Jean-marc Potlet “bén duyên” Việt Nam

Đô thị - Ngày đăng : 05:35, 01/03/2023

Trong tranh của người họa sĩ Pháp hầu như không có bất kỳ thắng cảnh mang tính biểu tượng nào, nhưng khiến người xem nhận ra ngay đó là Việt Nam, một Việt Nam dung dị, sống động, thân thuộc.

Một “mối tình mới” nảy sinh trong lòng họa sĩ người Pháp Jean-marc Potlet ở tuổi 59 khi đến thăm miền đất xa lạ mang tên Việt Nam năm 2015, khi tham gia một triển lãm của Hiệp hội Màu nước Quốc tế. Đó là khởi đầu cho 10 chuyến hành trình khắp dải đất hình chữ S, hàng chục bức tranh, bức ảnh sống động về con người và cuộc sống đất Việt, cùng một lời hẹn “see you soon” (Sớm gặp lại các bạn) sau chuyến thăm gần nhất tháng 12/2022.

Họa sĩ người Pháp Jean-marc Potlet và những tác phẩm thể hiện cảnh sắc, con người ở nhiều vùng khác nhau trên đất Việt Nam. Ảnh ĐAN THANH

Thưởng ngoạn Việt Nam theo cách của người Việt

Tôi biết đến Jean-marc lần đầu qua “Bicycle”, một chùm tranh về những chiếc xe đạp. Trên nền tranh hầu như không có bất kỳ công trình đặc biệt hay địa danh nổi tiếng nào nói lên ông đã thấy, đã vẽ những chiếc xe đạp đó ở đâu. Nhưng nếu là người Việt, bạn hoàn toàn có thể nhận ra đó là Hà Nội và TP.HCM. Hầu hết những chiếc xe đạp trong chùm tranh là chiếc xe chở nặng hoa, trái cây hay chiếc tủ kính nhỏ của những người bán hàng rong; một người đàn ông nổi bật vì đang đạp chiếc xích lô, vai cột tấm nylon như một kiểu áo mưa tự chế…

Họa sĩ Jean-marc Potlet tại khai mạc triển lãm Việt Nam trong mắt tôi. Ảnh: Đan Thanh

Đó là cách Jean-marc ngắm nhìn Việt Nam, không phải qua những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, không phải qua những công trình độc đáo mà thường ngày chúng ta vẫn giới thiệu với bạn bè phương xa. Ông yêu Việt Nam theo cách mà người Việt yêu và hòa mình vào cuộc sống thường nhật.

“Khi đến Việt Nam, tôi cảm thấy như mình đã bước đến một thế giới hoàn toàn khác biệt so với nơi tôi từng quen thuộc. Tất cả một thứ đều lạ lẫm đối với một người nước ngoài như tôi” - ông nhìn nhận. Nhưng nếu gặp Jean-marc nhiều lần, bạn có thể thấy “ông Tây” ấy như đang “Việt hóa” dần dần.

Bữa ăn đầu tiên giữa tôi và Jean-marc là bún bò và những chiếc bánh lọc, bánh nậm đúng kiểu Huế, trong một lần ông đến TP.HCM trước đại dịch. Đơn giản vì ông luôn muốn thưởng thức những món Việt, và đã gật đầu đồng ý ngay khi tôi gợi ý ăn món truyền thống của một nơi chưa có dịp đặt chân tới.

Chợ nổi trên dòng Mê kông. Ảnh: Đan Thanh

Nhân viên nhà hàng ngạc nhiên nhìn “ông Tây” cầm đũa điệu nghệ và chuẩn bị món ăn như một người Việt; còn với Jean-marc đó là điều bình thường, bởi mỗi ngày trong mỗi chuyến viếng thăm Việt Nam, ông đã để bạn bè dẫn mình đi đến những nơi họ đã đi qua trong cuộc sống thường nhật, và sống như một người Việt.

Bên cầu Long Biên. Ảnh: Đan Thanh

Vì vậy nên tranh Jean-marc Potlet như một phiên bản nghệ thuật của chính những khoảnh khắc chúng ta nhìn thấy hàng ngày. Ví như hình ảnh một Sài Gòn đầy màu sắc… nón bảo hiểm và xe máy đang kẹt cứng trong một buổi tan tầm, được bạn bè ông chia sẻ với nỗi nhớ, sự cầu mong, trong những ngày lockdown năm 2021.

Yêu con người hơn cả

Jean-marc chia sẻ, nhiều năm về trước, ông xuất thân từ một gia đình nghèo. Ngày nay, ông đã tự xây dựng được một cuộc sống thoải mái hơn, như hầu hết những người Việt Nam mà ông gặp. “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là đừng quên bạn đến từ đâu” - ông nói. Có lẽ đó là lý do người họa sĩ yêu ngay cái vẻ chân chất của nhiều người Việt ông gặp trong cuộc sống, tình yêu của họ đối với quê hương, nguồn cội. Ở những người có cuộc sống còn khó khăn, họ vẫn nở nụ cười với ông, trong những bức ảnh ông chụp và nhiều khi biến thành tranh, một cách tự nhiên, tự hào, không che giấu hay mặc cảm vì cái nghèo của mình. Vì họ vẫn đang sống, đang lao động và đang cố gắng.

Người họa sĩ yêu ngay cái vẻ chân chất của nhiều người Việt ông gặp trong cuộc sống, tình yêu của họ đối với quê hương, nguồn cội.

Từ đó, những người dân lao động trở thành chủ đề chính trong những bức tranh của Jean-marc Potlet nói về Việt Nam. Vẽ về những hàng hoa, ông không chọn những tà áo đẹp duyên dáng đi chọn hoa, mà phản ánh chính sắc màu tươi vui, ấm áp được tạo nên bởi những chiếc xe đạp chở nặng hoa đi bán dạo trên phố phường Hà Nội, hay cảnh tấp nập sống động mà những tiểu thương chợ hoa Hồ Thị Kỷ đã tạo nên.

Đến Vịnh Hạ Long danh tiếng, ông không chọn những cánh buồm nâu hay non nước kỳ vĩ nổi tiếng nơi đây, mà chọn vẽ những chiếc tàu cá của bà con ngư dân, phấp phới cờ đỏ sao vàng, neo đậu bên bờ vịnh đẹp một cách yên bình sau hải trình. Khung cảnh những ngôi nhà sàn ven sông, phiên chợ nổi, những người hái bông súng hay đơn giản là một con gà, hoa chuối, một góc vườn quê… là những mảnh ký ức về miền Tây được ông thể hiện bằng màu nước vô cùng sống động.

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Ảnh: Đan Thanh

Một nụ cười, một cái nhún vai thay cho câu trả lời, là những gì bạn sẽ nhận được khi hỏi vì sao Jean-marc yêu Việt Nam. Ông chỉ biết ở đất nước hình chữ S này, ông có bạn ở khắp muôn nơi, và ông vui khi bạn bè mình yêu mến cách mình chuyển tải hình ảnh về đất nước này. Tranh về Việt Nam của họa sĩ Jean-marc Potlet đã được giới thiệu trong rất nhiều triển lãm trên đất Việt lẫn trên đất Pháp. Khi được hỏi vì sao vẽ về Việt Nam sống động và đặc biệt đến thế, ông trả lời: “Đơn giản vì tôi thích điều đó và muốn vẽ lại tốt nhất trong khả năng của mình. Còn cảm nhận, là ở người xem”.

Chuyến viếng thăm thứ 10 mang màu hy vọng

Năm 2020, họa sĩ Jean-marc Potlet nói với tôi ông muốn trở lại thăm Việt Nam. Đó là những tháng ngày đầu tiên của đại dịch Covid-19, khi những chuyến bay nối liền hai đất nước bắt đầu gián đoạn. Ở đất nước ông, nhiều vùng “tô đỏ”. Ở Việt Nam, TP.HCM mà ông yêu mến bắt đầu những lần giãn cách xã hội.

Triển lãm “Việt Nam trong mắt tôi” của họa sĩ Jean-marc Potlet được tổ chức ở TP.HCM, 50% tiền bán tranh được tặng cho một dự án phi lợi nhuận về trẻ tự kỷ.

Đó không phải lần duy nhất chúng tôi nói về việc ông trở lại Việt Nam. Mãi đến tháng 12/2022, niềm hy vọng gặp lại nhau khi đại dịch đã tạm yên mới thành hiện thực. Đặc biệt hơn, trong chuyến đi này, người họa sĩ nay đã 67 tuổi mang theo một món quà đặc biệt: Hàng chục bức tranh được vẽ trong những năm đại dịch, từ những bức ảnh ông kịp chụp và “để dành” trong các chuyến trước đó; và cả ảnh về Việt Nam mà bạn bè gửi và giới thiệu. Trong triển lãm “Việt Nam trong mắt tôi” được tổ chức ở TP.HCM và trưng bày các tác phẩm này, 50% tiền bán tranh được tặng cho một dự án phi lợi nhuận về trẻ tự kỷ.

Đan Thanh