TP.HCM nghiên cứu cơ chế xã hội hóa, hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo
Trong năm 2024, Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM sẽ tham mưu chính sách, cơ chế xã hội hóa hỗ trợ điện thoại thông minh cho khoảng 15.000 người nghèo, để tham gia vào chuyển đổi số.
Thông tin này được đưa ra vào hội nghị tổng kết công tác 2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM (Sở TT&TT) tổ chức vào ngày 10/1.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết, năm 2024 là năm hành động quyết liệt trên các lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số. Trong quý 1/2024, Ban chỉ đạo chuyển đổi số sẽ họp. Dự kiến trong tháng 1/2024, TP.HCM sẽ ra mắt Trung tâm Chuyển đổi số.
Cũng tại hội nghị tổng kết, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu Sở TT&TT cần khẩn trương thực hiện đề án “Đô thị thông minh” trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, bởi đây là đề án xương sống để tạo ra nền tảng số trong hoạt động của hệ thống chính quyền.
Ngoài ra, Sở TT&TT cũng cần tập trung 3 công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước gồm: xây dựng chính quyền số, hệ thống dịch vụ số dành cho công dân, đường sách và văn hóa đọc.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết thêm, năm 2024 sẽ tập trung vào các chương trình, đề án lớn như: xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025; chuyển đổi số, phát triển hạ tầng viễn thông và phát triển hạ tầng số; nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông.
Ở lĩnh vực chuyển đổi số, Sở TT&TT TP.HCM thống nhất, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Chữ ký số sẽ được tích hợp trên hệ thống để người dân và doanh nghiệp có thể ký trực tiếp vào các biểu mẫu điện tử, có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu, giúp người dân thuận tiện khi làm hồ sơ trực tuyến.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết, tháng 12/2025 là thời gian phải hoàn thành giai đoạn 2 đề án quy hoạch báo chí nên Sở TT-TT cần có những tham mưu sắc sảo, đeo bám cơ quan Trung ương xây dựng mạng lưới cơ quan báo chí hợp lý, phù hợp thực tiễn.
“TP.HCM phải xây dựng môi trường báo chí, thông tin, tuyên truyền thật sự minh bạch, hiệu quả, trong sạch. Sở TT&TT quan tâm đấu tranh mạnh mẽ, cương quyết với các biểu hiện lệch lạc trong hoạt động báo chí như hiện tượng báo hóa trang thông tin điện tử, tạp chí hoạt động ngoài khuôn khổ cấp phép,” ông Dương Anh Đức phát biểu.
Lãnh đạo Thành phố yêu cầu phải quản lý tốt để vừa không xảy ra hiện tượng tiêu cực, vừa tạo điều kiện báo chí tác nghiệp, tránh tình trạng cản trở báo chí. Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu việc truyền thông chính sách phải bài bản, hiệu quả hơn, họp báo phải được nâng chất, có chỉ thị của UBND TP.HCM về truyền thông chính sách và người phát ngôn...
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết năm 2024 sẽ tập trung công tác báo chí, nhất là trong chính sách đặt hàng, khen thưởng, tuyên dương nhằm phát triển báo chí thông qua chuyển đổi số; ngoài ra xây dựng mô hình tổ chức các cơ quan báo chí thành phố.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Nguyễn Tấn Phong đánh giá việc áp dụng cơ chế đặt hàng giúp cơ quan báo chí bớt khó khăn, tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các vấn đề thiết thân của thành phố.