Biến đổi khí hậu đã hiển hiện!

Dòng chảy - Ngày đăng : 10:11, 01/03/2023

Hồi đầu tháng 2/2023, trước tình hình mặn lên xuống thất thường, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre... đã chủ động đóng cống, ngăn mặn, đảm bảo sản xuất ổn định cho người dân. Điều đáng chú ý, tình hình xâm nhập mặn năm 2023 tại Đồng bằng sông Cửu Long lại đến sớm, dù mưa lũ trong năm 2022 về khá lớn, khá nhiều.

Việt Nam: Biến đổi khí hậu diễn ra sớm và mạnh hơn dự báo!

Tình hình của năm 2023 có thể tiếp tục đặt ra cho nước ta sự ứng phó chủ động và tích cực hơn nữa đối với vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Bởi nhiều chuyên gia đã khẳng định, BĐKH ở Việt Nam đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với dự báo. Thời tiết, khí hậu ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng cực đoan và khó dự báo, thể hiện qua các biểu hiện bất thường của các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết khác.

Các diễn biến khi đó có thể coi là một cột mốc để đánh dấu mức độ rõ rệt về sự tác động của BĐKH đối với nước ta. Có năm, tình hình lũ trên sông Cửu Long về muộn và thấp hơn các năm trước đó, nhưng sau vài trận mưa lớn, nhiều tỉnh thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả TP.HCM đã bị ngập nặng. Trong những ngày cuối tháng 9 năm 2022, nhiều địa phương đã được ghi nhận “ngập kỷ lục”, từ Cà Mau, Cần Thơ cho đến Bến Tre, Vĩnh Long… Tình trạng này không đơn giản là ngập úng cục bộ, là do mưa quá lớn trong thời gian ngắn mà do nhiều yếu tố, trong đó có BĐKH.

Do biến đổi khí hậu, trong những ngày cuối tháng 9 năm 2022, nhiều địa phương đã được ghi nhận “ngập kỷ lục”, từ TP.HCM đến Cà Mau, Cần Thơ cho đến Bến Tre, Vĩnh Long… Ảnh: Ngập trong mưa ở TP Thủ Đức (TP.HCM)

Điểm qua các báo, chúng ta thấy rõ sự cảnh báo của các chuyên gia tình hình BĐKH ở nước ta, nhất là khu vực Nam bộ, như: ĐBSCL chỉ còn trên mực nước biển 0,8m, nguy cơ di tản 12 triệu người (Tuổi trẻ); Nam bộ nguy cơ ngập úng, lũ ở ĐBSCL đạt báo động 1 (Zing); ĐBSCL chỉ tồn tại 80 năm? (Thanh niên); Nước sông Mekong đang xuống chậm, nhiều khu vực tại ĐBSCL vẫn ngập (VOH); ĐBSCL: Mùa nước nổi đang... “chìm” (Lao động); Ngập lụt, sạt lở bủa vây các tuyến đường ĐBSCL (Giao thông); Xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục tăng (Tuổi trẻ); Nước mặn ở miền Tây xâm nhập nhanh, cơ quan chức năng kêu gọi người dân cảnh giác (Tuổi trẻ); Việt Nam cần 368 tỷ USD khắc phục tác động của BĐKH (VTV)…

Nhận thức về biến đổi khí hậu vẫn còn mơ hồ

Thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực và chủ động xây dựng các kịch bản về BĐKH và các biện pháp ứng phó. Công tác tuyên truyền đã được thực hiện khá sâu rộng với nhiều hình thức cụ thể. Tuy nhiên, sự chuyển động trên thực tế còn khá hạn chế. Nhận thức của người dân về BĐKH vẫn còn khá mơ hồ, nghe như việc sẽ xảy ra còn lâu lắm và ở đâu đó xa mình lắm. Các hoạt động thực tiễn của các địa phương, ban ngành phần nhiều dừng lại ở các đề án, dự án chứ ít đi vào cụ thể đời sống.

