Sống chậm và sức khỏe

Y học - Ngày đăng : 09:43, 06/02/2018

Ngày nay, khuynh hướng “sống chậm” đang rất thịnh hành. Đọc sách, hay xem truyền hình, nghe đài, lướt mạng, chúng ta đều thấy những lời kêu gọi hãy sống chậm đi.

Từ những câu quen thuộc trên truyền thông như “Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn”; đến tục ngữ ca dao Việt Nam cũng nhận xét “Lật đật cũng tới bến giang. Lang thang cũng tới bến đò”, thậm chí còn khuyên răn “Dục tốc bất đạt”. Với khái niệm quá phổ biến này, tôi xin mạn bàn về hai khía cạnh của nó, đó là về mặt sức khỏe và mặt tinh thần.

Cuộc sống công nghiệp hiện nay cuốn chúng ta vào một guồng máy luôn chạy không ngừng. Thời gian làm việc kéo dài, mức độ công việc phức tạp; giấc ngủ và bữa ăn ngày càng được rút ngắn và thời gian đảo lộn, bữa sáng bị bỏ qua, bữa trưa trở thành bữa sáng; stress trở nên thịnh hành như một món trang sức khi mà trong nhiều cuộc nói chuyện, sự căng thẳng và “không có thời gian cho bản thân” trở nên một trong những thước đo chứng tỏ mức độ thành công. 
Tuy nhiên, chúng ta quên mất tất cả những điều đó là để phục vụ cho cái gì, và mức độ chúng ta cống hiến bản thân mình cho những điều đó đến đâu là giới hạn nên dừng lại. Tôi xin nhắc đến một hình thức thí nghiệm quen thuộc trong y học, đó là mô hình chuột bạch chạy trong lồng: chuột có thể chạy theo phản xạ tự nguyện, hoặc do kích thích từ nghiên cứu viên và qua đó chúng ta đánh giá các thông số khoa học như sức cơ, sức bền, stress, các tín hiệu từ não bộ... Thân phận chuột bạch trong thí nghiệm này không vô nghĩa mà là để phục vụ cho khoa học. Song đó là xét trên “tầm nhìn lớn”; còn nếu xét ở tầm cá nhân, về bản thân chuột bạch, khi nó làm những việc đó, nó nghĩ gì, cảm nhận gì, sức khỏe của nó ra sao, khi nó không còn giá trị cho nghiên cứu nữa, nó sẽ đi về đâu. Chúng ta cũng vậy, những điều chúng ta làm đều có ý nghĩa, đều để cống hiến cho đời, nhưng khi lấy đi những ý nghĩa to lớn bên ngoài đó, thì bên trong chúng ta còn đọng lại gì.    
Theo quy luật tự nhiên, ai trong chúng ta cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử và chắc rằng ai cũng muốn sống sao để không sinh bệnh tật, để tuổi thọ được kéo dài... Qua nhiều nghiên cứu, Tổ chức y tế thế giới đã khẳng định, sức khỏe và bệnh tật của con người chỉ có 30% nguồn gốc từ thông tin di truyền, 70% còn lại xuất phát từ lối sống. Như vậy, mọi lựa chọn, mọi thói quen hàng ngày sẽ quyết định sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta. 
Nghiên cứu cho thấy thời gian làm việc căng thẳng càng kéo dài, nguy cơ các bệnh lý càng tăng cao: bệnh lý tim mạch, bệnh chuyển hóa, tình trạng trầm cảm, rối loạn lo âu, tăng cân; giấc ngủ sẽ càng rút ngắn; thời gian ăn càng nhanh, nuốt vội, thức ăn nhanh thiếu đa dạng càng gây nhiều bất ổn cho dạ dày - ruột - gan và chuyển hóa, chưa kể đến những nguy cơ có thể đến từ thói quen không lành mạnh như hút thuốc và uống rượu. 
Thói quen sử dụng thiết bị điện tử như máy vi tính, điện thoại ngày càng thông dụng ở người trẻ, sử dụng các thiết bị này càng lâu sẽ càng làm giảm chất lượng giấc ngủ, rút ngắn thời gian giấc ngủ, và kéo dài thời gian để đi vào giấc ngủ sâu. Thỉnh thoảng, lâu lâu mới có một hai ngày căng thẳng, mất ngủ... cơ thể vẫn có thể tự điều chỉnh để lấy lại cân bằng, nhưng với sự gắn bó của con người với công việc và công nghệ ngày càng tăng dần, làm sao để lấy lại được sức khỏe bị “đánh cắp” và kéo dài tuổi thọ? 
Nếu là đông y, câu trả lời đến từ dưỡng sinh, bao gồm bốn nội dung. Đầu tiên là cách sống phù hợp với thời tiết - khí hậu môi trường tự nhiên, với công việc và hoạt động có làm có nghỉ ngơi, đêm ngủ đủ bảy tiếng, ngày ăn đủ ba bữa, ăn đủ lượng và đúng giờ. Tiếp theo là thực dưỡng: ăn chậm - nhai kỹ giúp tiêu hóa tốt, thức ăn đủ thành phần đa dạng cũng theo mùa - theo khí hậu thời tiết. Tập luyện để duy trì vận động cơ xương khớp theo cấu trúc tự nhiên cơ thể hàng ngày (gập, duỗi, xoay, ưỡn, cúi, ngửa...), tránh sự bất động. Và cuối cùng là thái độ tinh thần trong cuộc sống luôn cân bằng, suy nghĩ tích cực, lạc quan, cười to, hít thở sâu giúp tinh thần sảng khoái, tiêu tan căng thẳng...Dưỡng sinh giúp cho hoạt động thể chất quân bình, tránh được hơn 70% bệnh tật.
Nếu là tây y, trong hoạt động sinh lý người có chuyển hóa cơ bản và hoạt động các chức năng của cơ thể liên quan đến sống nhanh - chậm bao gồm cả cách sống và dinh dưỡng. Mỗi cơ thể người có một đồng hồ sinh học hoạt động đều đặn sáng - chiều - tối, giờ nào việc ấy, tất cả những hoạt động này chịu sự chi phối của các nội tiết tố sinh học, được các cơ quan chức năng “tuyến nội tiết” sản xuất ra theo một tác động nhất định từ môi trường sống, cách sống và dinh dưỡng. 
Ngoài việc tuân theo các quy luật của tự nhiên nêu trên, còn có những biện pháp can thiệp mang hơi hướm “sống chậm” có thể giúp cải thiện sức khỏe. Thiền đã được chứng minh giúp làm giảm huyết áp, giảm nhịp tim, giảm cung lượng tim... Đây là các yếu tố giúp cân bằng hoạt động hô hấp, tim mạch, qua đó duy trì sức khỏe nói chung. Thiền kết hợp với điều hòa hơi thở, yoga, được cho thấy giúp chúng ta đối diện với stress và giải quyết vấn đề tốt hơn. 
Bữa ăn thường xuyên cùng người thân hay gia đình sẽ có tác động tích cực đối với cân nặng, và có thể giảm nguy cơ béo phì. Để có giấc ngủ tốt hơn và giảm tình trạng buồn ngủ lúc thức, chúng ta có thể giảm thời gian làm việc, có những khoảng nghỉ ngắn trong lúc làm việc, có khung thời gian làm việc cố định trong ngày, và làm việc vào ban ngày thay vì ban đêm. Đi bộ hàng ngày, mỗi ngày ít nhất 30 phút, rất có lợi cho người lớn tuổi: giúp tăng thể trạng, giảm tình trạng té ngã, giảm cảm giác chóng mặt, và giảm sự phụ thuộc vào người khác.
Như vậy, những thói quen rất nhỏ như đi bộ, dùng bữa cùng gia đình, thiền, nghỉ ngơi... có thể giúp giãn bớt cuộc sống quay cuồng hàng ngày, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe.
Chúng ta đang sống trong xã hội mà tốc độ đang lên ngôi. Thức ăn nhanh - bữa ăn gồm đủ món chính, món phụ, món tráng miệng, nước uống, chỉ cần năm phút sẽ được chuẩn bị xong và có thể được ăn cũng trong năm phút. Cần một thông tin nào đó - chỉ cần truy cập mạng sẽ có hàng triệu đáp án. Muốn liên lạc với ai - chỉ cần nhấc điện thoại gọi, hay vào messenger, viber... để lại tin nhắn. Mọi nhu cầu chúng ta luôn được đáp ứng tức thì. Và khi quen với việc này, dường như mọi quyết định, phản ứng trong cuộc sống của chúng ta đều phải được thực hiện trong tích tắc để phục vụ cho nhu cầu của bản thân. Những gì chậm rãi, trì hoãn, tốn thời gian, dường như được gán cho cái nhìn khá tiêu cực. 
Tuy nhiên, sự chậm rãi đó đôi khi lại rất cần thiết. Trong đạo Phật có bát chánh đạo, là con đường tám nhánh để giải thoát khỏi khổ đau; một trong tám đạo đó, là “chánh niệm”. Từ “chánh niệm” nghe có vẻ xa xôi và trừu tượng, tuy nhiên nếu tôi thay thế nó bằng từ “mindfulness”, có lẽ sẽ rất nhiều người nhận ra. “Chánh niệm” chính là “mindfulness” mà chúng ta hay nói đến: đó là sự biết rõ, hiểu rõ (tuệ tri) được những gì đang có mặt, đang xảy ra, theo đúng bản chất của nó; chánh niệm chỉ để ý tới thực tại mà không quan tâm đến hình thức và quan niệm. 
Từ tôn giáo, chánh niệm trở thành một trường phái thiền và được ứng dụng trên toàn thế giới. Nghiên cứu trên hình ảnh học não bộ cho thấy thiền chánh niệm giúp kích hoạt vòng cung vỏ não trước, vốn đóng vai trò quan trọng đối với khả năng tập trung, ý chí, và kiểm soát vận động. Trên phương diện lâm sàng, thiền chánh niệm giúp cải thiện rối loạn lo âu, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn ăn uống, trầm cảm, rối loạn tính cách và giúp cai nghiện. 
Kabat-Zinn, giáo sư nghiên cứu về chánh niệm, nêu 7 bước đơn giản để có được chánh niệm. (1) Không chỉ trích: nhìn nhận những gì đang diễn ra và không suy diễn. (2) Kiên nhẫn: chờ sự việc tự diễn tiến theo thời gian. (3) Có cái nhìn thoáng và mở: chấp nhận những khả năng mới và không mắc kẹt vào lối mòn. (4) Tin tưởng: tin vào bản thân và cảm nhận của bản thân. (5) Không ngoan cố: nhìn nhận bản thân mình như chính bản chất của mình, cho dù nó như thế nào. (6) Chấp nhận: nhìn nhận sự vật như chính bản thân nó, ngay tại thời điểm đó. (7) Buông bỏ: để sự việc tự diễn tiến, chấp nhận những việc đang diễn ra.
Đơn giản hơn, một phương pháp để luyện tập chánh niệm tại làng Mai của sư ông Thích Nhất Hạnh, đó là cứ mỗi 15 phút sẽ đánh chuông, mọi người sẽ cùng dừng lại những gì đang làm, hít thở chậm rãi, quan sát chung quanh, nghỉ ngơi trong im lặng, mỉm cười, mọi nhọc mệt và căng thẳng đều được tiêu tan.  
Như vậy, xu hướng sống chậm, nhưng không hẳn là chậm mà sống sao cho khoa học và phù hợp với hoàn cảnh, công việc, môi trường và điều kiện của mỗi người... Suy nghĩ nhanh, tích cực, lao động nhịp nhàng, đi bộ nhanh là cần thiết nhưng phải có khoảng nghỉ đủ, ngủ đủ, ăn chậm - nhai kỹ, thở chậm - sâu.... giúp quân bình và hài hòa hoạt động thể chất, sẽ duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ của mỗi chúng ta. 

PGS.TS.BS. NGUYỄN THỊ BAY