Lần đầu tiên Liên hoan phim sinh viên quốc tế ISMA 2025 khai mạc tại Trường Đại học Văn Lang
Ngày 25/7/2025, Liên hoan phim Sinh viên Quốc tế ISMA 2025 chính thức khai mạc tại Trường Đại học Văn Lang, đánh dấu lần đầu tiên sự kiện học thuật – nghệ thuật uy tín này được tổ chức tại Việt Nam.
Với chủ đề “Môi trường – Dòng sông và Con người”, ISMA 2025 không chỉ là nơi hội tụ của các tài năng trẻ trong lĩnh vực truyền thông và nghệ thuật số, mà còn là diễn đàn học thuật quốc tế đề cao các giá trị nhân văn trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Hội tụ 121 tác phẩm, kết nối 8 quốc gia
ISMA 2025 quy tụ 121 tác phẩm dự thi đến từ 37 trường đại học thuộc 8 quốc gia gồm Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Iran, Thái Lan, Pháp, Trung Quốc và Việt Nam. Sự kiện thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu là giáo sư, giảng viên, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và sinh viên quốc tế, góp phần khẳng định uy tín, tầm vóc học thuật của kỳ liên hoan lần thứ sáu.
Hội đồng giám khảo gồm 13 chuyên gia quốc tế đến từ các nền đào tạo nghệ thuật hàng đầu thế giới như Đại học Kookmin (Hàn Quốc), Đại học Bang Middle Tennessee (Hoa Kỳ), Đại học Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang và Học viện Hý kịch Trung ương (Trung Quốc). Việt Nam có ba đại diện là ThS. Phan Quân Dũng – Trưởng khoa Mỹ thuật & Thiết kế Trường Đại học Văn Lang, NSND – đạo diễn Đào Bá Sơn và đạo diễn Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Phát biểu tại lễ khai mạc, GS. Jianhua Yang, Chủ tịch ISMA 2025, chia sẻ: “ISMA 2025 là diễn đàn sôi động nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội và môi trường cấp bách thông qua các hình thức nghệ thuật truyền thông đa dạng. Đồng thời, đây cũng là nơi trao đổi ý tưởng, đối thoại liên văn hóa và khám phá công nghệ sáng tạo mới. Chúng tôi tin rằng các sinh viên tham gia ISMA không chỉ là người dự cuộc, mà là những người đang góp phần định hình tương lai”.
Theo GS. Yang, hơn 600 giảng viên và sinh viên từ 13 quốc gia đã từng tham gia ISMA, đóng góp hơn 1.300 tác phẩm ở các lĩnh vực như điện ảnh, hoạt hình, nghệ thuật tương tác và truyền thông mới.
“Video nghệ thuật truyền thông là tấm gương phản chiếu thời đại và cũng là lời hiệu triệu cho sự thay đổi. Chúng tôi mong rằng, khi đến với Trường ĐH Văn Lang, sinh viên quốc tế sẽ vượt qua rào cản ngôn ngữ, đón nhận tinh thần hợp tác và cùng nhau sáng tạo ra những tác phẩm chân thành, đặt ra câu hỏi cho hiện tại và mở ra viễn cảnh tích cực hơn cho tương lai” - GS. Yang nhấn mạnh.


ISMA 2025 gồm ba hoạt động chính: Cuộc thi Nghệ thuật Truyền thông (Media Art Contest), 72-Hour Workshop và Diễn đàn Học thuật (Academic Forum).
Media Art Contest thu hút sự quan tâm đặc biệt với các tác phẩm dự thi ở bốn hạng mục: Phim ngắn, Hoạt hình, Nghệ thuật tương tác và Tự sự bằng trí tuệ nhân tạo (AI Narrative). Trong đó, các tác phẩm thuộc nhóm Animation và AI đã cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy sáng tạo – nơi công nghệ không chỉ là công cụ mà là chất liệu ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.
72-Hour Workshop là điểm nhấn sáng tạo đặc biệt của sự kiện. 8 đội sinh viên quốc tế được phân chia đến các địa điểm văn hóa – môi trường đặc trưng tại TP.HCM để thực hiện phim ngắn trong vòng 72 giờ. Với phương pháp Design Thinking, các đội phải nhanh chóng phân tích hiện trạng, xây dựng ý tưởng, quay dựng và hoàn thiện sản phẩm dưới sự cố vấn trực tiếp từ các giáo sư quốc tế.
Academic Forum là diễn đàn học thuật quy tụ những học giả hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông – nghệ thuật. Bảy tham luận được trình bày tại diễn đàn tập trung vào đào tạo nghệ thuật trong thời đại công nghệ, đặc biệt là ứng dụng AI trong giảng dạy điện ảnh và thiết kế truyền thông. Những vấn đề về đào tạo liên ngành, mô hình hợp tác quốc tế và tương lai sáng tạo số cũng được thảo luận sôi nổi.
Giao lưu, học hỏi, truyền cảm hứng
ISMA 2025 là một trong những sự kiện trọng điểm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Văn Lang và 20 năm hình thành Khoa Mỹ thuật & Thiết kế. Đây cũng là dấu mốc ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật ứng dụng.

Trong bài phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, khẳng định: “Nghệ thuật từ lâu đã là phương tiện vượt qua ranh giới ngôn ngữ và địa lý, truyền tải mạnh mẽ những suy tư về con người, xã hội và môi trường. ISMA là cơ hội để sinh viên khám phá mối liên hệ đa chiều giữa nhân loại, công nghệ và thiên nhiên – một chủ đề mang tính thời sự toàn cầu”.
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu cũng nhấn mạnh: “Sự kiện không chỉ giúp sinh viên trau dồi kỹ năng chuyên môn, mà còn tạo điều kiện giao lưu, kết nối với bạn bè quốc tế, từ đó hình thành những cộng đồng sáng tạo toàn cầu có trách nhiệm với xã hội...”.
Năm 2025, Trường Đại học Văn Lang chính thức góp mặt trong bảng xếp hạng QS World University Rankings by Subject với hai ngành đào tạo: Nghệ thuật trình diễn (Performing Arts) thuộc top 51–100 toàn cầu và Thiết kế (Art & Design) thuộc top 101–150. Thành tích này không chỉ nâng cao vị thế quốc tế của Văn Lang, mà còn khẳng định chất lượng đào tạo của ngành mỹ thuật – thiết kế Việt Nam trên bản đồ giáo dục toàn cầu.

Khoa Mỹ thuật & Thiết kế, đơn vị chủ trì tổ chức ISMA 2025, đã tiên phong đưa vào đào tạo các chuyên đề gắn với xu hướng sáng tạo toàn cầu: thiết kế cộng đồng, khai thác vốn cổ dân tộc và ứng dụng công nghệ mới. Khoa hiện duy trì quan hệ hợp tác với hơn 30 trường đại học và tổ chức nghệ thuật quốc tế, đặc biệt tại Hàn Quốc – quốc gia dẫn đầu về công nghiệp sáng tạo tại châu Á.
Sinh viên của khoa thường xuyên tham gia các dự án cộng đồng, chương trình trao đổi, triển lãm quốc tế và đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi thiết kế – nghệ thuật danh giá. ISMA 2025 vì thế không chỉ là một sự kiện đơn lẻ, mà là kết quả của một quá trình dài định hình bản sắc sáng tạo và hội nhập của Văn Lang.
Sự kiện ISMA 2025 không chỉ giúp sinh viên mở rộng hiểu biết về xu hướng nghệ thuật toàn cầu, mà còn là cơ hội để giảng viên, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trong nước kết nối và đối thoại cùng giới học thuật quốc tế. Trong thời điểm Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ISMA 2025 cũng góp phần khẳng định vai trò của nghệ thuật như một cầu nối giữa con người, môi trường và lịch sử.
Ra đời tại Thanh Đảo (Trung Quốc) vào năm 2017, Liên hoan phim Sinh viên Quốc tế ISMA từng bước khẳng định vị thế như một nền tảng kết nối sinh viên, giảng viên và nghệ sĩ trẻ trên toàn cầu thông qua nghệ thuật truyền thông. Từ một sáng kiến mang tính khu vực, ISMA đã phát triển mạnh mẽ, lan tỏa qua các kỳ tổ chức tại Quý Dương (2018), Thượng Hải và Malaysia (2019), Đại học Bang Middle Tennessee – Hoa Kỳ (2023), Đại học Quốc gia Seoul – Hàn Quốc (2024), và năm nay là Trường Đại học Văn Lang – Việt Nam.