Dòng chảy

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ mang tính thời đại cao

Tuyết Mai 24/07/2024 - 16:30

Hôm nay ngày 24/7, Viện nghiên cứu Trung Quốc cùng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiến hành tổ chức hội thảo cấp quốc gia "Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế".

Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề nổi bật trong việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; để từ đó có những đề xuất, quan điểm, định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo hơn, phù hợp hơn, đạt hiệu quả cao hơn tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ cho giai đoạn phát triển mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm quan trọng to lớn với phát triển đất nước

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết, Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và từ thực tiễn phát triển của đất nước đã cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và hợp tác quốc tế luôn chính xác về mặt khoa học khi áp dụng vào việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ đổi mới ở nước ta. Các quan điểm như “thêm bạn, bớt thù”, “dĩ bất biến ứng vạn biến” hay “ngoại giao tâm công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vận dụng sáng tạo, linh hoạt và đem lại nhiều thành quả trong quá trình gần 40 năm đổi mới của kinh tế Việt Nam.

“Tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất và phát triển của đất nước trong gần một thế kỷ qua, đặc biệt trong việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, hội thảo với chủ đề hôm nay là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa đối với đất nước trong giai đoạn phát triển hiện nay”, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng chia sẻ thêm.

hinh-pgs-hung.jpg
PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng chia sẻ với báo giới ngay thềm hội thảo.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế được hình thành và phát triển cùng với quá trình hình thành tư tưởng của Người về con đường giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Riêng về kinh tế được thể hiện trong một số quan điểm cơ bản, trong đó xem con người là động lực quan trọng nhất của xây dựng và phát triển kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét con người luôn xuất phát từ hoàn cảnh hiện thực cụ thể trong các quan hệ xã hội với nhiều bình diện, nhiều chiều khác nhau. Người xem Nhân dân là gốc và vừa là mục tiêu, vừa là động lực của kinh tế.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế phải gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiến bộ xã hội, văn hóa và đạo đức. Người chỉ ra, 4 vấn đề chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội phải chú ý, coi trọng ngang nhau, theo đó: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Nền kinh tế độc lập tự chủ được xây dựng đồng thời với mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế…

quang-canh-ht.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển kinh tế độc lập tự chủ tại TP.HCM

Báo cáo tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Đạo, Trường Đại học Văn Lang chia sẻ, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế độc lập tự chủ là kim chỉ nam cho nhiệm vụ phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay. TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế độc lập tự chủ, để từ đó rút ra được nhiều kinh nghiệm bài học quý báu.

Trước hết, theo quan điểm Hồ Chí Minh, Người luôn nhận thức rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Thứ hai, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân là mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế độc lập tự chủ và đây là quan điểm trung tâm trong tư tưởng kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một nền kinh tế độc lập tự chủ không chỉ tạo ra sự thịnh vượng cho quốc gia mà còn đảm bảo mọi người dân được hưởng thành quả của sự phát triển, xây dựng một đất nước giàu mạnh, có khả năng sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói.

Thứ ba, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ là điều kiện cốt lõi để phát triển bền vững và toàn diện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế cần phải dựa vào sức mạnh nội lực của quốc gia, với Nhân dân là yếu tố quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của Nhân dân, coi Nhân dân là gốc rễ của mọi thành công.

Vận dụng tư tưởng của Người, TP.HCM đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu trong việc phát triển kinh tế độc lập tự chủ. Những kinh nghiệm này nằm ở việc xác định chiến lược cũng như ở việc thực hiện các chiến lược này một cách hiệu quả và nhất quán.

Theo đó, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi là một trong những yếu tố then chốt mà TP.HCM đã thực hiện. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh. Trong 10 năm từ năm 2010 đến 2021, Thành phố đã đứng đầu cả nước trong thu hút vốn FDI với 52,92 tỉ USD, trong đó có các dự án lớn như Khu Công nghệ cao TP.HCM đến nay thu hút 160 dự án, với tổng vốn đầu tư 12 tỷ USD. Những chính sách này không chỉ thu hút vốn đầu tư mà còn tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của TP.HCM là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố đã đặc biệt đầu tư vào giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Đến năm 2030, TP.HCM đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 89%.

Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh cũng là một chiến lược chủ đạo của TP.HCM. Thành phố khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

hinh-thay-dao.jpg
TS. Nguyễn Văn Đạo chia sẻ nội dung tham luận tại hội thảo.

Trong việc phát triển kinh tế độc lập tự chủ, TP.HCM đã xác định đúng đắn mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Thành phố luôn đặt người dân vào trung tâm của mọi chính sách phát triển.

TS. Đạo dẫn chứng cụ thể, Nghị quyết Đại hội X của Thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm, đồng thời đẩy mạnh các chương trình bảo vệ môi trường. Kết quả là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 0.19% (về trước Nghị quyết 2 năm).

Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Trí, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, thấm nhuần và tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam nói chung cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế nói riêng, Đảng ta luôn khẳng định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc...”.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, TP.HCM luôn chú trọng quan tâm, đầu tư công tác giáo dục, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hệ giá trị văn hóa gia đình và các chuẩn mực con người Việt Nam. Cùng với đó, TP cũng tiếp thu có chọn lọc văn hóa các nước trên thế giới phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Chính những yếu tố ấy đã tạo nên văn hóa, con người TP.HCM đoàn kết, dũng cảm, năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, dám đi đầu, chấp nhận thử thách. Từ đó, góp phần tạo động lực cho sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của TP.HCM, là địa phương đi đầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

hinh-thay-tri.jpg
PGS.TS. Nguyễn Minh Trí phát biểu tham luận tại hội thảo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ mang tính thời đại cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO