Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hưng: Làm đẹp phải bắt đầu từ sự hiểu biết và sự tôn trọng sức khỏe của mỗi người
Từ phòng khám ở Anh Quốc trở về Việt Nam, bác sĩ Huỳnh Ngọc Hưng chọn con đường đi chậm nhưng chắc, làm nghề y bằng sự tử tế. Ông không “sao hóa” bản thân, không chạy theo công thức làm đẹp nhanh mà xây dựng thương hiệu thẩm mỹ nội khoa Vanity bằng tri thức, trải nghiệm chuẩn y khoa và niềm tin bền bỉ từ giá trị thật.

Là một bác sĩ được đào tạo bài bản, điều gì đã khiến ông chọn con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực thẩm mỹ nội khoa thay vì tiếp tục theo hướng y khoa truyền thống?
Khi tốt nghiệp Đại học Y, như nhiều đồng nghiệp khác, tôi tự đặt cho mình câu hỏi: Mình có thể cống hiến tốt nhất ở đâu? Mình có khả năng gì? Và cộng đồng thực sự đang cần điều gì?
Tôi nhận ra một thực tế là thị trường thẩm mỹ nội khoa hiện nay đang rất hỗn loạn, thông tin thì tràn lan và thiếu kiểm chứng. Nói thật, ngay cả bản thân tôi, với nền tảng là một bác sĩ khi đọc các bài viết về làm đẹp trên truyền thông, tôi cũng khó xác định đâu là đúng, đâu là sai.
Trong khi đó, khách hàng những người không có chuyên môn lại đang đặt trọn niềm tin, thậm chí là tính mạng vào các cơ sở làm đẹp. Và khi giao nhầm niềm tin, hậu quả đôi khi rất đáng tiếc. Điều đó thôi thúc tôi đi học chuyên sâu về thẩm mỹ nội khoa tại Anh Quốc. Tôi mong muốn mình không chỉ làm nghề một cách tử tế, mà còn có thể mang những kiến thức đúng đắn về chăm sóc sắc đẹp đến với cộng đồng để người dân có thể hiểu rõ, chọn đúng, và được làm đẹp một cách an toàn.
Ông từng học và lập nghiệp tại Anh Quốc. Vậy điều gì đã khiến ông quyết định trở về Việt Nam?
Ngay từ đầu, khi xác định đi học chuyên sâu về thẩm mỹ nội khoa, tôi đã có một mục tiêu rất rõ ràng là: mang kiến thức này về để phục vụ cho người Việt Nam. Trong quá trình học tại Anh Quốc, tôi cũng mở phòng khám để vừa học vừa thực hành, tích lũy kinh nghiệm thực tế. May mắn là phòng khám hoạt động tốt và được khách hàng rất tin tưởng. Nhưng trong lòng tôi luôn canh cánh một điều, những kiến thức chuyên sâu này ở Anh Quốc là điều mà người dân đã biết, đã tiếp cận từ lâu, trong khi đó, ở Việt Nam, rất nhiều người còn chưa hiểu rõ về các phương pháp điều trị mới trong thẩm mỹ nội khoa.
Tôi quyết định trở về, với mong muốn khi khách hàng đến với phòng khám của mình, họ không chỉ được làm đẹp mà còn được hiểu đúng. Tôi luôn cố gắng chia sẻ thông tin một cách trung thực và bám sát với chuẩn y khoa bao gồm cả lợi ích lẫn những rủi ro, tác dụng phụ có thể xảy ra.
Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra là rất nhiều cơ sở làm đẹp chỉ nói đến mặt tốt, còn những điểm cần lưu ý thì gần như bị lướt qua. Nhưng với tôi, điều quan trọng là khách hàng cần có đủ thông tin, rõ ràng và minh bạch, để họ có thể tự đưa ra quyết định phù hợp nhất cho sức khỏe và cơ thể của mình.

Có thể nói, ngành thẩm mỹ hiện nay là một “ma trận” thông tin, nhưng lại thiếu những kiến thức chuyên môn chính thống. Vậy ông đã gặp khó khăn gì trong những ngày đầu lập nghiệp, đặc biệt là việc xây dựng niềm tin với khách hàng?
Phải thẳng thắn rằng giai đoạn đầu rất khó khăn. Bản thân tôi lại quen với cách tư vấn cho khách hàng tại Anh Quốc, họ có nền tảng kiến thức tốt nên mình chỉ cần tập trung giải thích kỹ thuật chuyên môn, đưa ra thông tin rõ ràng là họ hiểu và tự đưa ra quyết định.
Khi về Việt Nam, tôi phải học lại cách tiếp cận hoàn toàn mới từ văn hóa, thói quen… Cách tiếp nhận thông tin của khách hàng ở đây rất khác, họ bị bủa vây bởi quá nhiều quảng cáo, lời mời chào, thậm chí là thông tin sai lệch. Vì vậy, họ có sẵn những định kiến, hoài nghi và điều này thì hoàn toàn dễ hiểu.
Tôi hiểu rằng, mình không thể mang kiến thức chuyên môn ra để thuyết phục họ ngay lập tức mà phải lắng nghe mong muốn, và hiểu xem khách hàng đang lo lắng điều gì, họ đã nghe và tin vào điều gì trước đó, từ đó giải thích lại một cách cẩn trọng, chân thành, không phán xét.
Năm đầu tiên đúng là nhiều bỡ ngỡ. Nhưng tôi chọn cách cầu thị, học từ chính khách hàng của mình. Tôi ghi nhận những câu hỏi lặp đi lặp lại, những khúc mắc thường gặp, để tự điều chỉnh cách tư vấn sao cho dễ hiểu hơn, gần gũi hơn. Dần dần, sự tin tưởng đến theo cách rất tự nhiên.
Có thể nói bước ngoặt lớn giúp thương hiệu Vanity được nhiều người biết đến là khi vợ chồng nghệ sĩ Hồng Vân đã tin tưởng lựa chọn tôi là bác sĩ điều trị. Sau khi hai cô chú có trải nghiệm tốt và chủ động chia sẻ lại câu chuyện của mình, Vanity nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng hơn. Nhưng điều quan trọng nhất với tôi vẫn là: mỗi khách hàng ra về đều hiểu rõ mình đang điều trị gì, và điều đó có phù hợp với họ hay không.
Vậy đâu là niềm tin cốt lõi mà ông luôn giữ vững, ngay cả khi thị trường Việt Nam còn chưa quen với khái niệm thẩm mỹ nội khoa?
Tôi luôn tin rằng làm đẹp phải bắt đầu từ sự hiểu biết và sự tôn trọng sức khỏe của mỗi người. Dù thị trường còn nhiều bỡ ngỡ với khái niệm thẩm mỹ nội khoa, tôi vẫn kiên định với nguyên tắc làm nghề của mình đó là phải tư vấn trung thực, rõ ràng, dựa trên kiến thức y khoa.
Nói thật, với những khách hàng chưa từng làm thẩm mỹ bao giờ, đôi khi họ chưa cảm nhận được giá trị tôi đang muốn truyền tải. Nhưng với những người đã từng trải nghiệm điều trị ở nhiều nơi, khi gặp tôi, họ sẽ thấy có sự khác biệt không chỉ trong cách tư vấn, mà trong cả thái độ.
Tôi không xem thường khách hàng. Tôi không áp đặt hay “vẽ vời” để họ phải làm cái này, cái kia. Thay vào đó, tôi lắng nghe, tìm hiểu đúng nhu cầu thực sự của họ. Từ đó, giải thích cụ thể về kỹ thuật, dù tôi không trực tiếp làm nhưng tôi phải hiểu rõ cơ chế hoạt động, hiệu quả, tác dụng phụ có thể gặp là gì. Tôi trình bày cả mặt tích cực và mặt cần lưu ý để khách hàng tự chủ trong quyết định.
Tôi tin rằng, khi khách hàng cảm nhận được bác sĩ có kiến thức vững vàng, đặt sức khỏe của họ lên trên lợi nhuận, và thật lòng muốn giúp họ hiểu đúng thì sự tin tưởng sẽ đến một cách tự nhiên thôi.

Ông có thể giải thích một cách đơn giản: Thẩm mỹ nội khoa là gì?
Thẩm mỹ nội khoa (Cosmetic Medicine) là lĩnh vực làm đẹp sử dụng các phương pháp y khoa không phẫu thuật để cải thiện ngoại hình, đặc biệt là trẻ hóa làn da và khuôn mặt. Trong đó, medicine nghĩa là các kỹ thuật điều trị bằng thuốc hoàn toàn không đụng đến dao kéo, không cắt xẻ gì cả. Còn cosmetic là yếu tố thẩm mỹ là những gì chúng ta làm đều hướng đến mục tiêu giúp khách hàng đẹp hơn, tự tin hơn. Điểm đặc trưng của thẩm mỹ nội khoa là xâm lấn tối thiểu, nghĩa là can thiệp ít nhất có thể, nhưng vẫn đạt được hiệu quả rõ rệt nếu được chỉ định và thực hiện đúng kỹ thuật.
Thẩm mỹ nội khoa thường không cho kết quả tức thì như phẫu thuật thẩm mỹ. Vậy điều gì giúp Vanity tạo được sự tin cậy với khách hàng, nhất là trong giai đoạn đầu?
Đúng là với thẩm mỹ nội khoa, kết quả không đến tức thì, cũng không thể tạo hiệu ứng “wow” ngay như phẫu thuật thẩm mỹ. Tôi tin rằng ngành y dù là thẩm mỹ hay điều trị đều cần xây dựng niềm tin bằng thời gian. Cũng như điều trị tiểu đường hay tim mạch, bác sĩ không thể làm gì trong một sớm một chiều, phải có sự kiên trì và đồng hành.
Vanity đã đi được 4 năm, và hiện tại hơn 50% khách hàng đến từ sự giới thiệu của người thân. Trước đây là nhờ nghệ sĩ chia sẻ câu chuyện thật của họ, còn bây giờ là do chính những người đã trải nghiệm và hài lòng chia sẻ cho người thân, bạn bè. Rất nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là những người quan tâm đến việc làm đẹp an toàn và giảm cân lành mạnh, đã chủ động tìm đến tôi. Ví dụ như chị Lâm Vỹ Dạ, chị đã giảm hơn 10kg, hay chị Lương Bích Hữu, cũng là khách hàng rất đáng quý của Vanity chúng tôi.
Có câu nói: Làm đẹp là ngành đòi hỏi sự đồng nhất tuyệt đối trong trải nghiệm dịch vụ. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
Tôi hoàn toàn đồng ý. Trong lĩnh vực thẩm mỹ, sự đồng nhất trong trải nghiệm của khách hàng là yếu tố sống còn. Nếu hôm nay khách hàng gặp bác sĩ A và được tư vấn một cách, nhưng hôm sau gặp bác sĩ B lại nghe một cách hoàn toàn khác, thậm chí trái ngược thì chắc chắn họ sẽ cảm thấy hoang mang, mất niềm tin.
Ở Vanity, tôi đặc biệt chú trọng việc xây dựng một hệ thống vận hành và đào tạo đồng bộ. Tất cả các nhân sự từ bác sĩ đến nhân viên tư vấn đều phải tuân thủ cùng một quy chuẩn chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Không ai được phép tư vấn tùy hứng hay dựa trên cảm tính cá nhân. Khi một nhân viên mới vào làm việc tại Vanity, họ sẽ trải qua ít nhất 2 tháng học việc và đào tạo không chỉ về kiến thức chuyên môn, mà còn về cách giao tiếp, lắng nghe và hiểu đúng nhu cầu khách hàng.

Theo ông, khách hàng Việt Nam ngày nay có gì khác biệt trong cách họ tiếp cận dịch vụ thẩm mỹ so với 4 năm trước?
Có sự thay đổi rõ rệt. Trước đây, phần lớn khách hàng biết đến chúng tôi nhờ sự chia sẻ của các anh chị nghệ sĩ những người đã có trải nghiệm tích cực và chủ động kể lại hành trình giảm cân, làm đẹp của mình.
Nhưng bây giờ, khách hàng tìm đến Vanity thông qua giới thiệu từ người thân, bạn bè những người đã trực tiếp điều trị và hài lòng với kết quả. Điều này cho thấy khách hàng không chỉ quan tâm đến hiệu ứng bề ngoài nữa, mà đã bắt đầu đánh giá cao hiệu quả thật, sự an toàn và trải nghiệm dài hạn.
Ông định nghĩa thành công trong ngành thẩm mỹ như thế nào ở góc độ một bác sĩ, một người làm nghề và một doanh nhân?
Với tôi, đã học y khoa thì phải có tinh thần khám phá và đóng góp cho chuyên môn. Thành công đầu tiên với tư cách bác sĩ là khi tôi có thể phát triển được một quy trình điều trị có tính khoa học, bài bản và thực sự tạo ra giá trị cho người bệnh. Quy trình giảm cân nội khoa tại Vanity chính là một trong những tâm huyết lớn nhất của tôi. Tôi học bài bản tại Anh Quốc, sau đó dành nhiều thời gian để tối ưu hoá lại theo thể trạng, lối sống và thói quen của người Việt. Với tôi, đó không chỉ là một dịch vụ, mà là một dạng “phát minh” chuyên môn phản ánh chính con đường mà tôi lựa chọn.
Thành công thứ hai, là khi kiến thức ấy không nằm trong phòng khám, mà được cộng đồng đón nhận rộng rãi. Giờ đây, khi nói đến giảm cân nội khoa, nhiều khách hàng nghĩ đến Vanity đầu tiên điều đó khiến tôi rất trân trọng. Và ở góc độ người làm kinh doanh, thành công là khi mình có thể nhân rộng giá trị thật mà không đánh mất tinh thần y khoa ban đầu. Hiện tại, chúng tôi đã mở thêm cơ sở tại Cần Thơ, và sắp tới là Hà Nội.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!