Sống xanh

TP.HCM và Lâm Đồng phối hợp quản lý, kết nối tiêu thụ nông sản sạch

Trúc Nhã 26/07/2025 - 17:07

TP.HCM được xem là thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn nhất cả nước, tuy nhiên, nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm của thành phố chỉ đáp ứng được 20-30%. Do vậy, để đảm bảo đủ nguồn thực phẩm an toàn cho người dân, Thành phố đã chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố khác.

Ngày 26/7, tại Trung tâm hành chính công tỉnh Lâm Đồng, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng năm 2024.

Đẩy mạnh hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch

Tại chương trình, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng nhận định, hội nghị này có ý nghĩa rất thiết thực trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh giải quyết, xử lý các vấn đề nổi cộm về an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

z6842219971003_71717d7f90f991a6b6348c02999c87d8.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng thông tin về ngành nông nghiệp địa phương tại hội nghị.

“Đây là sự kiện quan trọng trong công tác phối hợp quản lý về an toàn thực phẩm để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm thật tốt, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chuỗi liên kết thực phẩm an toàn… Đồng thời, sự kiện cũng tạo cầu nối cho các doanh nghiệp của tỉnh gặp gỡ, chia sẻ, quảng bá tiềm năng và kết nối tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp tại TP.HCM” - ông Nguyễn Hoàng Phúc cho hay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, hàng năm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cùng phối hợp với Sở Nông nghiệp và môi trường tỉnh Lâm Đồng kiểm soát chất lượng nông sản về Thành phố. Năm 2024, tỉnh Lâm Đồng có 05 cơ sở tham gia Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” đối với sản phẩm rau, củ, quả, thịt heo cung cấp cho thị trường TP.HCM.

Tính đến đầu tháng 7/2025, tỉnh Lâm Đồng (cũ) đã có 18 cơ sở tham gia đề án "Chuỗi thực phẩm an toàn" trong đó 12 cơ sở rau củ quả đã tham gia cung ứng cho TP.HCM với tổng sản lượng rau, củ, quả đạt khoảng 19.888 tấn/năm và 6 cơ sở chăn nuôi heo thịt chuỗi với tổng sản lượng 8.081 tấn/năm.

z6843346129022_464f2089dfc685c551a9dd4ddd23dfa7.jpg
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tại Lâm Đồng giới thiệu nông sản bên lề hội nghị.

Chất lượng nông sản của tỉnh Lâm Đồng ngày càng đảm bảo, trong năm 2024, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã triển khai lấy 332 mẫu rau củ quả có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả kiểm nghiệm có 331/332 mẫu an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và có 01/332 mẫu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định. Các cơ sở có mẫu sản phẩm vi phạm quy định đều được Sở An toàn thực phẩm thông tin đến Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng để phối hợp kiểm soát an toàn thực phẩm.

Từ đầu năm 2025, hai địa phương đã triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm” nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa từ nguồn đến nơi tiêu thụ. Hơn 200 doanh nghiệp, HTX tại Lâm Đồng đã liên kết với 9 hệ thống phân phối lớn tại TP.HCM … để đưa thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đến tay người tiêu dùng thành phố.

Đảm bảo thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn

Tại chương trình, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” được thực hiện với mục tiêu đảm bảo các loại thực phẩm, đặc biệt là các nhóm nông sản như: rau, củ quả, thịt, hải sản, trứng, nước mắm,… làm sao đảm bảo sạch từ trang trại đến bàn ăn.

z6842235029200_ff0ec4031919a7d88ae32824056589cc.jpg
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, TP.HCM không phải là địa phương có thế mạnh sản xuất nông sản, thực phẩm. Quỹ đất nông nghiệp không còn nhiều và chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực khác, cho nên 70 đến 80% số lượng nông sản thực phẩm mà người dân Thành phố tiêu thụ mỗi ngày là đến từ các tỉnh, thành khác trong cả nước.

"Để đảm bảo thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn thì cần phải có sự tham gia giúp sức của tất cả mọi người cùng vào cuộc, từ các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành nông nghiệp tại các địa phương cung ứng thực phẩm cho thành phố. Vì vậy, Sở đang phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn với 15 tỉnh thành cũ và đang tiếp tục được cập nhật theo thay đổi địa giới hành chính mới. Riêng với Lâm Đồng, sau nhiều lần sơ kết, việc giám sát chất lượng nông sản, đặc biệt là rau, củ, quả đã có chuyển biến rõ nét.

TP.HCM ưu tiên đưa sản phẩm đạt chuẩn chuỗi an toàn vào các kênh tiêu dùng lớn như siêu thị, trường học, bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, khách sạn... Đồng thời, TP.HCM cũng tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên những mặt hàng, chuỗi thực phẩm an toàn này nhằm đảm bảo chất lượng như cam kết" PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan thông tin.

Về vấn đề chợ đầu mối, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, rau củ quả từ Lâm Đồng về chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Những sản phẩm công bố là sạch đều có kết quả kiểm nghiệm cụ thể, loại trừ nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất độc hại. Tuy nhiên, ở chợ truyền thống hay các sạp bán rong lề đường thì nguy cơ giả mạo, nhái nguồn gốc vẫn còn, dù chưa phát hiện vụ việc lớn.

z6843369029086_88cc0b42c927de97331000696d61323d.jpg
Khoảng 70 đến 80% số lượng nông sản thực phẩm mà người dân Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ mỗi ngày đến từ các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Quản lý tốt, sản xuất sạch và tiêu dùng an toàn

Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp đang dần loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, cố gắng sản xuất theo hướng Vietgap và tiến tới là loại bỏ hoàn toàn để bảo đảm cho sự an toàn của nông sản và sức khỏe người tiêu dùng.

“Thời gian qua báo chí phản ánh chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhiều hơn phản ánh hàng tốt, hàng chất lượng. Thực tế có nhiều chuỗi sản phẩm an toàn cần được báo chí tuyên truyền phản ánh để được lan tỏa nhiều hơn. Chúng ta cần xây mạnh hơn chống để người tiêu dùng biết đến những sản phẩm chất lượng, an toàn”, bà Lan nhấn mạnh.

z6843413757366_d1b110278b6fd026337d254e2aa72dc4.jpg
Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 1.000 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”; tổ chức kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tại tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn cơ sở sản xuất nông sản báo cáo định kỳ về sản lượng, chủng loại được tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM; tổ chức giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sản xuất tại tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, Sở An toàn thực phẩm tiếp tục tổ chức tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" theo quy chế cấp và thu hồi giấy chứng nhận do UBND TP.HCM ban hành cho các cơ sở sản xuất của tỉnh Lâm Đồng tham gia.

Việc kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ góp phần kiểm soát tốt chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện để nông sản sạch, đạt chuẩn tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng bền vững, việc duy trì và mở rộng các mô hình chuỗi thực phẩm an toàn chính là hướng đi chiến lược, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

z6843394223633_27b8411e9f4970db13ca335fe2832e87.jpg
Việc kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ góp phần kiểm soát tốt chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện để nông sản sạch tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.

Lâm Đồng hiện nay là tỉnh có diện tích lớn nhất nước (24.233 km2) với dân số hơn 3,87 triệu người. Với hơn 1 triệu ha đất canh tác, trong đó hơn 107.000 ha ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng đã xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như cà phê, chè, rau củ quả, hoa, cây ăn quả…

Tỉnh hiện có gần 150.000 ha được chứng nhận sản xuất nông nghiệp an toàn bền vững, với hơn 960 mã số vùng trồng xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các thị trường lớn như: Úc, New Zealand, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trúc Nhã