Việt Nam sẽ có robot AI cạnh tranh với ChatGPT
Dòng chảy - Ngày đăng : 13:07, 03/04/2023
Mới đây, Công ty Cổ phần quốc tế ETT đã tổ chức họp báo chính thức giới thiệu phiên bản thử nghiệm robot trí tuệ nhân tạo có tên là Anan. Được biết, tên của Robot được lấy theo cảm hứng từ nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An.
Anan được nghiên cứu và phát triển trong bốn năm. Robot trí tuệ nhân tạo này có khả năng thực hiện các cuộc thoại bằng ngôn ngữ tự nhiên dựa trên công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Về lý thuyết, Anan hoạt động theo cơ chế nhập thông tin trao đổi bằng giọng nói tiếng Việt, tiếp theo sẽ phân tích và đánh giá nội dung, để từ đó đưa ra quyết định giao tiếp phản hồi. Theo giới thiệu, mẫu robot này nghe hiểu bằng tiếng nói với 80% nội dung giao tiếp căn bản tiếng Việt.
So với các nền tảng và ứng dụng AI bằng tiếng Việt, Anan tỏ ra vượt trội về khả năng hiểu người dùng. Các nền tảng cũ chỉ hiểu được những câu lệnh ngắn mặc định được nạp (dạy) từ trước. Nếu người dùng nói sai câu lệnh, ví dụ như cùng ý nghĩa nhưng khác cách diễn đạt, thì AI sẽ không hiểu, thậm chí thực hiện sai.
Anna có bước tiến lớn khi nhận diện được chính xác ý định người dùng muốn đề cập, kể cả những đoạn nói chuyện dài mà không cần khớp với các câu lệnh đã được dạy, rồi đưa ra nội dung phản hồi theo kịch bản đã được xây dựng từ trước.
Ba nhà sáng lập nhóm phát triển robot Anan. Ảnh: Trọng Đạt/Vietnamnet
Chia sẻ với báo chí, đại diện nhóm phát triển cho biết mục tiêu của Anan là thay thế hoặc trợ giúp các công việc cần giao tiếp theo quy trình như giáo viên kỹ năng sống, tư vấn tâm lý, tư vấn bán hàng, trợ lý hướng dẫn sử dụng...
Tại buổi thử nghiệm, Anan đã trình diễn khả năng giảng dạy kỹ năng sống một cách đầy đủ tương tự một giáo viên thực thụ. Robot AI này có thể thực hiện nhiều hoạt động như dẫn dắt học sinh vào bài học, trao đổi thảo luận, phân tích đánh giá câu trả lời, lựa chọn nội dung phù hợp để đào tạo tiếp, kiểm tra lại kiến thức đã dạy, tổng hợp kết quả, ôn lại bài cũ... Theo nhóm phát triển, nếu hoạt động ở lĩnh vực giáo dục, Anan sẽ báo báo trạng thái tâm lý và kết quả học tập của con thông qua ứng dụng di động để các phụ huynh tiện theo dõi.
So sánh với nền tảng trí tuệ nhân tạo đang gây sốt hiện tại là ChatGPT, đại diện nhóm phát triển tiết lộ cả hai có điểm giống là đều xây dựng trên công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên Transformer của Google. Sự khác biệt nằm ở hai yếu tố chính.
Đầu tiên, Anan có khả năng tương tác với người bằng giọng nói tiếng Việt, trong khi ChatGPT nhập liệu và phản hồi qua chữ viết. Thứ hai, các nội dung giao tiếp của Anan đều được kiểm duyệt và nhóm phát triển sẽ chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng câu trả lời.
Bên cạnh đó, Anan cũng sẽ rất thông minh khi có thể chủ động điều khiển việc giao tiếp, dẫn dắt người đối diện vào chủ đề chính thay vì trả lời các nội dung ngoài chương trình học.
Đại diện nhóm phát triển tiết lộ điểm yếu của Anan chính là chỉ sử dụng duy nhất ngôn ngữ Tiếng Việt, nhưng điều này sẽ sớm được khắc phục trong các phiên bản tiếp theo. Về khả năng nhận diện ngôn ngữ tiếng Việt theo vùng miền, Robot này có thể sử dụng giọng nói đặc trưng của Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và một số tỉnh lân cận.