Bạn đọc

Xây dựng hàng rào bảo vệ thông tin cá nhân

Minh Phương 17/08/2023 07:15

Vừa xuống sân bay Nội Bài, tôi đã nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung: Nếu anh cần đón xe về Hà Nội, vui lòng liên hệ… 

Tôi cũng đã được mời mua bảo hiểm ô tô nhiều lần, và nhận cuộc gọi đề nghị: "Nghe nói anh có chiếc ô tô 4 chỗ, có muốn cho thuê không?". Một lần, khi tôi hỏi tại sao họ biết tôi có ô tô, người đó trả lời rằng: "Tôi lấy thông tin từ gara khi anh đến bảo dưỡng hoặc sửa chữa xe...".

Từ những con đường khác nhau, thông tin cá nhân của chúng ta đã lọt vào tay người khác (!)

project_76-04.jpg
Ảnh minh họa.

Xâm phạm tự do cá nhân tăng cao

Quyền tự do cá nhân đang được nâng cao, nhưng đồng thời cũng đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Các thiết bị ghi âm, ghi hình và trí tuệ nhân tạo đã làm lộ thông tin và hình ảnh riêng tư.

Một hoa hậu ngủ trên máy bay bị chụp và chia sẻ trên mạng xã hội, hoặc một bác sĩ bị phê phán vì hình ảnh khám bệnh bị lưu lại. Các trường hợp như vậy làm cho những thông tin và hình ảnh riêng tư bị công khai mà người liên quan không mong muốn.

Khoa học công nghệ đã biến nhiều người thành "chuyên gia" trong việc sử dụng công nghệ để câu like, view, trích dẫn hay chia sẻ thông tin một cách tùy tiện. Ngày trước, chỉ những người nổi tiếng hoặc người thân của họ mới được chú ý, nhưng hiện nay ai cũng có thể trở thành "nhân vật hot".

Một cô gái bán bánh tráng trộn trở nên nổi tiếng và gặp phiền toái sau khi được cộng đồng Facebook quảng bá. Hoặc một người dùng Facebook với tên "Thánh cô cô bóc" đã tung ra những thông tin riêng tư và chuyện hậu trường của nhiều người nổi tiếng, trong đó có những thông tin bịa đặt và gây hại đến danh dự và lợi ích của nhiều người.

Đáng chú ý là những thông tin chưa được kiểm chứng lại được người khác trích dẫn và bình luận, khiến sự việc lệch xa sự thật. Ngay cả việc tự bịa đặt một tình huống và "kéo" người khác vào câu chuyện của mình, khiến họ trở thành "nạn nhân" trong mớ bòng bong của sự thật và hư cấu, như việc một cô gái "sáng tác" câu chuyện về việc cô nhặt được một đứa trẻ là con của một tử tù. Thực tế đó là con anh ruột của cô này, nhằm câu view và bán hàng, nhưng đồng thời xâm phạm quyền riêng tư của nhiều người khác, đặc biệt là trẻ em...

Gần đây, nhiều youtuber đã khai thác đến cùng thông tin về nghệ sĩ cải lương Vũ Linh, đám tang và cuộc sống gia đình ông, thậm chí có người sử dụng mộ ông như "trụ sở" để quay các người đến viếng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và làm xáo trộn gia đình ông cũng như rất nhiều người khác.

Công nghệ đồng nghĩa với bị kiểm soát tự do?

Internet, mạng xã hội, và điện thoại thông minh đã trở thành công cụ kiểm soát tự do của nhiều người. Chẳng hạn, trên một số điện thoại, cuộc gọi từ số di động có thể tiết lộ địa phương của người gọi; điện thoại và máy tính bảng có tính năng định vị toàn cầu cung cấp thông tin vị trí của người dùng.

Trên Facebook, chức năng "gắn thẻ" (tag) có thể kéo người khác vào dòng thông tin của bạn bè nếu không bị chặn. Chức năng nhận diện cũng làm việc "gắn thẻ" trở nên dễ dàng và tự động, khiến một số người không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận thông tin từ bạn bè.

Sử dụng hình ảnh người khác mà không có sự cho phép trên mạng xã hội và các diễn đàn cũng là vi phạm quyền hình ảnh mà không phải ai cũng để ý. Ngoài ra, việc sử dụng các công cụ này mà thiếu hiểu biết có thể tiết lộ thông tin cá nhân như số điện thoại, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, email, tình trạng gia đình, hình ảnh riêng tư... và có thể bị người xấu lợi dụng với mục đích xấu. Công nghệ giúp ta tự do hơn, nhưng đồng thời cũng làm mất đi sự tự do; tức là tự do của một người trở nên “chồng lấn”, xâm phạm vào tự do của người khác.

Ngoài ra, các thiết bị nghe lén, xem trộm và các ứng dụng theo dõi, cùng với phần mềm "bẻ khóa" email, Zalo, Messenger... đã trở nên phổ biến, khiến bất kỳ ai có ít kiến thức về lĩnh vực này cũng có thể trở thành hacker. Những hacker này không chỉ đánh cắp thông tin cá nhân và xem trộm nội dung riêng tư của người khác, mà còn thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi tài chính và vật chất, gây hoang mang, lo lắng và sợ hãi cho những người liên quan.

Hạn chế tiết lộ thông tin của mình và người khác

Trong khi chờ đợi các quy định pháp luật chặt chẽ hơn về bảo vệ quyền tự do cá nhân và thông tin, mỗi người cần nắm vững kiến thức và ý thức tích cực về việc sử dụng internet, mạng xã hội. Đặc biệt, cần lưu ý về thông tin và hình ảnh cá nhân có thể bị lợi dụng và lạm dụng vì mục đích cá nhân hoặc trục lợi.

Để bảo mật, hãy sử dụng mật khẩu mạnh và thay đổi thường xuyên cho các trang cá nhân, cũng như hạn chế việc tiết lộ thông tin cá nhân và thông tin về người thân. Cần cẩn trọng khi tiếp nhận các yêu cầu hoặc đề nghị bất thường. Trên Facebook, tránh việc đăng thông tin cá nhân trên tường người khác, vì thông tin đó có thể công khai với một người nhưng lại là bí mật đối với người khác.

"Điều mình không muốn người khác làm, hãy không làm với người khác”. Khi chia sẻ nguồn, trích dẫn hoặc sao chép liên kết, chúng ta phải cẩn trọng và tránh tình huống biến chuyện nhỏ thành lớn, hoặc làm sai lệch và xuyên tạc bản chất sự việc. Đặc biệt, chúng ta cần tránh các sự việc có thể gây hại cho nhiều người và tạo ra dư luận xã hội nguy hiểm. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo và có lòng nhân văn, để không lạc lối trong thế giới ảo và không trở thành "anh hùng bàn phím" nhưng thực tế lại gây tổn hại cho người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hàng rào bảo vệ thông tin cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO