Dòng chảy

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 của TP.HCM có nhiều khởi sắc

Hòa Nhật 04/09/2024 - 13:19

Sáng 4/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì Phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2024.

hop.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Trong 8 tháng, các thành phần kinh tế đã thu hút và giải quyết việc làm cho 221.337 lượt người (đạt 73,78% kế hoạch năm), trong đó tạo việc làm mới là 99.617/140.000 lượt lao động (đạt 71,16% kế hoạch năm). Công tác quản lý lao động người nước ngoài cũng được chú trọng. Tính đến tháng 8, tổng số lao động đã qua đào tạo đạt 4.315.286 người (87,96%). Tính đến ngày 31-7, có hơn 2,5 triệu trong số hơn 4,9 triệu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 51,94% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm có những kết quả tích cực. Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,4% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 765.233 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7%, trong khi chỉ số tồn kho giảm mạnh 14%.

Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2024 tăng 15,3% so với cùng kỳ, với mức tăng ấn tượng 23,8% từ các khu vực kinh tế nội địa. Đặc biệt, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng nhẹ 0,3%, cho thấy sự phục hồi trong hoạt động thương mại.

Cũng trong 8 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,5% so với cùng kỳ. Phân theo loại hình doanh nghiệp, có 91,6% doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là công ty TNHH, công ty cổ phần chiếm 7,6%, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh chiếm 0,8%.

Tháng vừa qua, nhờ việc tiếp tục chương trình khuyến mãi tập trung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP.HCM vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số trên tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lữ hành ghi nhận mức tăng cao là 65,8%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 8 tháng qua tăng 3,23%, với 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức giá tăng, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế, cùng nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất, lần lượt là 7,80% và 7,48%. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,5%, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế của Thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 của TP.HCM có nhiều khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO