Viếng phủ Trịnh

Bài và ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG| 13/04/2015 18:17

(KHPT) Phủ Trịnh nằm ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngày xưa khu vực này rất rộng, là nơi các chúa ở, làm việc... Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, phủ Trịnh giờ đây chỉ còn lại một khu đất nhỏ. Trước phủ là cổng xây theo kiểu hiện giờ, cũng có ba cửa đóng kín. Bước vào bên trong, chúng tôi ấn tượng với bức tường gạch cao, sơn vàng, ngay các góc đều treo cờ đuôi nheo. Tính ra diện tích của phủ hiện giờ cũng khoảng cả ngàn mét vuông, nhưng bao quanh chủ yếu trồng các loại cây làm cảnh. Con đường vào phủ lót gạch vuông vức, hai bên là hàng rào cây xanh cắt lá gọn. Có một cái am nhỏ để đốt nhang phía phải, phía trái là tấm bảng thiết kế quy hoạch phủ Trịnh.

Chúng tôi bắt gặp một nền gạch khá rộng, những cây hoa sứ già vào mùa rụng lá, đó là hình ảnh vẫn thường thấy ở các đền thờ miền Bắc. Giữa sân còn lại hai con rùa đá quỳ chầu hai phía. Một tấm bia đá cao khoảng 4 m, rộng 2 m chắn ngay lối vào. Nghe nói tấm bia có từ thời các chúa Trịnh, nhưng vì gặp biến nên chưa kịp khắc chữ.

Trong căn nhà bên cạnh phủ, một người đàn ông giữ phủ chừng 70 tuổi, là hậu duệ họ Trịnh đang ngồi bên chiếc bàn nhỏ với bình trà, đang nhâm nhi ly trà, bên cạnh ông là tấm bảng viết bằng sơn với những dòng chữ không ngay hàng thẳng lối, đại ý kêu gọi đóng góp trùng tu phủ Trịnh. Thấy khách vào, ông mời uống trà, ngồi cùng ông bên những chiếc ghế nhựa nhỏ. Chúng tôi gợi ý muốn vào phủ thăm các chúa. Thế là ông vào trong nhà lấy một chiếc áo lam khoác vào.

Nơi thờ các vị chúa là một ngôi nhà ngói cổ 7 gian. Trên nóc có hai con rồng chầu ngọc, hai bên có hai trụ với hai câu đối bằng chữ Hán. Những tấm màn che phủ được vén ra, tượng các vị chúa Trịnh sơn son thếp vàng, trải bao năm màu sơn vẫn còn rực rỡ. Những cột gỗ của ngôi nhà là gỗ lim nên bền vững với thời gian, còn mái ngói dạng vảy cá thâm đen vẫn che được gió mưa cho một thời hưng thịnh. Ngay trung tâm phủ là tấm biển đề bốn chữ Hán "Tiên tổ thị vương", còn bao quanh là những câu đối. Đặc biệt, bức tượng lớn nhất, uy nghi nhất ngay trung tâm phủ của Triết vương Trịnh Tùng, là con thứ của Trịnh Kiểm. Ông là vị Chúa Trịnh đầu tiên trong lịch sử, bởi trước đó, Trịnh Kiểm là cha ông chỉ mới được phong tước công, Thụy hiệu Thái Vương của Trịnh Kiểm là do đời sau đặt. Phải từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước vương, nắm trọn quyền trong triều. Dọc hai bên trái và phải của tượng Trịnh Tùng là các tượng Chúa Trịnh khác, tượng nào cũng đều ngồi trên ngai vàng, áo mão sang trọng, duy tư thế ngồi khác nhau. Dẫu tượng làm bằng đất, sơn phủ bên ngoài nhưng do bảo toàn tốt nên vẫn còn nguyên vẹn.

Đa số vật dụng thờ cúng ở phủ đều bằng gỗ, chiếc lư hương lớn đặt ngay trung tâm đầy chân nhang cho thấy rất nhiều người ghé viếng. Những đồ cúng của mọi người đem tới đều được chất đầy như các lon bia, các hộp bánh và rất nhiều hoa. Sự trịnh trọng và tôn kính bậc tiền nhân rất rõ khi chúng tôi thắp nén nhang, người giữ phủ gióng trống lên. Một lát sau, rất nhiều người thuộc con cháu họ Trịnh ở quanh đó đã ăn mặc rất lịch sự, tới phủ Trịnh tay bắt mặt mừng với chúng tôi. Và tất nhiên, cuộc chuyện trò bên chén trà rất vui.

Trên con đường vào phủ Trịnh, khi qua sông Mã một đoạn, chúng tôi được giới thiệu một khu đất rộng, đó là khu vực xây dựng lăng Triết vương Trịnh Tùng. Khu di tích phủ Trịnh và lăng Triết vương Trịnh Tùng đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Vào năm 1980 mới phát lộ ra lăng mộ Trịnh Tùng rất đơn giản nằm ở giữa cánh đồng tại xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Lăng mộ nằm trơ trọi giữa đồng không mông quạnh, ẩm ướt suốt bốn mùa. Muốn vào thắp nhang phải đi qua bờ ruộng dài khoảng 100 m, rộng khoảng 30 cm. Hiện dự án bảo tồn tôn tạo Khu lăng mộ Triết vương Trịnh Tùng do Sở văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư phê duyệt gần 13 tỷ đồng, quy mô 11.000 m2...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viếng phủ Trịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO