Việt Nam nỗ lực tự chủ công nghệ với Luật Công nghiệp công nghệ số
Liệu Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và xây dựng một nền kinh tế số vững chắc nhờ Luật Công nghiệp công nghệ số vừa được ban hành? Tiến sĩ Sreenivas Tirumala - giảng viên cao cấp ngành Công nghệ thông tin tại Đại học RMIT đã chia sẻ những góc nhìn chuyên môn xoay quanh vấn đề này.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, những biến động từ căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là các biện pháp thuế quan gần đây từ Mỹ, đã cho thấy mức độ phụ thuộc không nhỏ vào cả thị trường và công nghệ từ bên ngoài. Những yếu tố như điện toán đám mây, an ninh mạng hay trí tuệ nhân tạo (AI) hiện vẫn chủ yếu dựa vào công nghệ nhập khẩu.
Chính vì vậy, đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam tái định hình chiến lược phát triển số. Thay vì tiếp tục phụ thuộc vào hạ tầng và nền tảng từ nước ngoài, việc đầu tư phát triển công nghệ nội địa sẽ là chìa khóa để đẩy nhanh quá trình tự chủ. Luật Công nghiệp công nghệ số ra đời đúng lúc, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ cho tiến trình này.
.jpeg)
Hướng đến giảm lệ thuộc công nghệ nhập khẩu
Việt Nam hiện vẫn nhập khẩu phần lớn hạ tầng số, bao gồm cả phần cứng, phần mềm, dịch vụ đám mây và Internet vạn vật (IoT), chủ yếu từ các quốc gia như Mỹ và Israel. Các giải pháp này thường có chi phí cao, đồng thời tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến kiểm soát dữ liệu và chủ quyền số. Ví dụ, các nền tảng như Google, Microsoft hay Amazon đều chịu sự điều chỉnh của luật pháp Mỹ, có thể giới hạn quyền truy cập đối với người dùng Việt Nam tùy theo biến động địa chính trị.
Việc phát triển các nền tảng công nghệ trong nước sẽ giúp khắc phục các rào cản này. Dữ liệu người dùng sẽ được lưu trữ, quản lý và chia sẻ theo quy định pháp luật Việt Nam, đồng thời bảo đảm quyền riêng tư và an toàn thông tin theo yêu cầu của Luật Công nghiệp công nghệ số.
Tăng cường vai trò của nền tảng công nghệ nội địa
Ngoài các dịch vụ hạ tầng số, thị trường tiêu dùng số trong nước hiện cũng đang bị thống trị bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee hay Grab – vốn có lợi thế về công nghệ, tốc độ và trải nghiệm người dùng. Điều này khiến các nền tảng trong nước gặp khó trong việc cạnh tranh.
Tuy nhiên, với định hướng đầu tư vào kỹ năng và cơ sở hạ tầng phù hợp, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những nền tảng cạnh tranh tương tự. Ấn Độ là một ví dụ điển hình, khi các ứng dụng nội địa như Ola hay Rapido đã thành công trong việc đối đầu với Uber bằng các dịch vụ phù hợp với thị trường bản địa.
Các công cụ như AI tạo sinh “do Việt Nam phát triển” sẽ không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận mà còn giảm thiểu các yếu tố thiên lệch về chính trị và thương mại. Điều này góp phần bảo đảm người dùng Việt Nam không bị phụ thuộc vào quyết định của các quốc gia khác trong việc tiếp cận dịch vụ thiết yếu.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ trong nước còn có thể đưa Việt Nam trở thành trung tâm số của khu vực ASEAN. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, sự tương đồng văn hóa và tốc độ số hóa nhanh, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ số sang các nước như Thái Lan, Campuchia – nơi ưa chuộng các giải pháp “bản địa hóa” hơn là sản phẩm đại trà quốc tế.

Phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số
Việt Nam đang sở hữu lợi thế lớn về dân số trẻ, với 51,7% dân số dưới 34 tuổi (tính đến năm 2024). Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 28,8% lao động có bằng cấp hoặc chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên – cho thấy khoảng cách lớn về kỹ năng trong bối cảnh chuyển đổi số.
Việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo sát nhu cầu thực tiễn là rất cần thiết. Việt Nam có thể tham khảo mô hình đào tạo nghề kép của Đức – kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại doanh nghiệp. Một số trường như Đại học RMIT đã triển khai các môn học gắn liền với nhu cầu thực tế trong các lĩnh vực như CNTT, AI, IoT và an ninh mạng – góp phần hình thành lực lượng lao động số chất lượng.
Đồng thời, việc đưa CNTT vào chương trình học từ cấp phổ thông và hỗ trợ các cơ sở đào tạo nhỏ mở các khóa học kỹ năng ngắn hạn, cấp chứng chỉ nghề sẽ tạo điều kiện cho nhiều đối tượng – đặc biệt là người không theo học đại học – được tiếp cận và tham gia vào nền kinh tế số.
Luật Công nghiệp công nghệ số đánh dấu một bước tiến chiến lược hướng tới tự chủ công nghệ và kinh tế số bền vững. Việc giảm phụ thuộc vào nền tảng nước ngoài, thúc đẩy đổi mới nội địa và đầu tư mạnh vào phát triển nguồn nhân lực sẽ là nền tảng để Việt Nam vươn lên dẫn đầu khu vực trong kỷ nguyên số.