'Đánh thức' tiềm năng du lịch Kon Tum

Sống xanh - Ngày đăng : 21:37, 24/04/2022

Các chuyên gia cho rằng Kon Tum có tiềm năng rất lớn về du lịch với nhiều lợi thế riêng có, do đó, trước mắt tập trung vào phát triển "tam giác": TP. Kon Tum, huyện Ngọc Hồi và huyện Kon Plông.

Sáng 24/4, tại TP. Kon Tum, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Kon Tum tổ chức Diễn đàn du lịch với chủ đề "Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng".

Tham dự diễn đàn có đại diện các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 4 tỉnh Nam Lào, tỉnh Rattanakiri, Stungtreng (Campuchia); các chuyên gia kinh tế và phát triển du lịch cùng trên 300 doanh nghiệp lữ hành.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Kon Tum có nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc chưa được khai thác. Đó là vị trí, khí hậu, địa hình, cảnh quan (Ngã ba Đông Dương, danh thắng Măng Đen, vườn quốc gia Chư Mom Ray, khu bảo tồn Ngọc Linh...);  có nền văn hóa độc đáo, đa dạng với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; các di tích, di sản văn hóa lịch sử cách mạng; nhà thờ gỗ, các làng văn hóa dân tộc, quốc bảo sâm Ngọc Linh, ẩm thực đặc sắc…

Vì thế, Kon Tum có thể phát triển mạnh các loại hình du lịch có thế mạnh như du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, du lịch nông nghiệp cao nguyên và các loại hình nghỉ dưỡng, khám phá, sinh thái cộng đồng.

Tuy nhiên, kết quả thu được của du lịch Kon Tum nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Tổng thu du lịch năm 2019, Kon Tum chỉ đạt 297 tỷ đồng. Dù vậy, khách du lịch đến với Kon Tum đang có dấu hiệu tăng dần theo từng năm, trung bình tăng 18%/năm nên đây là cơ hội để Kon Tum đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, phát triển du lịch.

"Định hướng là phát triển Kon Tum trở thành điểm đến du lịch nổi bật đặc trưng của vùng Tây Nguyên về du lịch xanh, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đặc sắc Tây Nguyên trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa các dân tộc Kon Tum", ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Dương Nương.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định  Kon Tum có đầy đủ yếu tố về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, đồng bào các dân tộc thiểu số mang đậm bản sắc dân tộc, chan chứa, hiền hòa, qua đó kiến tạo nên các sản phẩm du lịch. Kon Tum không chỉ có vị trí quan trọng về địa lý, mà còn có nhiều di tích, di sản văn hóa có giá trị lớn.

Ông Nguyễn Văn Hùng hy vọng các doanh nghiệp tham dự diễn đàn sẽ kết nối nhu cầu đến với điểm đến Kon Tum, để các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của Kon Tum. Khi nhu cầu cao, lượng khách đến đông thì du lịch Kon Tum sẽ phát triển. Kỳ vọng sau Diễn đàn, du lịch Kon Tum nói riêng, du lịch Tây Nguyên và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung sẽ khởi sắc, bắt kịp đà phát triển du lịch của cả nước. 

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn thông tin, với lịch sử gần 110 năm hình thành và phát triển, các dân tộc tỉnh Kon Tum đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tạo nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, cùng các yếu tố đặc thù về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thảm thực vật rừng đã tạo cho địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo. 

Trong tiến trình phát triển và hội nhập, tỉnh Kon Tum xác định rõ quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển, trong đó du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

"Xác định được lợi thế và tiềm năng du lịch của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt việc đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch chất lượng cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, đã hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm của các tập đoàn lớn có uy tín trong nước, làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành du lịch Kon Tum" , Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum thông tin thêm.

Sáu tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch - Ảnh: VGP/Dương Nương.

Tại Diễn đàn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố kế hoạch phát triển du lịch Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030, nhằm phát huy lợi thế của khu vực, khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng phát triển du lịch, hình thành khối liên kết, điểm đến chung thống nhất để kết nối các địa phương, các khu du lịch tầm cỡ; tạo dựng thương hiệu du lịch khu vực này.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đón 3,3 triệu lượt khách du lịch, tăng trưởng trung bình 14%/năm; đến năm 2030, tăng gấp 2 lần về lượng khách; hình thành được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi tương đối đồng bộ; hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối thuận lợi; nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển.

Trong dịp này, các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch. Tỉnh Kon Tum ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM về hỗ trợ khôi phục hoạt động các doanh nghiệp du lịch Kon Tum và thỏa thuận hợp tác với Liên chi hội Lữ hành Việt Nam về hỗ trợ tăng khách du lịch đến Kon Tum hỗ trợ phục hồi du lịch.

Dương Nương

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