Dòng chảy

Chuyện người thương binh luôn lạc quan, truyền cảm hứng cho thế hệ sau

Vũ Thu Hằng 27/07/2025 - 08:34

“Hôm nay các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, thôn đã đến thăm bố rồi đấy, cảm động lắm con ạ. Năm nay là năm đầu tiên sáp nhập các xã nên địa bàn xã trải rộng, các anh ấy phải đi nhiều nơi hơn, vất vả hơn nhưng vẫn dành thời gian đến thăm bố. Hôm nay các anh ngồi chơi lâu lắm con ạ, còn tặng bố bao nhiêu là quà”.

Bố tôi, thương binh Vũ Văn Xuyến luôn bắt đầu câu chuyện với con gái lớn như vậy, niềm vui và niềm hạnh phúc luôn trào dâng trong ánh mắt của ông.

vxx.jpg
Bác Vũ Văn Xuyến luôn được chính quyền quan tâm, động viên thăm hỏi

Ông bảo dù chiến tranh đã lùi xa bao nhiêu năm, vết thương ở chân, ở bụng ông khi trời trở gió vẫn đau nhức, nhưng nghĩa tình đồng đội, sự quan tâm, động viên của Đảng và Nhà nước, của các cấp chính quyền, của các đơn vị doanh nghiệp dành cho những người lính bộ đội cụ Hồ như bố tôi nhân dịp tháng 7 - tháng của tri ân - tháng kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) luôn khiến ông cảm thấy rưng rưng. Ông luôn thấy mình thật may mắn so với bao đồng đội đã ngã xuống, hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, để ngày nay chúng ta được sống trong hòa bình và tự do.

“Bố may mắn hơn các đồng đội nhiều con ạ. Bởi mình còn sống, dù là thương binh nhưng còn sống là còn hi vọng, còn sống là còn nhận được sự quan tâm, còn sống là còn tất cả. Những dịp như tháng 7 có ngày thương binh liệt sĩ, rồi tết dương lịch hay âm lịch, bố đều được mọi người quan tâm, được tặng rất nhiều quà. Còn đồng đội của bố, nhiều người đã hi sinh bao nhiêu năm giờ này gia đình vẫn không biết phần mộ đang nằm ở đâu. Thiệt thòi và xót xa lắm con ạ”. ông luôn nghẹn ngào như thế mỗi khi sẻ chia.

Người thương binh kiên cường và hành trình 15 năm tập đi

Khi tôi còn bé tí thì bố tôi đã phải dùng hai cây nạng để tập đi lại. Ngày bé, tôi ghét cây nạng gỗ của bố kinh khủng, chỉ mong bố không phải phụ thuộc vào nó và cất nó ở trên gác bếp. Nhưng chứng kiến hành trình rèn luyện của bố tôi với cây nạng gỗ, tôi cũng học hỏi được ở ông rất nhiều điều.

Nhớ những ngày bố tôi còn phụ thuộc vào đôi nạng và phải tập đi, bố cố gắng lắm mới chống nạng tập đi được từ trong nhà ra đến ngoài hiên là áo ướt đẫm mồ hôi. Nhưng ngày nào ông cũng luyện tập không ngừng nghỉ. Ông bảo mình đã được sống, thì phải sống sao cho đáng sống. Nhìn cái dáng tập đi tập tễnh từng bước của bố, tôi luôn thấy đau thắt cả ruột gan.

Không năm nào là bố tôi không phải vào viện để chiến đấu với tử thần, nhưng ý chí và nghị lực sống của ông thì luôn khiến chúng tôi phải cảm phục và học tập. Bố tôi có một “núi bệnh” trong người, những vết thương chi chít, chằng chịt ở bụng, ở chân, rồi bệnh mỡ máu, bệnh tiểu đường… nhưng ông lúc nào cũng cười thật phúc hậu, thật tươi nên không ai biết ông luôn phải gồng mình chiến đấu để vượt qua bệnh tật và vượt qua chính mình. Ở ông có một nghị lực sống và một ý chí sống kiên cường.

Bố tôi đã kiên trì rèn luyện, tập đi suốt 15 năm để có thể rời bỏ đôi nạng gỗ, đi lại được trở lại bình thường. Trong thời gian này, "cuộc chiến" với thương tật, đau yếu là vô cùng gian khổ nhưng bố tôi vẫn nỗ lực tập luyện, dù đau nhức óc cũng quyết không lùi bước. Bố tôi luôn nhớ đến những tấm gương của các thương binh cụt một chân mà vẫn chơi bóng chuyền, bóng bàn và tự nhủ: “Nếu họ có thể làm được, tại sao mình không thể? Các bác sĩ đã giúp mình giữ lại cái chân này thì mình phải cố gắng để đứng dậy và đi lại bằng được, để có cơ hội được về nhà chứ không phải mãi ở trại an dưỡng".

th.jpg

Để được như bây giờ, bố tôi đã tập luyện và làm rách không biết bao nhiêu chiếc quần. Cái chân bó nẹp cứng đơ, cứ mỗi bước lại cọ vào, rồi rách toạc. Nạng gỗ cũng gãy không biết bao nhiêu cái, cứ ngã gãy cái này lại thay cái khác. Giai đoạn đầu, bố chỉ có thể rà nhẹ chân phải trên mặt đất để tìm lại cảm giác. Bố tôi còn đeo một quả tạ vào cổ chân phải để tập co, duỗi. Mỗi lần như vậy, cơn đau thấu xương khiến nước mắt ứa ra nhiều nhưng phải chịu thôi. Răng nghiến ken két để quyết không lùi bước đấy", mỗi lần kể về thương tật và hành trình tập đi của mình, bố tôi luôn cười mà nước mắt rơm rớm.

Dần dần, bố tôi bỏ được nẹp chân, rồi đến bỏ nạng. 15 năm tập đi, bố tôi đã tự đi được xe đạp, tự xách nước tưới cây... Vết sẹo hình con rết khổng lồ trên chân bố mà tôi thường thấy, còn vết sẹo trên bụng tôi chỉ thoáng gặp trong những ngày hè, khi ông cởi áo thấm đầy mồ hôi sau lúc làm vườn. Những vết thương vùng bụng đã ảnh hưởng rất nhiều đến hệ tiêu hóa của bố khiến năm nào ông cũng phải đến bệnh viện.

Trong 15 năm quyết tâm tập đi để bỏ được cây nạng, bố tôi luôn bảo: "Mẹ con chính là “người y tá vĩ đại nhất cuộc đời bố”. Không chỉ là y tá, mẹ còn kiêm luôn lao động chính, gánh vác mọi việc nặng trong nhà, từ đóng gạch, đốt lò, làm ruộng, xây nhà, chăm bố, giúp bố tập đi, sinh con và nuôi con... đều do một tay mẹ lo liệu". Còn mẹ tôi mỗi khi kể về bố thì luôn cười hiền hậu: "Chân đau vậy mà thấy mẹ làm gì bố cũng lao vào giúp. Mẹ nhớ cái lần ra ruộng trồng khoai, bố mày chống nạng theo để vun đất. Dù đau lắm nhưng bố mày vẫn cắn răng chịu đựng, không kêu ca câu nào đâu. Mẹ bận đi làm ruộng, toàn bố ở nhà chăm các con rất khéo nên các con đứa nào cũng yêu bố, mê bố…”.

Tháng 7 - tháng của tri ân

Những ngày tháng 7 này, khi cả nước đều hướng về các gia đình thương binh, liệt sĩ, mỗi lần nhận được sự quan tâm dù rất nhỏ thôi, một lời hỏi thăm của những người đồng đội may mắn vẫn còn sống, còn được hỏi thăm nhau hay một món quà nho nhỏ nghĩa tình của các doanh nghiệp quan tâm, động viên dành cho những người như bố tôi, hay là sự quan tâm, thăm hỏi động viên của các cấp chính quyền, bố bảo chẳng hạnh phúc nào bằng đâu con ạ.

Hàng năm, bố được quan tâm từ việc điều trị răng, được trang bị từng đôi giày đến việc được tham gia đoàn nghỉ dưỡng dành cho các thương binh nặng. Đó không phải chỉ là dịp để bố được nghỉ ngơi, mà còn là cơ hội được gặp gỡ các đồng đội của bố, để cùng nhau hàn huyên, chia sẻ những kỷ niệm ngày xưa và động viên, khích lệ nhau trong cuộc sống.

vxx2.jpg

Năm 2023, bố cùng 100 thương binh nặng đại diện cho hơn 963 thương binh nặng của cả nước được tham gia chương trình giao lưu "Ánh lửa từ trái tim 2023" do báo Tiền Phong tổ chức. Bố đã được đi thăm quan thủ đô Hà Nội bằng xe bus 2 tầng, đã được vào lăng viếng Bác, được giao lưu trong một đêm nghệ thuật đặc biệt cùng với các đồng đội của mình. Thật hạnh phúc và không giấy bút nào tả hết.

Đến bây giờ, khắp cơ thể bố tôi vẫn còn nhiều mảnh đạn li ti găm sâu và nó đã biến thành một phần da thịt của bố. Ông bảo tôi rằng ông đã tìm được cách sống chung với những đau đớn của vết thương, coi nó như một người bạn đồng hành, nhắc nhở ông về quá khứ nhưng cũng không làm ông chùn bước trong cuộc sống hiện tại. Mỗi lần bị đau, bố lại nhớ về những đồng đội, những kỷ niệm chiến trường gian khó, ác liệt không thể nào quên, và như thế, bố tiếp tục sống mạnh mẽ hơn, để không chỉ cho bản thân mà còn cho những người đã nằm xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Với riêng tôi, tôi luôn tự hào về bố mình. Bố tôi và rất nhiều các cô bác thương binh nặng đang được chăm sóc ở 25 trung tâm điều dưỡng thương binh, người có công trên toàn quốc, luôn là chứng nhân của thời đại, là những người đã cống hiến phần máu xương, cơ thể cho đất nước. Với thương tật trên 81%, các thương binh vẫn ngày ngày cố gắng vượt lên đau đớn, đối mặt với những khó khăn, thử thách mà người bình thường khó hình dung để tiếp tục sống vui, khỏe, có ích, chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái, tiếp tục đóng góp cho xã hội.

Chúng ta, những thế hệ con cháu sẽ mãi ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh đã dành cho chúng ta cuộc sống hòa bình hôm nay...

Vũ Thu Hằng