Ngay cả việc ngăn chặn nạn hút cát trên sông, dù đã có nhiều biện pháp, vẫn thường xuyên để xảy ra nạn khai thác trộm, khai thác bừa bãi, dẫn đến sạt lở ở nhiều nơi. Hay mũi Cà Mau từng là bãi bồi và được nhà văn Nguyễn Tuân ví như là “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, hiện nay đã liên tục sạt lở, dẫn đến nguy cơ mất đất, mất rừng mà vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Tình trạng xâm ngập mặn, độ mặn tăng cao vào mùa khô nhưng lại ngập úng vào mùa mưa diễn ra khá thường xuyên. Ảnh minh họa

Hay tình trạng xâm ngập mặn, độ mặn tăng cao vào mùa khô nhưng lại ngập úng vào mùa mưa diễn ra khá thường xuyên, song sự thích nghi của người dân qua các chủ trương điều chỉnh sinh kế của nhà nước vẫn còn hạn chế. Kể cả trong hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH của Việt Nam với các nước cũng diễn ra chậm chạp, chưa thực sự có hiệu quả, nhất là với các nước trong khu vực…

Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh đó, không thể chậm trễ hơn nữa trong việc triển khai ngay các biện pháp ứng phó với BĐKH trong phạm vi cả nước, nhất là với các khu vực chịu ảnh hưởng sớm và nghiêm trọng nhất, trong đó có ĐBSCL và TP.HCM.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân, nhất là ở các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng nhất, nhận thức được rằng BĐKH đang đến rất gần, cần phải có sự chủ động thích nghi ở cấp độ vi mô. Bản thân mỗi người dân cần có sự điều chỉnh nếp sống, cách mưu sinh và một số hành vi để tham gia ứng phó với điều kiện sống mới, như giảm dần sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, di dời đến những nơi ở mới phù hợp, giảm các hành vi xâm hại đến môi trường tự nhiên (như xả rác thải, thay đổi dòng chảy tự nhiên, đào lấp hoặc gây tác động xấu đến đê chắn sóng, bờ ngăn triều…).

Không thể chậm trễ hơn nữa trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong phạm vi cả nước, nhất là các khu vực chịu ảnh hưởng sớm và nghiêm trọng nhất, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Ảnh minh họa

Thứ hai, triển khai ngay các kịch bản ứng phó với BĐKH trong các tầm nhìn ngắn, như điều chỉnh quy hoạch để hạn chế thiệt hại do ngập úng, sạt lở; đẩy mạnh việc trồng cây ven biển, ven sông để giữ đất, ngăn sạt lở; di dời một số bộ phận dân cư đến sinh sống ở các khu vực mới; thực hiện các công trình tiêu úng và chống ngập theo công nghệ tiên tiến… Nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp này, thiệt hại có thể rất nặng nề, đồng thời gặp khó khăn trong việc triển khai các kịch bản tiếp theo, kể cả việc không rút ra được những kinh nghiệm cần thiết trong tiến trình ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.

Thứ ba, đẩy mạnh các biện pháp hợp tác quốc tế trong vấn đề ứng phó BĐKH, nhất là với các nước trong khu vực. Trong đó, cần có sự hợp tác tốt hơn trong vấn đề sử dụng dòng Mekong, để con sông này không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của hàng chục triệu người dân ở ĐBSCL mà còn là một trong những giải pháp tự nhiên tham gia tích cực vào ứng phó với BĐKH. Cần tích cực học tập các giải pháp ứng phó của các nước tiên tiến và thực hiện một cách căn cơ, theo lộ trình dài hơi, có tầm nhìn chiến lược, chứ không phải chỉ các giải pháp ngắn hạn, trước mắt.

Trên thực tế, đôi lúc, một số biểu hiện chỉ được nhìn nhận ở góc độ khá hẹp nên có thể chưa đánh giá được đầy đủ các nguyên nhân sâu xa và có tính bản chất của nó. Chẳng hạn, nạn ngập úng ở một số nơi được cho là do mưa lớn, do các công trình chống ngập hoạt động không hiệu quả… Tuy nhiên, vấn đề đó cần được nhìn rộng hơn, như vì sao trước đây vẫn có mưa lớn nhưng tình trạng không nghiêm trọng, vì sao các công trình lại không có hiệu quả dù trước đó đã được nghiên cứu đầy đủ tính năng của nó…

Dẫu rằng có những vấn đề trong quản lý, thực hiện nhưng cũng nên nhìn nhận cả các yếu tố khách quan, như mức độ lún của địa chất, do mực nước dâng cao, do sự khắc nghiệt của khí hậu… Có nhìn nhận được đầy đủ như vậy, các giải pháp khắc phục, ứng phó mới có nhiều điều kiện đạt hiệu quả cao, nhất là trong bối cảnh BĐKH đang đến rất gần và rất nhanh.

Trúc Giang