Cộng đồng

'Vui khỏe mỗi ngày' mang kiến thức về sức khỏe tâm thần và phòng ngừa thoái hóa cột sống cho sinh viên y khoa

Võ Liên - Ngọc Duy 20/07/2025 - 12:13

Chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích về cách kiểm soát stress và duy trì tư thế đúng khi học tập, làm việc để bảo vệ sức khỏe xương khớp cho sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Ngày 20/7, Chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng tránh bệnh lý thoái hóa cột sống cổ" đã diễn ra tại hội trường Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (số 2 Dương Quang Trung, phường Hoà Hưng, TP.HCM).

sinh-vien-tham-du-chuong-trinh.jpg

Chương trình do Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức, với sự đồng hành của Hệ thống Bệnh viện Saigon ITO.

nha-bao-bui-huong-phat-bieu.jpg

Phát biểu tại chương trình, ThS.Nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng Biên tập phụ trách, điều hành Tạp chí Khoa học phổ thông - cho biết chương trình Vui khỏe mỗi ngày với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng tránh bệnh lý thoái hóa cột sống cổ" được tổ chức với mong muốn trang bị kiến thức y học thực tiễn không chỉ cho cộng đồng mà còn cho các bác sĩ tương lai.

"Chúng tôi kỳ vọng sinh viên, những người sẽ trực tiếp tham gia chăm sóc sức khỏe người dân trong tương lai sẽ có thêm kiến thức nền tảng để biết cách chăm sóc bản thân trước khi chăm sóc cho người khác", nhà báo Bùi Hương chia sẻ.

tsbs-doan-kim-thanh-pho-truong-dieu-hanh-trung-tam-dao-tao-nhan-luc-y-tejpg.jpg

Tại chương trình, TS.BS. Đoàn Kim Thành - Phó trưởng Điều hành Trung tâm Đào tạo nhân lực y tế, Trường Đại Y khoa Phạm Ngọc Thạch - đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của chương trình "Vui khỏe mỗi ngày".

"Đây là một hoạt động hữu ích, thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối tượng sinh viên. Chúng tôi kỳ vọng thông qua chương trình, các sinh viên sẽ được trang bị thêm kiến thức và kỹ năng để chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân một cách khoa học và bền vững", TS.BS Đoàn Kim Thành nhấn mạnh.

bac-si-trinh-bay.jpg

Chia sẻ tại chương trình, ThS.BS.CK II Nguyễn Mạnh Tuấn - Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận - cho biết ngày nay khoảng 70% người trưởng thành từng bị đau cổ. Trong đó, sinh viên và giảng viên là những người có nguy cơ mắc bệnh lý cột sống cổ do học tập và làm việc sai tư thế.

bac-si-giai-dap-thac-mac.jpg

Do đó, bác sĩ Tuấn khuyến cáo để phòng ngừa thoái hoá cột sống cổ cần duy trì tư thế đúng, ngồi học, làm việc giữ cổ - lưng thẳng, vai thư giãn. Đặc biệt, tránh cúi đầu lâu khi dùng điện loại, máy tính, sách. Mắt nhìn thẳng màn hình, cao ngang tầm mắt,...

ts-le-thi-dung-.jpg

Trình bày tại chương trình, TS. Lê Thị Dung - Giảng viên Bộ môn Tâm lý y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - đặt vấn đề: "Stress có phải lúc nào cũng xấu không?".

Theo TS. Dung, stress không hoàn toàn tiêu cực. Có hai loại stress với ảnh hưởng trái ngược nhau là eustress và distress. Trong đó, eustress là dạng stress có lợi, có thể giúp con người tăng động lực, khả năng tập trung và phát triển bản thân, thường xuất hiện khi cá nhân đối mặt với thử thách có thể vượt qua. Ngược lại, distress là dạng stress tiêu cực, gây cảm giác quá tải, lo âu, bất lực hoặc tuyệt vọng.

Đặc biệt, trong ngành Y, stress có những đặc thù riêng do khối lượng kiến thức lớn, quá trình học luôn đi đôi với thực hành. Ngoài ra, việc trực ca kéo dài, thường xuyên phải đưa ra quyết định ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, cùng với áp lực từ vai trò xã hội và kỳ vọng phải luôn "mạnh mẽ", tất cả là những yếu tố gia tăng nguy cơ stress cho sinh viên và nhân viên y tế.

Để ứng phó với stress, theo TS. Dung, cần tập trung vào cơ thể. Trong đó có thể tập thở sâu và thiền định, tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc và có chế độ ăn uống lành mạnh. Bên cạnh đó, có thể chia sẻ cảm xúc với người thân hoặc bạn bè; giữ kết nối xã hội tích cực, tránh xa các mối quan hệ độc hại, xây dựng mạng lưới hỗ trợ tinh thần,...

cac-bac-si-chuyen-gia-chia-se.jpg

Tại chương trình, nhiều câu hỏi được đặt ra cho các bác sĩ, chuyên gia xoay quanh vấn đề cơ xương khớp và các biện pháp đối mặt với stress.

sinh-vien-vu-thanh-ly-dat-cau-hoi.jpg

Bạn Vũ Thanh Ly - sinh viên năm 5, khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - chia sẻ: "Đôi khi mọi việc không diễn ra như mong muốn, em tự hỏi đâu là những dấu hiệu cho thấy stress đã vượt quá khả năng kiểm soát và cần được hỗ trợ?".

Giải đáp thắc mắc này, TS. Lê Thị Dung cho biết việc cảm thấy thất vọng khi kết quả không như kỳ vọng là điều rất phổ biến và cũng là nguồn gây stress thường gặp.

Tuy nhiên, theo TS. Dung cần chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo stress đã trở nên nghiêm trọng như: mất ngủ kéo dài, thường xuyên nghi ngờ giá trị bản thân, cảm giác lo âu dai dẳng hoặc căng thẳng khi phải đối diện đám đông dù không phải lần đầu. Đặc biệt, dấu hiệu báo động nghiêm trọng nhất là khi một người không còn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, việc tìm đến sự trợ giúp chuyên môn là điều rất cần thiết.

chi-vu-thi-yen-dat-cau-hoi.jpg

Tại chương trình, chị Vũ Thị Yến - viên chức Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết chị là nhân viên hành chính, thường xuyên làm việc trên máy tính với cường độ cao. "Gần đây, tôi được chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ. Bệnh này có thể điều trị khỏi hoàn toàn không và tôi nên làm gì để cải thiện?".

Giải đáp thắc mắc trên, ThS.BS.CKII Nguyễn Mạnh Tuấn - cho biết thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý không thể chữa khỏi dứt điểm, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được triệu chứng nếu điều chỉnh tốt tư thế sinh hoạt.

"Không nên cúi đầu quá lâu khi làm việc. Có thể hạ ghế hoặc nâng màn hình lên để cổ giữ ở tư thế trung tính. Sau khoảng 30 - 40 phút ngồi, nên đứng dậy đi lại, xoay nhẹ cổ và vai để giúp giảm áp lực lên đốt sống cổ", bác sĩ Tuấn khuyến nghị.

sinh-vien-dat-cau-hoi-.jpg

Các sinh viên, cán bộ, viên chức nhà trường cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho các bác sĩ.

tang-hoa-cam-on-chuong-trinh.jpg

TS.BS. Đoàn Kim Thành - Phó trưởng Điều hành Trung tâm Đào tạo nhân lực y tế, Trường Đại Y khoa Phạm Ngọc Thạch (bìa trái) và TS.BS. Bùi Đặng Minh Trí - Phó trưởng Trung tâm Đào tạo Nhân lực Y tế, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (bìa phải) - tặng hoa cảm ơn cho các bác sĩ và đơn vị đồng hành.

tham-gia-chuong-trinh.jpg

Đại diện Ban tổ chức, nhà trường và các bác sĩ chụp hình tại chương trình.

an-pham-tap-chi-khoa-hoc-pho-thong.jpg

Thay mặt ban tổ chức, ThS. Nhà báo Bùi Hương - Phó Tổng Biên tập phụ trách, điều hành Tạp chí Khoa học phổ thông trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO; ThS.BS.CK II Nguyễn Mạnh Tuấn - Khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận; TS. Lê Thị Dung - Giảng viên Bộ môn Tâm lý y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đồng hành cùng chương trình "Vui khỏe mỗi ngày".

Võ Liên - Ngọc Duy