Techfest VietNam 2022: Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới
Dòng chảy - Ngày đăng : 20:48, 04/12/2022
Techfest Vietnam 2022 với chủ đề "Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới”. Mục tiêu của Techfest VietNam 2022 hướng tới thúc đẩy các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo mà Việt Nam có lợi thế và tiềm năng để giải quyết những ảnh hưởng của đại dịch cũng như phục hồi kinh tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững.
Tham gia Chương trình Dấu ấn Techfest Vietnam 2022 - Đổi mới sáng tạo khơi nguồn tư duy mới, diễn ra vào tối 3/12/2022, có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Uỷ viên Trung ương Đảng - Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Techfest Vietnam 2022
Cùng dự còn có các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các viện nghiên cứu và trường đại học; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các nhà hoạch định chính sách, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư và chuyên gia khởi nghiệp uy tín trong nước, quốc tế.
Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Động lực quan trọng phát triển của mỗi quốc gia
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng hoan ngênh và đánh giá cao việc tổ chức sự kiện Techfest 2022 nhằm cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong cả nước và quốc tế có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và kết nối hợp tác vì một cộng đồng năng động, sáng tạo, thịnh vượng và phát triển.
Cũng theo Thủ tướng, tại diễn đàn này, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm quý báu đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực khả thi cho đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ ba từ trái qua) chứng kiến Lễ ký thoả thuận hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số.
Thủ tướng cũng đánh giá: “Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo luôn là một nguồn lực, động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thực tiễn kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, khởi nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp là động lực quan trọng của nền kinh tế của các quốc gia, góp phần giải quyết khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới sự phát triển của mỗi quốc gia nói riêng và thế giới nói chung.”
Thủ tướng cũng cho biết, khởi nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng ta được đề cập tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và được Đại hội lần thứ XIII khẳng định lại với quyết tâm cao hơn, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.
Tại Techfest 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo phải là toàn dân, toàn hệ thống
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ cụ thể hoá bằng các cơ chế chính sách ban hành khuôn khổ pháp lý và các đề án hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia….
Techfest Quốc gia: Tổng kết các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong những năm vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hình thành và phát triển hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, liên kết với các doanh nghiệp lớn và các địa phương để kết nối, điều phối các nguồn lực cũng như phát triển một số lĩnh vực công nghệ chuyên sâu.
Qua đó, góp phần vào việc hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương một cách bài bản, có định hướng theo lộ trình và đặc thù riêng, trở thành cầu nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi lễ Techfest 2022.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, như mọi năm, Techfest quốc gia được tổ chức vào cuối năm là dịp để tổng kết, đánh giá, báo cáo Chính phủ về các hoạt động xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cả nước suốt 1 năm qua và lắng nghe về định hướng phát triển trong các năm tiếp theo.
Năm nay, Techfest VietNam có sự mở rộng về quy mô với nhiều nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp. Thông qua chuỗi sự kiện cấp vùng, cấp địa phương, Techfest đã đưa hoạt động của các làng công nghệ, các chuyên gia và các doanh nghiệp cùng đồng hành và phát hiện và giải quyết bài toán của các địa phương bằng công nghệ và các giải pháp sáng tạo.
Techfest VietNam 2022 mong muốn phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo hướng toàn diện với tư duy mở (VOIP), tập trung vào ba trụ cột chính. Trụ cột đầu tiên, nhà nước là khách hàng tiềm năng và đặt ra đề bài, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trụ cột thứ hai, các tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục đưa ra bài toán, tìm kiếm sáng kiến, trở thành khách hàng và hỗ trợ các nguồn lực từ tài chính, chuyên gia, thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trụ cột thứ ba của VOIP thúc đẩy trách nhiệm giải quyết các vấn đề xã hội, các thách thức toàn cầu về phát triển bền vững của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. |
Techfest là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong khuôn khổ Đề án 844 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, Techfest đã trở thành một sự kiện có uy tín, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp, các chuyên gia, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đặc biệt trong những năm gần đây là sự tham gia tích cực của các tập đoàn, tổng công ty trong nước, quốc tế.
Mô hình Techfest được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 Techfest vùng, địa phương được tổ chức trong năm 2022. Đồng thời, ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương như tại Sơn La, Lai Châu, Cần Thơ, ... và cấp vùng như Đồng Bằng Sông Cửu Long, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ…
Việt Nam: Vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp Đông Nam Á
Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cũng đã khẳng định xuyên suốt các nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới sáng tạo đối với các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ cũng như hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy và phát triển các mạng lưới, trung tâm và nền tảng đổi mới sáng tạo mở.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các vị đại biểu bấm nút khởi động Techfest 2022.
Naăm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021.
9 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến lượng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam giảm nhẹ so với năm 2021, tập trung cho các doanh nghiệp ở giai đoạn phát triển thị trường với quy mô đầu tư từ 10 - 50 triệu USD.
Việt Nam hiện có 4 "kỳ lân" công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.
Việt Nam hiện có 4 "kỳ lân" công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.
Cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học/cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp lâu dài, hơn 200 khu làm việc chung, khoảng 20 địa phương đã và đang xây dựng đề án hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương; 39 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo".