Thị trường Logistics Việt Nam xếp hạng 11 trong “50 thị trường Logistics mới nổi toàn cầu”

Kinh doanh - Ngày đăng : 18:49, 19/10/2022

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường Logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong Nhóm 50 thị trường Logistics mới nổi toàn cầu nhờ sự “chuyển mình” mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ Logistics.

Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường Logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 với GDP sau 9 tháng năm 2022 đạt mức 8,83%.

Các số liệu trên được báo cáo trong Diễn đàn: “Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển.”. Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và SEA Logistic Partners (SLP Việt Nam) tổ chức vào ngày 19/10/2022.

Việt Nam: Thị trường logistic tiềm năng

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hiện nay, thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.

Theo ông Khoa, các tên tuổi lớn trong danh sách 50 công ty logistics lớn nhất thế giới cũng đã hiện diện trong thị trường logistic Việt Nam như: Kuehne + Nagel, DHL Supply Chain & Global Forwarding, DSV, DB Schenker, Nippon Express, Expeditors, UPS Supply Chain Solutions. Những gương mặt mới nổi như Maersk Logistics, CEVA Logistics (thuộc CGM-CMA) ...

“Sự “lên ngôi” của các xu hướng Vận chuyển, Logistics và Chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường mới nổi đầy tiềm năng,” ông Đào Trọng Khoa khẳng định.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia tại diễn đàn, để biến thị trường logistics từ tiềm năng thành hiện thực, cần một chính sách tổng thể từ thu hút đầu tư tới cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... và các cơ quan chức năng đã và đang xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả.

Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam với các ông lớn như Shopee, Lazada hay Tiki đã trở thành cơ hội đầy tiềm năng để các tập đoàn đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng kho vận hiện đại đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc phát triển chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp logistics Việt cũng từng bước chuyển mình, đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng, kho bãi hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới.., gia tăng thị phần và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với logistics xanh, ông Đặng Anh Diệp, Phó giám đốc chi nhánh công ty Tân Cảng ĐBSCL chia sẻ, biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết của chúng ta trong những năm gần đây rất khó lường, bão tố, thiên tai,... mọi thứ đều ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh của mọi người. Vì thế, việc triển khai logistics xanh nói chung trên toàn thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, trong đó Tân cảng Sài Gòn cũng không phải ngoại lệ.

“Chúng tôi hiện đang triển khai mạnh mẽ các đội tàu, xà lan kết nối với các khu vực trong hệ thống Đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực từ Bắc Ninh, Bắc Giang, đến các cụm cảng quốc tế lớn như Hải Phòng.

Ông Đặng Anh Diệp, Phó giám đốc chi nhánh công ty Tân Cảng ĐBSCL

Sau dịch bệnh Covid-19, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng diễn ra không chỉ ở nội bộ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Việc triển khai sớm hệ thống xà lan kết nối, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng thời giúp duy trì được toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng ở các khu vực, các nhà máy đến khu vực cảng; hạn chế được việc đứt gãy, đảm bảo hoạt động ổn định khi đường bộ đã bị phong tỏa trong thời gian dài, cũng là thời điểm phát huy tác dụng của đường thủy. Đặc biệt, lợi thế mà đường thủy mang lại liên quan đến yếu tố môi trường cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn”, ông Đặng Anh Diệp bày tỏ.

Nền tảng hệ thống kho bãi đang có quy chuẩn chưa cao

Bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương Mại Công ty SLP Việt Nam, chia sẻ: “Hiện nền tảng hệ thống kho bãi của Việt Nam đang có quy chuẩn chưa cao, còn khá nhiều doanh nghiệp Logistics chưa cung ứng được sâu chuỗi các dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Ngoài ra, nhu cầu về vị trí kho vận tiệm cận khu vực nội đô (TP.HCM, Hà Nội), cũng như nhu cầu xây dựng kho vận quy chuẩn theo hệ thống toàn cầu ngày một tăng cao.”

Bà Ngọc Diệp cho biết thêm, hiện nay, hệ thống cung cấp các chuỗi dịch vụ Logistics thiếu sự tích hợp, chưa áp dụng số hóa trong quản lý, tự động hóa trong vận hành vẫn là khái niệm mới mẽ. Trong khi nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao.

Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động logistics tại Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đặt ra nhiều bài toán vận hành tối ưu hơn, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng cao. Ảnh minh họa

Điều này đặt ra cho nhiều doanh nghiệp trong ngành Logistics Việt Nam nhu cầu thay đổi và "chuyển mình" theo xu hướng không thể đảo ngược với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi hiện đại, áp dụng quản lý số và tự động hóa trong vận hành, mô hình quản trị ngày càng chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Văn - Giám đốc Công ty Global Robotics Service Việt Nam phân tích, ngành logistics Việt Nam đang “chuyển mình” mạnh mẽ kể từ sau khi Hiệp định WTO (Tổ chức Thương mại Quốc tế) có hiệu lực vào năm 2014. Việt Nam hiện trở thành thị trường đứng thứ 11 trong các thị trường logistics mới nổi năm 2022.

Tuy nhiên, năng lực vận hành và hiệu quả trong hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics, đặc biệt là trong hoạt động mảng kho bãi ở Việt Nam vẫn ở mức thấp nếu so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Indonesia.

Dùng robot trong phục vụ các hoạt động nhà kho hiện đại

Phân tích về sự khác biệt giữa hoạt động thương mại điện tử với hoạt động kho hàng truyền thống, ông Hong Ming, giám đốc điều hành (CEO) GRS Global nêu, khu vực kho bãi có nhiều hoạt động như lựa chọn và phân loại hàng, đóng gói một số dịch vụ giá trị gia tăng. Do đó, robot sẽ xuất hiện để phục vụ các hoạt động sẽ diễn ra trong nhà kho hiện đại.

Ảnh minh họa

Ông Hong Minh cho biết, ứng dụng robot trong hoạt động tại các kho bãi cũng góp phầm làm giảm những sai sót có thể xảy ra trong quá trình thực hiện công việc, và góp phần cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Ứng dụng robot sẽ làm tăng năng suất hoạt động của kho bãi vào mùa cao điểm khi các robot hiện đại có thể thực hiện lượng công việc lớn trong một khoảng thời gian rất ngắn.

“Một trong những nguyên nhân là việc áp dụng các giải pháp tự động hóa trong các khâu của hoạt động kho bãi chưa được xem trọng và đầu tư đúng mức. Số lượng các công ty áp dụng công nghệ chia chọn tự động vẫn còn khá khiêm tốn, chủ yếu ở mảng thương mại điện tử, hay chuyển phát nhanh vốn đòi hỏi phải xử lý lượng đơn hàng lớn hằng ngày”, ông Văn nói.

Đề xuất giải pháp, ông Văn cho rằng, doanh nghiệp cần áp dụng “mô hình dịch vụ chia chọn tự động - RaaS” giúp các doanh nghiệp “thuê” robot dưới dạng một sản phẩm dịch vụ chia chọn bao gồm phần cứng (robot, hệ thống…), phần mềm điều khiển và quản lý kèm theo các gói giải pháp trong khâu chia chọn.

Gói dịch vụ chia chọn đã bao gồm tất cả từ khâu thiết bị, phần mềm đến cả việc bảo trì hệ thống sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hơn.

Khởi Giao