bảng xếp hạng này.

Thiết nghĩ trước khi công bố, những người làm ra bảng xếp hạng này cần thẩm định lại thông tin thu thập, đặc biệt là hỏi ý kiến các nhà tuyển dụng và các chuyên gia quản lý giáo dục....” - PGS.TS. Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm.

TS. Lê Văn Út, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu, Trường ĐH Văn Lang cho rằng cách tiếp thông tin và thu thập dữ liệu để xếp hạng của VNUR như thế là hợp lý, tính đến thời điểm này.

TS. Lê Văn Út (Trường ĐH Văn Lang).

“Một khi đã có xếp hạng thì bao giờ cũng có trường đại học này được xếp hạng cao hơn trường đại học kia và ngược lại, dù thống kê về mặt số liệu có thể cũng không lệch nhau nhiều. Tuy nhiên, việc xếp hạng cho các trường đại học lúc nào cũng cần thiết, vì đây là một kênh tham khảo rất bổ ích cho chính các đại học, sau đó là phụ huynh, học sinh và cả xã hội...” - TS. Lê Văn Út nhận định.

“Tôi nghĩ VNUR có thể xem xét 6 đề xuất sau. Thứ nhất, một số tiêu chí có thể làm tốt hơn như cần xem xét thêm về sự chồng chéo giữa các tiêu chí trong tiêu chuẩn 1, trong khi tiêu chuẩn này chiếm đến 30%.

Thứ hai, cần xem xét thêm giải pháp đánh giá chất lượng của các công bố WoS, thay vì chỉ cào bằng thông qua các chỉ số đo lường.

Thứ ba, việc sử dụng tiêu chí về đề tài nghiên cứu các cấp thì cũng cần xem xét sâu hơn về vai trò của đại học khi tham gia vào đề tài đó và trọng lượng về kinh phí được cấp cũng cần được xem xét.

Thứ tư, có thể không nên chỉ dừng lại ở số lượng bằng sáng chế mà nên xem xét thêm việc chuyển giao các bằng sáng chế đó.

Thứ năm, VNUR phải có chiến lược để tiếp tục duy trì với lộ trình dài hạn và với tinh thần “năm sau cao hơn năm trước”.

Thứ sáu, VNUR có thể xem xét khả năng tìm nguồn tại trợ độc lập với các đại học để có thể tồn tại và phát triển bền vững...” - TS. Lê Văn Út nêu ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam có nhiều ý kiến trái chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO