Công nghệ

Sở TT&TT phối hợp với công an xử lý các vụ việc trên không gian mạng

Nhật Hòa11/03/2024 - 08:09

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng Phòng Thông tin điện tử, Sở TT&TT TP.HCM cho biết Sở đã phối hợp chặt chẽ với Công an TP.HCM trong giám định tư pháp, xử lý các vụ việc trên không gian mạng.

anm.jpg
Bảo vệ an ninh mạng góp phần giúp đảm bảo trật tự xã hội

Ngày 10/3, HĐND TP.HCM phối hợp với Sở TT&TT Thành phố, Đài Truyền hình Thành phố (HTV) tổ chức chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 3 với chủ đề "Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – Phát huy sức mạnh của nhân dân".

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng Phòng Thông tin điện tử, Sở TT&TT TP.HCM cho biết trên địa bàn TP.HCM có 355 mạng xã hội, 1.100 trang thông tin điện tử và khoảng 22 triệu tài khoản đang hoạt động. Để phát huy phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng, Sở có trang mạng Zalo xã hội để cung cấp thông tin cho cử tri để nắm chủ trương, chính sách, đồng thời đẩy mạnh tương tác, phối hợp với cơ quan chức năng.

Sở cũng phối hợp chặt chẽ với Công an TP.HCM trong giám định tư pháp, xử lý các vụ việc trên không gian mạng liên quan đến các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, tiktok…).

Trước đó, Sở TT-&TT TP.HCM đã ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội Socialbeat, được tích hợp AI, xử lý hơn 1 tỷ nội dung thông tin mỗi ngày. Phần mềm Socialbeat có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng online khác như các báo điện tử, hay trang tin tổng hợp... theo thời gian thực.

Theo Sở TT&TT TP.HCM, phần mềm lắng nghe mạng xã hội được sử dụng để giúp các cơ quan quản lý nhà nước chủ động trong việc tiếp nhận và hiểu rõ hơn về ý kiến và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về các hoạt động, các ý kiến đánh giá, đóng góp cho các chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật; đồng thời, đây cũng là kênh để nắm bắt các phản ánh của người dân về những vấn đề trên địa bàn TP.HCM…

Thượng tá Lê Minh Hải, Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA08), cho biết, tội phạm công nghệ mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến hết sức phức tạp. Đó là tình trạng tán phát các thông tin có tính chất độc hại hoặc phát tán, đăng tải tin giả, tin sai sự thật; tình trạng sử dụng công nghệ cao xâm phạm dữ liệu số, dữ liệu cá nhân và các hành vi lừa đảo trực tuyến, tín dụng đen ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bộ Công an, Công an TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp, tham mưu hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng; đồng thời tổ chức triển khai các quy định có liên quan về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, vận hành 48 trang mạng, fanpage Facebook, kênh YouTube, Zalo Offical để làm kênh thông tin và tiếp nhận ý kiến, tin báo của nhân dân trên không gian mạng.

Công an Thành phố cũng tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, các nhà mạng viễn thông từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kiểm soát, hạn chế và xóa bỏ tình trạng sim rác, việc thuê mướn tài khoản ngân hàng; phòng chống rửa tiền; kịp thời phong tỏa các tài khoản có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo.

Bên cạnh việc đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, công an TP.HCM cũng tăng cường giải phóng ngăn ngừa các vụ trọng án. Thượng tá Đới Ngọc Thắng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM cho biết sắp tới, để chủ động ngăn ngữa các vụ việc đau lòng, Công an Thành phố tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các kế hoạch tấn công trấn áp, đấu tranh với các loại tội phạm; tăng cường công tác tuần tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời điều kiện, các nguy cơ phát sinh tội phạm.

Mặt khác, làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, đặc biệt là các băng, ổ, nhóm, các đối tượng mang tính chất côn đồ, hung hãn, từ đó nhanh chóng truy xét, bắt giữ đối tượng, không để tồn tại, hình thành các tuyến, các địa bàn, các điểm nóng về hình sự, tệ nạn xã hội.

Về thi hành án, Thượng tá Trần Phúc Hội, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an Thành phố cho biết, theo thống kê, số người thi hành xong án phạt tù nhưng chưa xóa án tích cư trú trên địa bàn thành phố là khoảng 10.400 người.

Thời gian tới, Công an Thành phố sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương một số giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, giúp đỡ và cảm hóa người vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng.

UBND TP vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2024 trên địa bàn Thành phố.

Nội dung thi gồm 02 môn thi (Lý thuyết: trả lời câu hỏi về kiến thức PCCC&CNCH và thực hành: chữa cháy, cứu người và di chuyển tài sản đối với loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh).

Hội thi được tổ chức làm 02 cấp gồm cấp huyện (hoàn thành trước ngày 15/4/2024) và cấp Thành phố (hoàn thành trước ngày 1/5/2024).

Ban tổ chức sẽ chọn đội đạt giải nhất Hội thi cấp Thành phố tham dự Hội thi toàn quốc tại khu vực V (gồm 06 “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” thuộc 06 địa phương vùng Đông Nam Bộ: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương). Dự kiến tổ chức vào tháng 6/2024.

Đối tượng tham gia là các thành viên của “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” trên địa bàn cấp xã, được thành lập theo quyết định của UBND cùng cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở TT&TT phối hợp với công an xử lý các vụ việc trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO