“Hơi thở” mới cho văn học thiếu nhi tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2

Đô thị - Ngày đăng : 16:47, 22/04/2023

Tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 tại TP.HCM năm nay (diễn ra từ ngày 19 đến hết ngày 23/4), các chương trình phục vụ nhóm đối tượng thiếu nhi tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần tích cực hình thành thói quen, sự say mê đọc sách cho các bạn nhỏ.

Văn học thiếu nhi đang có những khoảng trống khó lấp đầy hay sách cho thiếu nhi “ngoại át nội”, là những nhận định về dòng sách thiếu nhi từ lâu nay. Song, thời gian gần đây làng sách thiếu nhi đang dần lạc quan hơn khi đã và đang có những tín hiệu mới đầy khởi sắc.

Những cuốn sách thiếu nhi mang đậm tính giáo dục

Có thể thấy, những cuốn sách thiếu nhi ra đời thời gian gần đây không chỉ đơn thuần để giải trí cho các em mà còn đậm tính giáo dục. Đặc biệt, dòng sách này đã và đang được rất nhiều nhà xuất bản quan tâm, cũng như liên tục cho ra đời những cuốn sách mới. Sôi động, phong phú ngay khi bước vào mùa, đây chính là một dấu hiệu đáng mừng của sách thiếu nhi Việt Nam.

Nhiều độc giả thiếu nhi tìm thấy những cuốn sách hay trong Ngày sách và Văn hóa đọc lần 2 tại TP.HCM. Ảnh: H. HẠNH

Nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2, nhiều nhà xuất bản cũng đã nhanh chóng giới thiệu đến các độc giả nhí những tác phẩm vô cùng thú vị của tác “tay bút” trẻ. Như nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa mang đến cuốn truyện mới nhất mang tên Vương quốc Ngộ Nghĩnh, ở đó độc giả sẽ được bước vào một xứ sở chỉ toàn trẻ con. Nơi đây, các cư dân trong vương quốc tha hồ khám phá, tự do làm những điều mình thích và làm cả những việc mình ghét, mình sợ... Không cần đến bà tiên hay ông bụt giúp đỡ, chẳng bị người lớn rầy la, các cô bé, cậu bé tự sáng tạo nên thế giới thần tiên vui vẻ của chính mình và mỗi cá tính đều được yêu quý trong xứ sở này. Thú vị và gần gũi hơn, khi mỗi cậu bé, cô bé đều là nhân vật đặc biệt theo cách rất riêng.

Cuốn sách Cá Linh đi học của nhà văn Lê Quang Trạng kể về chuyến du thủy của chú cá có tên Linh Ống cũng ra mắt nhân dịp này. Từ Biển Hồ mênh mông, từng đàn cá linh non sẽ bắt đầu cuộc du thủy về hạ lưu. Khi đã trưởng thành, các chú cá linh lại từ giã đồng ruộng hạ lưu, ra sông để trở về quê hương Biển Hồ. Suốt hàng ngàn năm qua, bất kể thời tiết, dòng chảy có thay đổi, nhà cá linh vẫn luôn đúng hẹn. Sau biết bao chông gai, biết bao trở ngại, chú cá linh non ngày nào đã trưởng thành, hiểu biết, mạnh mẽ và giàu yêu thương.

Cùng với đó, mảng truyện tranh cũng mang đến cho độc giả trẻ nhiều tác phẩm thú vị. Bộ tranh truyện Hào kiệt đất phương Nam gồm 20 cuốn, phác họa chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của những văn sĩ, võ tướng nổi danh đất Nam Bộ.

Hay bộ tranh truyện Du hành vào lịch sử thế giới gồm 20 cuốn với các kiến thức lịch sử trải dài từ Tây sang Đông, qua nhiều thời kì, nhiều triều đại. Các cuốn sách với minh họa đẹp, sẽ đưa độc giả nhỏ tuổi bước vào cuộc hành trình ngược về quá khứ với những thông tin vừa lạ vừa quen, hấp dẫn và lôi cuốn.

Niềm say mê của những cây bút viết cho thiếu nhi

Tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 tại TP.HCM năm nay, NXB Kim Đồng tổ chức tọa đàm “Văn học thiếu nhi - Luồng gió mới từ những tác giả trẻ” với sự tham gia của 3 tác giả là: Nguyễn Thị Kim Hòa, Phát Dương và Thủy Nguyên. Đây là những “cây bút” vừa ra mắt độc giả loạt truyện dành cho thiếu nhi với phong cách viết mới lạ cùng phần tranh minh họa vô cùng đẹp mắt. Tại buổi giao lưu, các nhà văn chia sẻ với bạn đọc nhiều câu hỏi: Viết cho thiếu nhi dễ hay khó, viết cho thiếu nhi hay viết về thiếu nhi, chất liệu cho văn học thiếu nhi… xoay quanh chủ đề, viết như thế nào để hấp dẫn thiếu nhi hiện nay.

Các tác giả Phát Dương Nguyễn Thị Kim Hòa và Thủy Nguyên tại buổi tọa đàm về văn học thiếu nhi. Ảnh: H.HẠNH

Với “cây bút” trẻ Phát Dương, lần đầu tiên bước vào “địa hạt” văn học thiếu nhi nên anh vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, thế nên khi lên đặt bút viết tác phẩm đầu tay Phát Dương đã lựa chọn một đề tài gần gũi nhất. “Tôi cứ sợ các em thấy không hấp dẫn, sợ viết dài dòng thì lại khó hiểu, lại sợ cứ quan trọng vào thông điệp thì đôi khi nội dung truyền tải sẽ trở nên cứng nhắc. Nhưng rồi, tôi đặt chính cảm nhận của bản thân vào từng trang viết với tư cách là một độc giả, chỗ nào còn rối, chỗ nào chưa hay, chỗ nào cần sửa, chỗ nào chưa logic… để rồi cho ra đời một tác phẩm hoàn chỉnh nhất”, Phát Dương nói.

Còn với “cây bút cứng cáp” Nguyễn Thị Kim Hòa, chị chia sẻ: “Để các em thấu cảm, yêu thích và tìm đến thì sách cần mang đúng hơi thở cuộc sống của các em, từ ngôn ngữ, hình ảnh, bối cảnh, chất liệu… Tôi may mắn khi được tiếp xúc với trẻ con mỗi ngày qua lớp học của mình và đó chính là nguồn cảm hứng bất tận cho mỗi tác phẩm của tôi”.

Có thể thấy, ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 tại TP.HCM năm nay đã các đơn vị đã tập trung và đầu tư nhiều cho các chương trình phục vụ nhóm đối tượng thiếu nhi. Bên cạnh các hoạt động giao lưu, trò chuyện, giới thiệu sách thì các hoạt động giải trí dành cho bạn đọc nhí cũng được diễn ra song song tại các gian hàng. Các chương trình tặng sách, khu vui chơi dành cho thiếu nhi với các hoạt động sôi nổi như vẽ tranh, làm thủ công, đọc truyện, viết cảm nhận về sách, tương tác trải nghiệm cùng sách… đã và đang thu hút nhiều bạn nhỏ tham gia.

Cầm trên tay cuốn truyện mới nhất mang tên Vương quốc Ngộ Nghĩnh của NXB Kim Đồng, Nguyên Khôi (Trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Đến đây, em có cơ hội được đọc nhiều cuốn sách mới với những câu chuyện vô cùng thú vị và có cả những cuốn giúp ích cho em trong việc học tập. Như cuốn sách này, em tìm thấy những câu chuyện của mình ở đây, cùng những bài học vô cùng ý nghĩa và giá trị”. Đến với đường sách từ rất sớm, chị Kim Hoa (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) hào hứng chia sẻ: “Đây là lần thứ hai mình đến với Ngày Sách Việt Nam, lần này mình cảm nhận được không khí nhộn nhịp của một Ngày Sách đúng nghĩa. Đặc biệt hơn, khi không gian cho các bạn nhỏ đã được quan tâm nhiều hơn, với đa dạng đầu sách, có khu vui chơi riêng, có những hoạt động trải nghiệm đầy bổ ích… Và cậu con trai của mình đã rất hào hứng và nhanh tay tậu được vài cuốn sách mới nhân dịp này”.

HỒNG HẠNH