Giáo dục

Nuôi dưỡng thân - tâm - tuệ giúp trẻ vững vàng trong thế kỷ 21

Võ Liên 26/07/2025 - 13:57

Ngày 26/7, Hệ thống Giáo dục Mầm non Wisdomland World School tổ chức Diễn đàn Giáo dục toàn diện 2025.

Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 150 phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục, y tế và sáng tạo.

Với chủ đề "Nuôi dưỡng thân - tâm - tuệ giúp con vững vàng trong thế kỷ 21", diễn đàn tập trung bàn luận về những giải pháp nuôi dưỡng trẻ toàn diện trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng.

dien-dan-giao-duc-toan-dien.jpg
Các chuyên gia chia sẻ tại toạ đàm "Giáo dục không dừng ở kiến thức - Mở đường cho hành trình yêu mình, yêu người"

Nuôi dưỡng từ thân, tâm đến trí tuệ

Tại chương trình, GS.TS.BS. Đinh Xuân Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Cochin, Paris (Pháp) nhấn mạnh tầm quan trọng việc nuôi dưỡng thân, tâm, tuệ phải đi chung với nhau. Sự đồng hành này quan trọng hơn khi chúng ta quan tâm tới trẻ đang tuổi mới lớn. Ông ví von trẻ tuổi mới lớn như một cánh đồng xanh, cần phải nuôi dưỡng đúng cách.

Theo GS.TS.BS. Đinh Xuân Anh Tuấn, "thân" quan trọng nhưng cần phải làm gì đó cho "trí" phát triển, "trí" là có khả năng tìm được câu giải đáp thích hợp nhất với bao nhiêu câu hỏi trong cuộc sống, từ việc tìm hiểu khoa học đến việc cư xử hằng ngày. "Trí" sẽ đưa đến "tuệ", không những có được kiến thức mà còn là sự hiểu biết, sự quan trọng của lòng vị tha.

"Mỗi cá nhân chỉ có thể phát triển trong cộng đồng tất cả mọi người đều cộng hưởng và cùng chung tay khiến cộng đồng lớn mạnh hơn. Trong đó, cá nhân đó có thể phát triển yên lành và thoải mái", GS Tuấn nói.

GS Tuấn nhấn mạnh thân cường, trí tuệ và an tâm không chỉ cần thiết cho một đứa trẻ đang lớn lên mà còn cho cả người lớn.

dien-dan-giao-duc-toan-dien-2.jpg
Các em tham gia trải nghiệm tại gian hàng.

Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn - Trưởng Khoa Nhi tại Hệ thống phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare - người tiên phong đưa Y học Chứng cứ (Evidence-Based Medicine) về chăm sóc sức khỏe trẻ em tại Việt Nam - đã nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của ba trụ cột lành mạnh cho trẻ mầm non.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, giai đoạn mầm non là nền tảng cho sức khỏe lâu dài. Trẻ dễ mắc bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển về sau. Do đó, trẻ cần có miễn dịch khỏe, dinh dưỡng cân bằng và lối sống lành mạnh là ba trụ cột để trẻ phát triển.

Theo thống kê, trẻ dễ mắc cảm, cúm, nhiễm khuẩn khoảng 8-10 lần mỗi năm. Trong đó, có khoảng 200 loại vi rút gây bệnh hô hấp, vì vậy hệ miễn dịch cần được hỗ trợ và hoàn thiện.

Để có được hệ miễn dịch tốt, bác sĩ Đoàn cho biết hệ miễn dịch cũng phải được đào luyện liên tục. Cụ thể bệnh có thể có triệu chứng nặng ở lần đầu mắc, nhưng ở những lần sau triệu chứng sẽ ít hơn, thời gian bệnh ngắn hơn. Bác sĩ Đoàn nêu dẫn chứng trước đây con người chưa tiếp xúc với covid-19, khiến bệnh nặng hơn do cơ thể mới bắt đầu tiếp xúc với vi rút mới, tuy nhiên, giờ đây không còn nhiều người lo sợ do hệ miễn dịch được huấn luyện.

Mỗi đứa trẻ là một phiên bản riêng

Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia giáo dục, nghệ thuật, sáng tạo đã cùng đối thoại về tương lai của giáo dục trong thời đại mới, với chủ đề "Giáo dục không dừng ở kiến thức - Mở đường cho hành trình yêu mình, yêu người".

Theo nghệ sĩ Thanh Bùi - Nhà sáng lập Embassy Education, cần phải tư duy lại câu hỏi nên giáo dục các con trẻ như thế nào. Câu hỏi không đơn thuần là "phải dạy con cái gì?", mà nên là làm sao để khai mở được tiềm năng thật sự bên trong mỗi đứa trẻ.

"Mỗi đứa trẻ là một phiên bản riêng, đặc biệt. So sánh trẻ này với trẻ kia là một điều không nên. Việc đó chỉ tạo ra áp lực và vô tình bóp nghẹt sự phát triển tự nhiên của con", nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ.

dien-dan-giao-duc-toan-dien-1-.jpg
Các em khám phá các gian hàng tại vườn ngoại khoá.

Theo nghệ sĩ Thanh Bùi, mỗi đứa trẻ đều có một "ẩn tinh hoa" bên trong và nhiệm vụ của người lớn là giúp điều ẩn ấy không còn ẩn nữa. Thay vì hỏi con được bao nhiêu điểm, phụ huynh nên hỏi:“ "Con đã cố gắng hết mình chưa?", "Hôm nay con có tốt hơn chính mình ngày hôm qua không?".

Nghệ sĩ Thanh Bùi nhấn mạnh rằng sự phát triển toàn diện của trẻ phải đặt lên hàng đầu. Trẻ không chỉ cần giỏi các môn khoa học, mà còn cần thời gian để học âm nhạc, thể thao, những bộ môn giúp con hiểu chính mình, biết cảm nhận, kết nối và sáng tạo.

Ông Christopher Vũ - Giám đốc sáng tạo Việt Nam tinh hoa - cho rằng việc thi cử đang trở thành áp lực với trẻ em nên trẻ cần có thêm không gian sáng tạo.

Theo ông Christopher Vũ, bên cạnh việc cho trẻ học ở trường, điều quan trọng là phụ huynh phải thật sự quan tâm đến trải nghiệm học tập của con. Điều này không nằm ở việc kiểm tra bài vở hay yêu cầu thành tích, mà bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản, gần gũi mỗi ngày. Chính việc đặt câu hỏi sẽ khơi gợi tư duy phản biện, kích thích sự sáng tạo và giúp trẻ học sâu hơn.

Tại chương trình, bà Trần Tuệ Tri - Đồng sáng lập và Cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose - cho rằng điều quan trọng của giáo dục hôm nay là có thể cho trẻ em nội lực, khả năng tự học, xây dựng phẩm chất tốt và có thể giải quyết vấn đề để có thể thích ứng được với những thay đổi liên tục của xã hội và trở thành những công dân toàn cầu có ích cho xã hội. "Đây chính là lý do chúng ta cần phải quan tâm đến vấn đề trau dồi nuôi dưỡng toàn diện thân - tâm - tuệ ngay từ những năm đầu đời", bà Trần Tuệ Tri nhấn mạnh.

Võ Liên